Vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về sở hữu trong phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam
Hiện nay, hầu hết mỗi nền kinh tế phát triển trên thế giới đều có một chiến lược phát triển công nghệ số, tập trung vào nghiên cứu áp dụng công nghệ mới cho quá trình tăng trưởng kinh tế. Về bản chất, kinh tế số là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số, tuy nhiên, kinh tế số cũng làm cho vấn đề sở hữu có nhiều điểm khác biệt. Bối cảnh đó cần nhìn nhận quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về sở hữu cho phù hợp với bối cảnh ngày nay. Bài viết làm rõ những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về sở hữu và đưa ra một số đề xuất vận dụng những quan điểm này trong nền kinh tế số tại Việt Nam.
Vấn đề sở hữu theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin
Trong các tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, Bản thảo kinh tế triết học năm 1844, Tư bản... C.Mác và Ph.Ăngghen coi sở hữu là một phạm trù lịch sử, một quan hệ xã hội - quan hệ giữa người với người trong đời sống xã hội. Sở hữu không chỉ bao gồm quan hệ con người chiếm hữu tư liệu sản xuất, của cải, mà điều cốt yếu là đề cập đến quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất và tái sản xuất xã hội.
Trong các tác phẩm mang tính cương lĩnh, C.Mác và Ph.Ăngghen đã xác định một cách triệt để và dứt khoát rằng, sở hữu là “vấn đề cơ bản”, then chốt của cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Xóa bỏ chế độ tư hữu là tiền đề cơ bản cho việc xóa bỏ tất cả mọi “sự tha hóa”, cho sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng xã hội. Hai ông cũng cho rằng, vấn đề sở hữu là “vấn đề hàng đầu”, “vấn đề sống còn”, “vấn đề lịch sử toàn thế giới” trong cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản. Xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa (TBCN), thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là quá trình cải tạo toàn bộ chế độ xã hội.
Để thực hiện được mục tiêu này, theo C.Mác sẽ phải “kinh qua một quá trình rất khó khăn và lâu dài trong hiện thực”. Không thể xóa bỏ chế độ tư hữu ở bất kỳ trình độ phát triển nào của nền sản xuất xã hội bằng mệnh lệnh hành chính, hay theo ý muốn chủ quan của con người. Việc xóa bỏ chế độ tư hữu phải tuân theo các quy luật khách quan của sự vận động, phát triển xã hội và được thực hiện triệt để khi sự tập trung tư liệu sản xuất và xã hội hóa lao động không còn thích hợp với “cái vỏ TBCN”.
Kế thừa những quan điểm của C.Mác về sở hữu, V.I.Lênin cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc xóa bỏ chế độ tư hữu TBCN. V.I.Lênin cho rằng, cần phải thủ tiêu chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, chuyển các tư liệu đó thành sở hữu công cộng và thay thế nền sản xuất hàng hóa TBCN bằng việc tổ chức sản xuất sản phẩm theo lối XHCN. Đồng thời, V.I.Lênin cho rằng, chủ nghĩa xã hội (CNXH) không hề xóa bỏ tất cả các quyền sở hữu của quần chúng nhân dân lao động, mà chỉ muốn xóa bỏ quyền sở hữu của địa chủ và tư bản.
Theo Trần Thị Hằng, Nguyễn Thị Hoài Thu (2019), tại Việt Nam, cơ sở lý luận căn bản của việc đổi mới nhận thức về sở hữu là: Sự đổi mới quan niệm về CNXH, về thời kỳ quá độ lên CNXH và sự thay đổi quan niệm về sở hữu, coi sở hữu vừa là mục đích vừa là phương tiện. Theo đó, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần với các loại hình sở hữu khác nhau là chiến lược lâu dài và tối ưu, nhằm phát triển lực lượng sản xuất, năng động hóa nền kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân lao động. Sự thành công tiếp theo của công cuộc đổi mới phần nhiều phụ thuộc vào những chủ trương và giải pháp, nhằm sử dụng một cách tối ưu các loại hình sở hữu. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, bắt đầu bằng đổi mới tư duy mà trước hết là tư duy kinh tế, đã thu được những thành tựu quan trọng.
Để có được thành tựu như vậy, phải kể đến sự đổi mới căn bản trong nhận thức về sở hữu được thể hiện ở chủ trương, chính sách đối với các thành phần kinh tế dựa trên sở hữu tư nhân. Nếu như thời kỳ trước đổi mới, thành phần kinh tế tư bản tư nhân bị xóa bỏ, thành phần kinh tế cá thể được cải tạo và thu hẹp dần thì từ sau Đại hội VI đến nay, Đảng ta không ngừng thay đổi chủ trương, chính sách theo hướng khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đó phát triển. Các loại hình sở hữu, các thành phần kinh tế đều được xem là bộ phận hợp thành của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tất cả các loại hình sở hữu đều là những phương tiện để đạt tới mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, như đã được xác định trong các đại hội gần đây của Đảng...
Sở hữu trong nền kinh tế số
Trong những năm gần đây, việc áp dụng những tiến bộ công nghệ đã tác động vào các ngành kinh doanh cũng như mọi khía cạnh của cuộc sống trên thế giới. Hầu hết nền kinh tế phát triển trên thế giới có một chiến lược phát triển công nghệ số, tập trung vào việc nghiên cứu để có thể áp dụng công nghệ mới vào việc tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet. Theo các nhà nghiên cứu, về bản chất, kinh tế số là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số. Kinh tế số là một phần của nền kinh tế trong đó bao gồm các mô hình kinh doanh tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho doanh nghiệp. Điểm khác biệt lớn nhất hiện nay trong phát triển kinh tế số là sự hội tụ loạt công nghệ mới như: dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo...
Trong nền kinh tế số, các hoạt động kinh tế không chỉ đơn thuần là việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa người với người mà dựa trên các công nghệ kỹ thuật số. Trong nền kinh tế này, các loại thị trường dựa trên các công nghệ kỹ thuật số để giúp cho việc giao dịch, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thông qua thương mại điện tử được dễ dàng. Nền kinh tế số cho phép các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hay quốc gia dựa trên công nghệ hạ tầng về thông tin để khai thác nguồn tài nguyên số bao gồm hệ sinh thái dữ liệu và tri thức mở, có ích cho việc dự đoán kịp thời và ra quyết định mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo thống kê sơ bộ, nền kinh tế số hiện có trị giá hơn 3.000 tỷ USD và sử dụng xấp xỉ 10% năng lượng điện của toàn thế giới. Tại Việt Nam, trong vài năm gần đây, kinh tế số được đề cập nhiều và trở thành một trong những vấn đề nằm trong chính sách phát triển của Chính phủ.
Theo nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore), kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công. Nhờ có nền kinh tế số mà hiệu suất kinh tế đạt được nhiều thành quả cao, các ngành công nghiệp có bước chuyển biến đột phá trong mô hình kinh doanh, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), giao thông vận tải (Uber, Grab, GoViet) đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shopee)... Đây là những bước phát triển của kinh tế số hóa trong đời sống của người dân Việt Nam thời gian tới.
Theo các chuyên gia, để lý giải quan điểm sở hữu trong nền kinh tế số, cần phải dựa trên quan điểm về tài sản. Tài sản là của cải vật chất dùng vào mục đích sản xuất hoặc tiêu dùng. Trong đó, nếu phân loại tài sản theo chu kỳ sản xuất, sẽ có tài sản cố định (đất đai, nhà cửa công trình…) và tài sản lưu động (tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và những khoản có thể chuyển ngay thành tiền mặt, như thương phiếu…). Đồng thời, khi phân loại tài sản theo đặc tính cấu tạo của vật chất, sẽ có tài sản hữu hình (tiền, giấy tờ có giá...) và tài sản vô hình (những quyền tài sản thuộc sở hữu của một chủ thể nhất định, thường chỉ gắn với một chủ thể và không thể chuyển giao).
Với đặc điểm của nền kinh tế, cần quan tâm nhiều đến tài sản vô hình. Theo Trần Thị Hằng, Nguyễn Thị Hoài Thu (2019), trong thời đại kinh tế số, một số quyền tài sản có thể chuyển giao như: Thương hiệu, hàng hóa, tiền mã hóa (Bitcoin, Ethereum, gần đây là đồng Libra của Facebook...), tài sản trí tuệ hoặc ủy quyền cho chủ thể khác. Tài sản vô hình là những thứ không thể dùng giác quan để thấy được và thường không thể dùng đại lượng để tính. Nhưng trong quá trình chuyển giao có thể quy ra tiền. Tùy từng thời điểm nhất định mà quyền tài sản có giá như thế nào...
Vận dụng ở Việt Nam
Theo một nghiên cứu của Trung tâm kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts (Mỹ), Việt Nam đang đứng ở vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số hóa nhanh trên thế giới, đứng ở vị trí 22 về tốc độ phát triển số hóa. Những con số này đã chứng tỏ sự thay đổi mạnh mẽ trong mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, là bước ngoặt giúp kinh tế - xã hội Việt phát triển lên một tầm cao mới. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, Việt Nam đang sở hữu lợi thế về nguồn lực con người và sự ủng hộ của Chính phủ. Bởi vậy tạo ra làn sóng, động lực quốc gia về phát triển kinh tế số là hướng đi mà Việt Nam có thể đẩy mạnh phát triển hơn nữa. Trước những tác động của quá trình toàn cầu hóa, của Cách mạng công nghiệp 4.0, của nền kinh tế số, cần nhìn nhận quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về sở hữu cho phù hợp với bối cảnh ngày nay. Để vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về sở hữu trong phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam, cần chú trọng một số nội dung:
Một là, cần có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về sở hữu nói chung và vấn đề sở hữu trong nền kinh tế số nói riêng. Bởi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mà nòng cốt là chuyển đổi số sẽ làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế, xã hội, quản trị quốc gia theo hướng công nghệ số, từ đó làm thay đổi vấn đề sở hữu.
Hai là, quá trình phát triển chúng ta không được nóng vội xóa bỏ hay xác lập hình thức sở hữu nào đó một cách chủ quan, mà phải luôn luôn quan tâm giải quyết từng bước quan hệ sản xuất, nhất là quan hệ sở hữu, sao cho phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất mới và lợi ích của người lao động để giảm dần sự bất bình đẳng trong xã hội. Một khi đã nhận thức được vai trò động lực của sở hữu thì sẽ có tác động rất lớn đến mọi hoạt động kinh tế của đất nước nói riêng và của toàn bộ đời sống xã hội nói chung.
Ba là, thay đổi trong sở hữu các loại tài sản. Theo Trần Thị Hằng, Nguyễn Thị Hoài Thu (2019), trước đây, đối tượng sở hữu tài sản (cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp...) thường ở các dạng như: Tài sản cố định, tài sản lưu động, tài sản hữu hình và tài sản vô hình là một với tỷ lệ góp vốn khác nhau trong ngành hàng kinh doanh. Tuy nhiên, trong nền kinh tế số, vấn đề sở hữu các loại tài sản này đã có sự thay đổi. Đối tượng sở hữu tài sản hữu hình với đối tượng sở hữu tài nguyên số có thể tách rời. Họ kết hợp với nhau để tạo ra việc cung cấp hàng hóa hay dịch vụ cho khách hàng một cách nhanh nhất, giá thành rẻ.
Bốn là, lý giải quan điểm sở hữu trong nền kinh tế số cần phải dựa trên quan điểm về tài sản. Trong nền kinh tế số, quan điểm về tài sản cần có sự bổ sung, thêm tài sản là tài nguyên số. Theo các nhà nghiên cứu, đây là dạng tài sản hữu hình. Đối tượng sở hữu tài nguyên số cũng đa dạng thuộc nhiều thành phần kinh tế.
Năm là, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho xây dựng nền kinh tế số ở Việt Nam. Ngoài đào tạo nguồn nhân lực phục vụ xây dựng nền kinh tế số cần quan tâm đội ngũ cán bộ làm công tác hoạch định chính sách về phát triển nền kinh tế số, phải có hiểu biết về nền kinh tế số và không ngừng được cập nhật thông tin về công nghệ số tiềm năng để chính sách được ban hành có tính hệ thống, nhất quán, thực tiễn và tính khả thi cao.
Tài liệu tham khảo:
Đảng Cộng sản Việt Nam (2010), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ Đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội;
Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ (2019), Kinh tế số và những vấn đề trọng tâm tại Việt Nam;
Trần Quốc Dũng (2018), Quan niệm của C. Mác về vấn đề sở hữu và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, Cổng thông thông tin điện tử ngành chính sách quân đội;
Trần Thị Hằng, Nguyễn Thị Hoài Thu (2019), Vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về sở hữu trong nền kinh tế số, Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2019;
C Mác và Ph.Ăngghen (1980), Tuyển tập, NXB Sự thật, Hà Nội;
V.I.Lênin (1978), Toàn tập, t.6, NXB Tiến bộ, Mátxcơva.