Giải pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển ổn định: Ưu tiên ngắn hạn, kiên định dài hạn

PV.

Trao đổi với báo chí mới đây, đại diện Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) nhiều biến động như hiện nay, UBCKNN đang đặc biệt ưu tiên nhiều giải pháp ngắn hạn để ổn định thị trường đồng thời, kiên định các giải pháp trung, dài hạn để giúp thị trường phát triển bền vững, minh bạch.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

TTCK Việt Nam vừa trải qua một đợt giảm điểm dài về mốc 1.200 điểm. Tuy nhiên, 2 phiên tăng liên tiếp gần đây đang giúp thị trường có nhiều tín hiệu tích cực trở lại. Trong đó, số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, chốt phiên chiều 18/5, VN-Index tăng 12,39 điểm (+1,01%), lên 1.240,76 điểm với 272 mã tăng và 177 mã giảm, trong đó có 17 mã tăng trần với nhiều mã bluechip như MSN, BCM, STB, VCI, VGC, DCM, SHB... Tổng khối lượng giao dịch đạt 566,1 triệu đơn vị, giá trị 13.829,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 51,8 triệu đơn vị, giá trị 873 tỷ đồng.

Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục nối dài xu hướng mua ròng từ đầu năm đến nay. Cụ thể, trong phiên ngày 18/5, trên HOSE, khối ngoại đã mua ròng 2,06 triệu đơn vị, tăng gấp hơn 2 lần so với phiên trước. Tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 171,57 tỷ đồng, trong khi phiên trước đó bán ròng 35,02 tỷ đồng. 

Trong khi đó, trên HNX, khối ngoại cũng đã mua ròng 85.770 đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 0,38 tỷ đồng; trong khi phiên trước đó bán ròng 669.050 đơn vị, tổng giá trị bán ròng đạt 10,86 tỷ đồng. Trên thị trường UPCoM, khối ngoại đã mua ròng 938.220 đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 17,27 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần về lượng và gần 13 lần về giá trị so với phiên trước đó.

Theo đại diện UBCKNN, trong thời gian tới, nhằm giúp TTCK phát triển ổn định, cơ quan quản lý sẽ rà soát, đánh giá tổng kết để kiến nghị những nội dung còn bất cập trong khuôn khổ pháp lý về chứng khoán và TTCK.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường, qua đó lành mạnh hóa thị trường, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.

Mặt khác, tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam; tăng cường vai trò giám sát các tuyến trong việc phân tích, đánh giá và chịu trách nhiệm xác định các giao dịch nghi vấn có khả năng vi phạm pháp luật về giao dịch chứng khoán; yêu cầu CTCK tăng cường quản lý các hội nhóm do môi giới lập; xử lý nghiêm CTCK hỗ trợ các hoạt động thao túng chứng khoán.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, đặc biệt là các CTCK, công ty kiểm toán độc lập, công ty quản lý quỹ, hoạt động của hệ thống công ty định giá tài sản, định mức tín nhiệm, kế toán, kiểm toán. Quản lý, giám sát chặt chẽ, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức này để cung cấp dịch vụ minh bạch, an toàn, hiệu quả cho cả tổ chức phát hành và nhà đầu tư.

Cơ quan quản lý cũng sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm thị trường phát triển ổn định, minh bạch; tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường lòng tin của các chủ thể tham gia thị trường, công chúng đầu tư trong và ngoài nước...

Theo đánh giá mới đây của Vinacapital, các dữ liệu kinh tế vừa công bố cho thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đứng vững và đã giúp thúc đẩy tăng trưởng doanh thu quý I/2022 của các doanh nghiệp niêm yết đạt 29% so với cùng kỳ năm ngoái. VinaCapital tin rằng, chính điều này sẽ giúp TTCK Việt Nam vượt qua được cơn bão đang tác động đến các TTCK quốc tế hiện nay.