Giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững ở Việt Nam
Trong nhiều năm liền, lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ và đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua một thập kỷ phát triển rực rỡ với tốc độ tăng trưởng trung bình ở mức 16-30%/năm và 2024 được dự báo sẽ là năm tiếp tục bùng nổ của lĩnh vực này. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc cơ hội tăng trưởng dành cho tất cả doanh nghiệp. Bài viết trao đổi về thực trạng thương mại điện tử của Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời kiến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy thương mại phát triển bền vững trong thời gian tới.
Phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam
Thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn 10 năm phát triển rực rỡ. Từ những ngày khái niệm "thương mại điện tử" còn khá xa lạ với người tiêu dùng thì trong những năm qua Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc ở mức 16-30%/năm.
Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với khách hàng (B2C) Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD và năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C trong năm 2023 chiếm khoảng 7,8- 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Nguồn: Báo cáo e-Conomy SEA 2022

Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương)
Theo báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 8 của Google, Công ty Temasek và Công ty Bain và Company, thương mại điện tử ở Việt Nam tăng 11% từ năm 2022 đến 2023 và tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) kỳ vọng tăng 22% đến năm 2025. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (tính đến tháng 12/2023, theo Statista). Có khoảng 61 triệu người dân tham gia mua sắm qua thương mại điện tử, đưa giá trị mua sắm trung bình của mỗi người dân đạt 300 USD/người/năm.
Theo thống kê, tổng doanh thu 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) năm 2023 cho thấy: có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn, tăng 52,3% so với năm trước. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây. Hiện có 637.273 shop bán hàng trên các sàn thương mại điện tử: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. Trong đó, những ngành hàng đứng đầu về doanh thu cũng như sản lượng bán là làm đẹp, nhà cửa - đời sống và thời trang nữ...
Theo Bộ Công Thương (2023), thương mại điện tử ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Cùng với đó, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ thứ cấp cho thị trường bao gồm: dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát... Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ này ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. Các trang thương mại điện tử đã không ngừng ra đời và phát triển với 4 ứng dụng Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop là phổ biến nhất và liên tục cạnh tranh nhau để vươn lên vị trí cao hơn trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ngoài ra, còn có rất nhiều trang thương mại điện tử khác mới nhưng vẫn có tiềm năng cạnh tranh với các trang thương mại điện tử lớn, như: Sendo, Thế giới Di động… Bên cạnh đó, các trang thương mại điện tử hiện nay cũng liên kết với nhiều loại ví điện tử và ngân hàng khác nhau. Khách hàng hoàn toàn có thể thanh toán nhanh chóng bằng phương thức thanh toán trực tuyến với các ví điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay như: Shopeepay, VNpay, Momo, Zalopay… Xu hướng này cũng đẩy nhanh hiện thực hóa mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.
Đối mặt với nhiều thách thức
Thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng đã và đang triển khai các giải pháp, trong đó xây dựng: Hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ (Truyxuat.gov.vn) nhằm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử; Mô hình Flagship Store - Gian hàng địa phương trên các Sàn thương mại điện tử, nhằm cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương phân phối các sản phẩm địa phương thông qua nền tảng số, thu hẹp khoảng cách vùng miền; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới – Go Export, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và xuất khẩu thành công các sản phẩm trong nước qua nền tảng thương mại điện tử lớn trên thế giới… Tuy nhiên, đến nay, sự phát triển trong thương mại điện tử của Việt Nam đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của lĩnh vực này trong thời gian tới, cụ thể:
- Quản lý nhà nước về thương mại điện tử còn hạn chế, nhất là trong chính sách thúc đẩy, phát triển thương mại điện tử và các chính sách quản lý thuế, quản lý nguồn gốc, luồng hàng dẫn đến tình trạng hàng nhái, hàng không đảm bảo như cam kết, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.
- Nền tảng hỗ trợ cho thương mại điện tử phát triển dù đã được quan tâm, đầu tư song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Đáng chú ý, hạ tầng logistics thương mại điện tử chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường. Các vấn đề chặng cuối và việc vận chuyển hàng hóa đến các vùng xa, nông thôn cần phải được giải quyết một cách chuyên nghiệp hơn. Hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ các hình thức thanh toán điện tử còn kém hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng.
Sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương cũng tạo ra mối đe dọa cho thương mại điện tử trong tương lai. Thực tế cho thấy, thương mại điện tử hiện nay chủ yếu phát triển mạnh ở các vùng, tỉnh thành lớn. Cụ thể, hiện khoảng gần 70% dân số ở nông thôn nhưng các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lại chiếm tới 70% doanh số bán lẻ trực tuyến toàn quốc. Doanh thu trên các sàn thương mại điện tử chủ yếu đến từ hai thành phố này, lần lượt trên 42 nghìn tỷ đồng ở Hà Nội và 57 nghìn tỷ đồng ở TP. Hồ Chí Minh.
- Hiện nay, các thương hiệu thương mại điện tử của Việt Nam đang rơi vào tay các công ty thương mại điện tử lớn của nước ngoài, như: Lazada, Shopee, Tiki, Zalora hay kể cả Sendo vốn là công ty thuộc sở hữu của FPT, nhưng cũng chịu sự đầu tư gián tiếp từ JD.com thông qua VNG. Các thương hiệu còn lại, như: Vatgia.com, Chodientu.vn, Enbac.vn... đều có doanh thu rất thấp. Điều này cho thấy, sự chi phối của các doanh nghiệp thương mại điện tử nước ngoài là rất lớn và gần như những doanh nghiệp này quyết định cuộc chơi trong hệ sinh thái thương mại điện tử của Việt Nam.
- Chi phí giao hàng cao và thời gian giao hàng lâu, trung bình thường là 5-6 ngày cho một đơn hàng được giao tới tay người tiêu dùng.
- Tội phạm, gian lận tài chính trong thương mại điện tử gia tăng. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm trên không gian mạng ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online, hàng hóa xé lẻ, phân tán trữ tại nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ, nên gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình trinh sát, bắt giữ và xử phạt.
- Các hành vi vi phạm quyền lợi đến người tiêu dùng vẫn xảy ra. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng không như cam kết vẫn rất nhiều, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến.
Một số giải pháp đề xuất
Thương mại điện tử Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới, tập trung vào mục tiêu bền vững dựa trên sự kết hợp giữa thị trường và công nghệ. Theo dự báo, năm 2024 thương mại điện tử dự kiến tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 18- 20%/năm. Doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm tới có thể đạt 650 nghìn tỷ đồng vào năm 2024. Để thương mại điện tử phát triển bứt phá hơn nữa, trong thời gian tới cần tập trung một số giải pháp sau:
Một là, cần sự chung tay của các bộ, ngành đưa ra nhiều chiến lược và giải pháp tổng thể nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển hướng đến các mục tiêu như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng; phát triển xanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương và vùng miền thông qua các nền tảng số...
Hai là, tập trung rà soát các quy định pháp luật, nhất là Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ người tiêu dùng; phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm quản lý toàn diện giao dịch giữa người mua và người bán trên mạng. Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử; hướng tới mục tiêu quản lý toàn diện và phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc kiểm soát hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Ba là, cần có giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và và dịch vụ công; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code, NFC, POS...; đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán để góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại điện tử.
Bốn là, cải thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics; khuyến khích thí điểm và triển khai ứng dụng các phương tiện giao thông mới hỗ trợ việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử
Năm là, tăng cường hoạt động quản lý, giám sát trên môi trường mạng, chủ động yêu cầu các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử xóa bỏ các thông tin sản phẩm hàng hóa vi phạm pháp luật.
Tài liệu tham khảo:
- Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương (2023), Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2023.
- Hồng Đạt (2023). Thương mại điện tử đang trở thành xu hướng kinh doanh phổ biến. Thông tấn xã Việt Nam.
- Vân Chi (2024). Nhiều thách thức đặt ra cho thương mại điện tử năm 2024. Tạp chí Kinh tế và Dự báo.
- Nhĩ Anh (2024). Nắm bắt các cơ hội mới trong thương mại điện tử. Tạp chí Kinh tế Việt Nam điện tử. https://vneconomy.vn/nam-bat-cac-co-hoi-moi-trong-thuong-mai-dien-tu.htm.
- Vũ Thị Hương Trà,. Hoàng Thị Kim Oanh, Nguyễn Thị Thúy Hường, Nguyễn Thị Lệ Ninh (2023). Phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp. Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 11 - tháng 4/2023.