Cần có chế tài để "chặn" hàng giả trong thương mại điện tử

Trần Huyền

Vấn đề hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trong thương mại điện tử là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm trong phiên chất vấn chiều 4/6 của Quốc hội. Nhiều đại biểu cho rằng, các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, khó lường, cần có giải pháp, chế tài để ngăn chặn nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Quang cảnh phiên chất vấn.
Quang cảnh phiên chất vấn.

Lo ngại vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng

Quan tâm đến vấn đề hàng giả trong thương mại điện tử, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho biết, theo báo cáo, từ năm 2019, Bộ Công Thương đã triển khai hoạt động doanh nghiệp ký cam kết nói không với hàng giả trong thương mại điện tử. Trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra và có những website công khai kinh doanh hàng hóa bất hợp pháp. Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề nghị Bộ trưởng cho biết việc ký cam kết như vậy có thực sự hiệu quả hay không, có cần thiết không và cơ chế kiểm tra, kiểm soát của Bộ Công Thương đối với các doanh nghiệp trong thực hiện cam kết.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, thương mại điện tử đang thúc đẩy nền kinh tế số của Đất nước. Tuy nhiên, hoạt động thương mại điện tử đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ và lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đại biểu, các hành vi này ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động. Do đó, cần có giải pháp để hạn chế, ngăn chặn, hướng tới phát triển thương mại điện tử lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cũng trao đổi về vấn đề này, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần phải có chế tài xử lý vi phạm về hàng giả trong thương mại điện tử. Việc kiểm tra hàng hóa của các doanh nghiệp kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử cũng cần khắc phục triệt để để bảo vệ người tiêu dùng.

Sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, chúng ta đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn đó là người tiêu dùng phải đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp chưa được kiểm soát chặt chẽ đã và đang bao vây, sẵn sàng đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng; thách thức thứ ba là thất thu thuế. 

Về giải pháp chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương thường xuyên khuyến nghị đến người sản xuất trong nước chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.

Bộ Công Thương cũng trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và nghị định hướng dẫn triển khai đề án chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng qua thương mại điện tử. "Riêng trong năm 2023, đã tiếp nhận và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành", Bộ trưởng cho hay. 

Theo Người đứng đầu ngành Công Thương, tình trạng kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng diễn ra một phần do các quy định, chế tài xử lý đối với hành vi này còn thiếu và chưa đủ mạnh.

Vì vậy, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hiện nay, dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan, dự kiến trong tháng 6 gửi Bộ Tư pháp thẩm định, sau đó trình Chính phủ trong quý III năm nay.

Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ Công Thương cũng đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công an triển khai thực hiện định danh tài khoản người bán trên thương mại điện tử, nhằm tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát đối với các sàn giao dịch.