Phối hợp quyết liệt chống thất thu thuế đối với thương mại điện tử

Trần Huyền

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai thu thuế đối với thương mại điện tử. Công tác này sẽ tiếp tục được ngành Tài chính đẩy mạnh quyết liệt trong thời gian tới nhằm đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế với Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên chất vấn.

Tham gia giải trình, làm rõ một số ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện thu thuế đối với thương mại điện tử. Bộ Tài chính cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế, thực hiện Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài để triển khai thu thuế đối với lĩnh vực này.

Trong công tác phối hợp, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp một cách quyết liệt với các bộ, ngành như: Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an triển khai thu thuế với thương mại điện tử. Điển hình, Bộ Tài chính đã thực hiện kết nối với dữ liệu dân cư của Bộ Công an đạt 71,37% với 663.157 lượt kết nối; chia sẻ với Bộ Công Thương 929 sàn thương mại điện tử, kiểm tra đối chiếu 361 sàn thương mại điện tử để thực hiện kết nối và quản lý công tác thu thuế; Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp 144 triệu tài khoản, trong đó khoảng 10 triệu tài khoản của tổ chức, còn lại 134 triệu tài khoản cá nhân...

Nhờ đó, năm 2022, thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đạt 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 đã thu được 97 nghìn tỷ đồng; 5 tháng đầu năm 2024, thu được 50 ngàn tỷ đồng. Đến nay, đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài như: Youtube, Google, Facebook, Microsoft… đã đăng ký, kê khai nộp thuế khoảng 15,6 nghìn tỷ đồng. 

Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, ngành Tài chính sẽ đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp thu thuế với giao dịch trên sàn thương mại điện tử nói riêng cũng như đối với giao dịch trên môi trường điện tử nói chung, trọng tâm tập trung trước hết là tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bộ Tài chính đã có công văn gửi các địa phương hỗ trợ thu thuế trên sàn thương mại điện tử và cơ quan thuế đang tập trung thực hiện công tác này nhằm đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế với Nhà nước.

Liên quan đến vấn đề xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện hải quan thông minh; thực hiện nộp thuế điện tử và thông quan tự động 24/7, kết nối thông tin với 19 ngân hàng thương mại... Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu gắn với chống thất thu ngân sách.

Nhờ đó, năm 2023, xuất nhập khẩu 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 355 tỷ USD, nhập khẩu 327 tỷ USD, xuất siêu 28 tỷ USD. 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 305 tỷ USD, xuất siêu 10,2 tỷ USD, tăng khoảng 10,6% so với cùng kỳ.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hải quan, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp gắn với chống thất thu ngân sách, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả", Bộ trưởng nhấn mạnh.