Giải tỏa nỗi lo quyền lợi của doanh nghiệp đăng ký lại

Bảo Duy

(Tài chính) Toàn bộ nội dung về quyền, nghĩa vụ và đặc biệt là các ưu đãi đầu tư mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) được hưởng sẽ được ghi nhận đầy đủ khi doanh nghiệp tiến hành đăng ký lại.

Giải tỏa nỗi lo quyền lợi của doanh nghiệp đăng ký lại
Doanh nghiệp FDI đăng ký lại sẽ được ghi nhận đầy đủ về quyền, nghĩa vụ và đặc biệt là các ưu đãi đầu tư. Nguồn: Internet
Cho dù là những sửa đổi được cho là mang đậm tính kỹ thuật, song các điều khoản quy định về việc ghi ưu đãi đầu tư (được đề xuất trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2006/NĐ-CP về việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi giấy chứng nhận đầu tư của DN FDI vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ) sẽ giải tỏa một trong những lý do chính cản trở việc thực hiện quy định về đăng ký lại của khu vực DN FDI trong suốt 7 năm qua.

Với đề xuất này, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư phải có trách nhiệm ghi lại một cách đầy đủ nội dung giấy phép đầu tư và các giấy phép điều chỉnh (nếu có) vào giấy chứng nhận đầu tư.

Có nghĩa là, theo giải thích của các chuyên gia ban soạn thảo, các nội dung quy định về quyền, nghĩa vụ, ưu đãi đầu tư và các cam kết, hoặc điều kiện khác (nếu có) sẽ được ghi nhận đầy đủ.

Nếu Dự thảo được chấp nhận và thông qua, tình trạng DN đề nghị được ghi nhận ưu đãi trong giấy chứng nhận đầu tư, mà cơ quan trả lời không có hướng dẫn sẽ chính thức chấm dứt.

Như vậy, mặc dù quyền quyết định thời điểm đăng ký lại đã được trao cho DN FDI theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật DN, song với những sửa đổi này, khả năng nhiều DN FDI sớm quyết định đăng ký lại theo quy định của Luật DN, Luật Đầu tư rất cao.

Thực ra, theo nguyên tắc đã được thống nhất trong Luật Đầu tư và Luật DN, khi đăng ký lại, DN được quyền tiếp tục hưởng các ưu đãi đầu tư cho đến hết thời hạn hoạt động ghi trong giấy phép đầu tư.

Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 101/NĐ-CP có hiệu lực vào năm 2006, chưa có bất cứ một văn bản hướng dẫn cụ thể nào về việc thực hiện nguyên tắc này. Ứng xử của đa phần cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp này là không ghi lại đầy đủ, chi tiết ưu đãi đầu tư đã quy định trong giấy phép đầu tư và các giấy phép đầu tư điều chỉnh đã cấp, mà chỉ quy định chung là “áp dụng theo quy định của pháp luật”.

Trao đổi với phóng viên về lý do tỷ lệ DN FDI thực hiện đăng ký lại theo Nghị định 101/NĐ-CP còn thấp, ông Lê Nết, Luật sư Công ty Luật LCT đã nhiều lần nhắc tới thực tế cơ quan thuế không cho DN tiếp tục hưởng ưu đãi đã quy định tại giấy phép đầu tư, mà áp dụng theo hiện hành, thường là ít ưu đãi hơn, thậm chí không còn ưu đãi sau khi DN thực hiện đăng ký lại.

“Trong giấy phép đầu tư được cấp cho các DN trước năm 2006, nội dung các ưu đãi mà nhà đầu tư được hưởng ghi rất rõ. Nhưng giấy chứng nhận đầu tư mà họ nhận lại khi thực hiện đăng ký lại không có nội dung này. Cho dù về nguyên tắc, các ưu đãi không thay đổi, song việc thực hiện không nhất quán, khiến nhiều nhà đầu tư không thực sự an tâm”, ông Nết lý giải và cho rằng, việc ghi nhận các ưu đãi trong giấy chứng nhận đầu tư là điều mà các DN FDI thực sự mong muốn để đảm bảo chắc chắn các lợi ích mà họ được nhận.

Cũng phải nói thêm, trong nhiều lý do cản trở quyết định đăng ký lại của các DN FDI, hệ lụy là cả ngàn DN hết hạn hoạt động vẫn muốn tiếp tục kinh doanh tại Việt Nam, có nhiều nguyên nhân do sự thay đổi của pháp luật về đầu tư - kinh doanh của Việt Nam. Có thể nhắc tới quy định về việc DN FDI chuyển đổi chỉ được tiếp tục hưởng ưu đãi đầu tư ghi trong giấy phép đầu tư đối với dự án đầu tư đã được cấp phép nếu các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ không thấp hơn 30% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, việc ràng buộc tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài đã không còn hiệu lực sau khi Luật DN và Luật Đầu tư ra đời, nên không có lý do gì cản trở quyền được hưởng ưu đãi quy định tại giấy phép đầu tư đã cấp khi các nhà đầu tư nước ngoài có thay đổi về tỷ lệ vốn trong DN.

Tương tự, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 cũng đề nghị bỏ yêu cầu phải duy trì chủ DN FDI là cổ đông sáng lập khi Luật DN đã cho phép cổ đông sáng lập được quyền chuyển nhượng cổ phần, phần góp vốn… sau 3 năm kể từ khi thành lập DN…