Giảm dùng tiền mặt thanh toán dịch vụ công
Việc trả học phí, viện phí... qua thẻ ATM, POS, QR Code được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng khẳng định việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công như học phí, viện phí, điện, nước, môi trường… sẽ tiết giảm rất nhiều chi phí cho xã hội, quản lý dòng tiền dễ dàng. Thậm chí, sắp tới các giao dịch giá trị lớn như mua bán bất động sản cũng yêu cầu bắt buộc thanh toán qua NH.
Đã khuyến khích nhưng chậm chuyển đổi
Từ nhiều năm qua, Chính phủ và NHNN đã khuyến khích phát triển các kênh thanh toán không dùng tiền mặt nhưng tỉ lệ người dân sử dụng tiền mặt trong thanh toán vẫn khá phổ biến. Nay, với quy định yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường... ở đô thị phải phối hợp với NH để thu chi phí dịch vụ bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, được kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Tại Nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Yêu cầu các NH thương mại, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở QR Code để thúc đẩy hơn nữa kênh thanh toán mới này.
Đáng chú ý, Nghị quyết 02 nêu rõ chủ tịch UBND cấp tỉnh, TP chỉ đạo yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với NH, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ưu tiên các giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ, hoàn thành trước tháng 12-2019.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết với chiến lược thanh toán không dùng tiền mặt, từ nhiều năm trước, NH đã phát triển theo hướng số hóa dịch vụ, từ phát triển Internet Banking và Mobile Banking, đặc biệt là thẻ và gần đây nhất là ứng dụng Sacombank Pay, đáp ứng cho mọi đối tượng, nhu cầu khác nhau, cũng như đa dạng hóa phương thức thanh toán ở nhiều cấp độ. So với tỉ lệ giao dịch tại quầy, tỉ lệ thanh toán qua kênh Mobile Banking, Internet Banking đã chiếm hơn 1/4 tổng giao dịch qua NH và mỗi năm tốc độ tăng khoảng 40%-50%, riêng kênh Mobile Banking chiếm tới 70%.
Xu hướng thanh toán
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NHNN, đánh giá xu hướng thanh toán không tiền mặt đối với dịch vụ công đã phát triển thời gian qua. Hiện có 50 NH thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với ngành thuế, hải quan trên cả nước; 27 NH và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian phối hợp thu tiền điện; 100% cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế đã bắt đầu triển khai đề án phối hợp với NH để nhờ thu hộ tiền khám chữa bệnh; số người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân chiếm khoảng 21% số người hưởng các chế độ BHXH...
Hiện TP. Hồ Chí Minh có khá nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, điện, nước, đơn vị bán hàng hóa tiêu dùng… đã tạo ra các ví điện tử hoặc kết nối với các doanh nghiệp phát hành ví điện tử (Fintech), cũng như NH thương mại tạo lập kênh thanh toán không dùng tiền mặt. Người tiêu dùng tiết giảm được thời gian, được hưởng lợi từ các chương trình khuyến mãi của đơn vị phát hành ví điện tử, nhà cung cấp dịch vụ, đơn vị bán hàng giảm được chi phí nhân lực, quản lý. Còn nhà phát hành ví điện tử, NH được phép sử dụng số tiền tồn trong ví và trong tài khoản để sinh lời.
Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh cho biết tỉ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt của công ty thông qua 23 NH và 9 đối tác trung tâm hiện nay chiếm đến 89,96%. Đáng lưu ý, có tới 59,41% khách hàng thanh toán tiền điện qua ví điện tử; 10,8% khách hàng thanh toán qua Internet Banking; 10,21% qua SMS và Mobile Banking... Chỉ khoảng 10,44% khách hàng còn lại thanh toán bằng tiền mặt qua quầy giao dịch NH hoặc bưu cục.
Nếu tiện lợi, người dân sẽ dùng
Nhiều người cho biết một số dịch vụ đã chuyển qua thanh toán không tiền mặt từ lâu nhưng yêu cầu tất cả dịch vụ như vệ sinh môi trường, thoát nước đô thị, học phí… phải trả bằng thẻ, thanh toán qua di động thì cần lộ trình.
Chị Hoàng Mai (ngụ quận 2, TP. Hồ Chí Minh) cho biết từ 2 năm nay, nhiều dịch vụ như tiền điện, nước, di động… đều được chị trả qua thẻ ATM hoặc kênh NH điện tử, còn học phí của các con ở trường công thì vẫn thanh toán bằng tiền mặt.
"Nhiều lần đi khám bệnh, nhà hết tiền mặt, tôi phải đến ATM rút tiền rồi mới vô khám vì sợ bệnh viện quận không chấp nhận cà thẻ qua POS. Nhiều dịch vụ người dân chưa biết có trả bằng tiền mặt hay bắt buộc thanh toán qua các kênh không dùng tiền mặt, cần sự tuyên truyền phổ biến của các đơn vị cung cấp dịch vụ công" - chị Mai băn khoăn.
Anh Ngọc Châu (quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) thường xuyên thanh toán tiền mua hàng hóa bằng thẻ, cho rằng một trong những rào cản của việc thanh toán không dùng tiền mặt là bên bán hàng chưa bảo đảm chất lượng, mẫu mã sản phẩm theo đúng đơn đặt hàng. Từ đó, khi mua hàng qua mạng, người mua không thanh toán ngay khi đặt hàng mà chờ nhận hàng hóa, kiểm tra xong rồi trả bằng tiền mặt.
Vài năm nay, các doanh nghiệp bán lẻ như Saigon Co.op, Big C, Lotte Mart, Aeon, Emart, MM Mega Market… đẩy mạnh liên kết với các đối tác là NH, công ty phát hành thẻ cung ứng các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt và khuyến khích khách hàng thanh toán bằng các hình thức khác thay thế tiền mặt. Dù vậy, phần lớn người tiêu dùng vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt nên lượng khách hàng thanh toán qua các hình thức khác tiền mặt có gia tăng hằng năm nhưng không đáng kể. Trong năm 2018, tại hệ thống MM Mega Market, lượng khách hàng thanh toán qua thẻ nói chung chiếm khoảng 40%. Tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food…, tỉ lệ này hiện là 20%, tăng khoảng 5% so với năm trước.
Theo ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, trong năm 2017-2018, Saigon Co.op và các đối tác đã triển khai nhiều đợt khuyến mãi lớn để khuyến khích khách hàng thanh toán hóa đơn mua hàng qua thẻ.
"Tất cả điểm bán thuộc Saigon Co.op đều có trang bị máy POS, mỗi lần có chương trình, lượng khách sử dụng thẻ tăng mạnh nhưng sau chương trình, chỉ một số ít trong đó duy trì thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Nhìn ở góc độ tích cực, người dân ở các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội bắt đầu có thói quen "quẹt thẻ" trong khi người dân các tỉnh, thành khác đang dần làm quen với tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt" - ông Huy diễn giải.
Thống đốc Lê Minh Hưng cũng nhìn nhận rằng quan trọng nhất là tạo cho người dân thói quen thanh toán không dùng tiền mặt để họ cảm thấy có lợi bằng chính sách miễn thu phí, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp để NH sẵn sàng đầu tư. Ngành NH sẵn sàng bắt tay, quan trọng là các bên hợp tác kết nối với nhau hoặc qua trung gian thanh toán.
Sẽ có danh mục giao dịch bắt buộc thanh toán qua NH
Theo ông Phạm Tiến Dũng, trong năm 2019 sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu và công khai chi tiết danh mục giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua NH, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đối với giao dịch bất động sản. NHNN cũng triển khai mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện ở Việt Nam. Thí điểm các mô hình thanh toán mới, doanh nghiệp tài chính Fintech, nghiên cứu và báo cáo Chính phủ phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không thông qua tài khoản thanh toán NH.
Cần đồng bộ
Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, chỉ mới khoảng 30% dân số sử dụng dịch vụ NH là tiềm năng rất lớn cho ngành NH phát triển các dịch vụ, trong đó có thanh toán không dùng tiền mặt. Việc số hóa, mở rộng các tổ chức tín dụng, công ty trung gian thanh toán, Fintech..., nhất là số lượng người dùng thiết bị thông minh ngày càng nhiều, sẽ tạo thuận lợi cho các NH thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là năm 2019, khi cơ chế, chính sách, giải pháp kỹ thuật đồng bộ tầm quốc gia đã được chuẩn hóa. Việc Chính phủ, bộ, ban ngành cũng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng dịch vụ công không chỉ tiện lợi cho khách hàng, người dùng và còn tiết kiệm chi phí, thời gian cho cả người dùng và đơn vị cung cấp dịch vụ công.
TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính - Marketing) nhận định phần lớn trường đại học đã chủ động nhận học phí, thanh toán học bổng sinh viên... thông qua NH. Do đó, việc mở rộng không dùng tiền mặt ở các trường học, bệnh viện là không khó. Vấn đề là các "tư lệnh" ngành có chủ động phát động phong trào thanh toán không dùng tiền mặt hay không. Để thanh toán không dùng tiền mặt được nhân rộng, các NH cần phối hợp với các trường học, bệnh viện trang bị máy POS, áp dụng thanh toán qua QR Code... Còn doanh nghiệp Fintech thì hỗ trợ cho các đơn vị dịch vụ công xây dựng cơ sở dữ liệu để kết nối thanh toán thông qua ví điện tử. Quan trọng là lợi ích của các bên tham gia kênh thanh toán qua mạng phải được chia đều. Khi đó, xã hội mới hướng đến kênh thanh toán không dùng tiền mặt.