Giảm lợi nhuận, ngân hàng gặp khó

Theo doanhnhansaigon.vn

(Tài chính) Kết quả lợi nhuận thu về sụt giảm đáng kể trong năm qua và dự báo hoạt động của nhiều ngân hàng còn khó khăn trong năm nay.

Giảm lợi nhuận, ngân hàng gặp khó
Nhiều ngân hàng còn khó khăn trong năm nay. Nguồn: internet

Trong 2 năm trở lại đây, nhiều ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu khiến lợi nhuận giảm rất mạnh. Chẳng hạn, Southern Bank dự kiến chi trả cho cổ đông năm 2013 là 8%, nhưng lợi nhuận lại giảm đến 71% trong quý III/2013, chỉ đạt 226 tỷ đồng, trong khi chỉ tiêu cả năm là 560 tỷ đồng và rất khó có thể hoàn thành được chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra. Lợi nhuận giảm cũng là lý do để Southen Bank giảm tỷ lệ cổ tức trong năm nay.

Còn tại MeKong Bank, lợi nhuận trước thuế thu về trong năm 2012 chỉ đạt 147 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ hơn 3.700 tỷ đồng. Kế hoạch cho cả năm 2013 của MeKong Bank về lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt ở mức 300 tỷ đồng, cổ tức trả cho cổ đông là 5,5%. Theo ông Tay Han Chong, Tổng giám đốc MeKong Bank, với tình hình thị trường và tăng trưởng tín dụng trong năm 2013, lợi nhuận không đạt kỳ vọng và vẫn có một số khó khăn nhất định, nhất là về rủi ro nợ xấu.

Trong khi đó, ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc NamA Bank, cũng mới thông báo về việc tạm ứng cổ tức năm 2012 ở mức 4%. NamA Bank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 600 tỷ đồng so với mức thực hiện của năm trước là hơn 321 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn của thị trường nên kết quả lợi nhuận thu về không như kỳ vọng, ảnh hưởng đến cổ tức. Vì thế, mục tiêu lợi nhuận đề ra năm nay cũng sẽ được ngân hàng tính toán kỷ và thận trọng khi xây dựng kế hoạch mới.

Eximbank vừa công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về các chỉ tiêu kinh doanh năm 2014, dự kiến huy động vốn tăng 21%, lợi nhuận trước thuế đạt 1.800 tỷ đồng, cổ tức dự kiến ở mức 8,5%. Nếu so với kế hoạch năm 2013 (3.200 tỷ đồng), thì chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mà Eximbank đưa ra cho năm nay giảm gần một nửa. Song lãnh đạo Eximbank thẳng thắn thừa nhận rằng, để đạt được mục tiêu lợi nhuận trên cũng không hề dễ.

Sở dĩ mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng không thể kỳ vọng hoàn thành trong năm nay chính là do tín dụng khó tăng trưởng trong bối cảnh rủi ro nợ xấu gia tăng. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng một số ngân hàng đang giấu bớt lợi nhuận với nhiều lý do. Vì thế, các ngân hàng chỉ công bố một phần lợi nhuận của năm 2013, phần còn lại dùng để bù đắp vào những con số của năm 2014, nhất là với những ngân hàng yếu đang quá trình tái cơ cấu thì đòi hỏi trước hết phải là trích dự phòng, đề phòng rủi ro.

Ngoài ra, việc làm này sẽ giảm bớt được việc chia cổ tức cho cổ đông, hạn chế lượng tiền chi trả quá lớn. Bởi thực tế, năm 2013 có thể được xem là một năm không thành công đối với các cổ phiếu ngân hàng đã niêm yết, khi diễn biến giá cổ phiếu trái ngược hẳn so với năm 2012. Mức tăng trưởng trung bình của nhóm cổ phiếu này là 7,1%, thấp hơn nhiều so với năm 2012 và thấp hơn cả mức tăng của VN-Index (20,6%) và HNX- Index (14,76%).

Theo số liệu đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, ngoại trừ ngân hàng Quân Đội (MB) và Sacombank có mức giá cổ phiếu cuối năm 2013 tăng so với đầu năm, với mức tăng lần lượt là 3,9% và 0,38%, còn lại, giá cổ phiếu của những ngân hàng khác đều giảm như VCB (3,6%), CTG (11%), ACB (11,4%) hay Eximbank (21,9%),...

Tính chung trên thị trường, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 11/2013, lợi nhuận của các ngân hàng ước đạt khoảng 29.500 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cuối năm 2012, nhưng quy mô lợi nhuận chỉ bằng 50% so với năm 2011.

Phải chờ đến Đại hội cổ đông của các ngân hàng mới có thể kết luận được nguyên nhân chính xác, nhưng có thể thấy ngay được những tác động của việc giảm lợi nhuận này. Bởi hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng chính lợi nhuận giảm là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không còn để mắt nhiều đến nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Trong hội thảo mới đây, ông Lương Công Minh, Trưởng phòng Đầu tư, Quỹ Đầu tư Vietnam Holdings, phân tích, trong năm 2013 và cả năm 2014, các nhà đầu tư tài chính không quan tâm lắm đến cổ phiếu ngân hàng. Và cổ phiếu ngân hàng cũng thu hút các nhà đầu tư tổ chức hơn là nhà đầu tư cá nhân.

Thống kê khối lượng giao dịch khớp lệnh cho thấy, chỉ riêng mã CTG của Vietinbank là có khối lượng giao dịch năm 2013 tăng cao so với năm 2012, còn lại các mã cổ phiếu khác đều giảm. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường giao dịch nhiều ở những cổ phiếu “ăn theo” các thương vụ sáp nhập lớn, mà trong năm qua, CTG là một trường hợp.

Như vậy, một khi cổ đông không còn mặn với cổ phiếu ngân hàng thì việc tăng vốn tại một số ngân hàng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa nói đến việc áp lực nguồn cung đối với cổ phiếu ngân hàng sẽ còn lớn hơn nữa khi đầu năm nay Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tất cả các ngân hàng buộc phải niêm yết. Dự kiến sẽ có gần 30 ngân hàng nằm trong diện chuẩn bị niêm yết bên cạnh 8 ngân hàng đã niêm yết.

Phát biểu mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright nói rằng, việc buộc ngân hàng phải niêm yết xuất phát từ tình thế tiến thoái lưỡng nan trong quá trình xử lý nợ xấu và sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Nếu xử lý triệt để, nhiều ngân hàng sẽ mất hết vốn.