Giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trong đầu tư và quản lý vốn của Nhà nước vào doanh nghiệp
(Tài chính) Nhằm khắc phục việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và việc doanh nghiệp sử dụng vốn, tài sản để đầu tư vào sản xuất kinh doanh không đúng mục tiêu, chiến lược, đầu tư dàn trải, đồng thời thực hiện công khai, minh bạch và giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trong đầu tư và quản lý vốn đã đầu tư của Nhà nước vào doanh nghiệp, Dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp (DN) sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.
Tách bạch rõ chức năng đầu tư và quản lý vốn Nhà nước tại DN
Theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tên của dự án Luật được giao cho Chính phủ trước đây là “Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh”. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, Chính phủ nhận thấy rằng, theo tên gọi của dự án Luật được giao, thì nội dung của Luật điều chỉnh toàn bộ quá trình sử dụng vốn của Nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, về nguyên tắc, Nhà nước không trực tiếp sử dụng vốn để sản xuất, kinh doanh mà phải thông qua chủ thể là doanh nghiệp.
Ngoài ra, tên gọi của dự án Luật như được giao sẽ không thể hiện đầy đủ các nội dung cần điều chỉnh, bởi thiếu sự quản lý đối với quá trình “đầu tư vốn nhà nước để hình thành tài sản của doanh nghiệp”; không bao quát được các mục tiêu của hoạt động đầu tư vốn nhà nước; đồng thời, đối tượng sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh theo tên gọi của dự án Luật được giao không chỉ thông qua doanh nghiệp mà còn thông qua các tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp... nhưng lại không đầy đủ so với thực tế quản lý và nảy sinh bất cập...
Vì vậy, để tránh trùng lặp giữa các Luật và để có cơ sở tập trung điều chỉnh những vấn đề, những nội dung pháp lý còn thiếu; trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhiều Bộ, ngành, ý kiến của các chuyên gia kinh tế, Chính phủ xin trình Quốc hội điều chỉnh tên gọi của dự án Luật là “Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Luật là: “Luật này quy định việc đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và giám sát các hoạt động đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”.
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho rằng, ngay từ tên gọi của Luật đã tách bạch rõ 2 nội dung là hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN. So sánh với các Luật khác, thấy rằng, Luật Đầu tư là luật khung quy định các nguyên tắc về đầu tư, quản lý đầu tư, quy trình đầu tư của bất kỳ người dân, DN, một tổ chức kinh tế trong và ngoài nước khi đầu tư để sản xuất kinh doanh. Còn Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN bảo vệ cho nhà đầu tư là nhà nước và đồng vốn thuộc sở hữu toàn dân, thể hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước, dùng đồng vốn của dân để đầu tư vào sản xuất kinh doanh thông qua DN. Do đó phải có quy định riêng vì nó mang tính đặc thù riêng. Trong Luật DN cũng có nhiều quy định đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhưng Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN lại quy định cụ thể về quản lý vốn thể hiện qua chủ sở hữu trong quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN.
Về lâu dài, Nhà nước sẽ không đầu tư thêm vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, đồng thời sẽ giảm dần, thu hẹp phạm vi vốn nhà nước hiện có ở những ngành, lĩnh vực không cần thiết phải có sự đầu tư vốn nhà nước, chỉ đầu tư hoặc duy trì vốn nhà nước hiện có ở những lĩnh vực cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích, dịch vụ thiết yếu cho đời sống xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Vì vậy, hoạt động quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh là quá trình quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Hoạt động của các đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) (không phải là doanh nghiệp) đã được điều chỉnh bởi Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, dự án Luật Đầu tư công và các luật khác có liên quan.
Cơ cấu lại vốn nhà nước
Đây là một điểm mới của dự án Luật nhằm hoàn thiện các quy định hiện hành và bổ sung các chế định mới. Đây cũng được coi là một nhiệm vụ chính trị của Nhà nước. Quy định cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhằm đảm bảo mục tiêu thu hồi vốn nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vốn để phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp cũng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (Điều 26).
Để đạt mục tiêu nêu trên, dự án Luật quy định cụ thể 3 hình thức cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, gồm: Chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp (Điều 28), chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác (Điều 29) và chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (Điều 30). Riêng chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước là nội dung mới so với các quy định hiện hành, do đó, dự án Luật đã cụ thể hóa nội dung về nguyên tắc chuyển giao (khoản 1 Điều 30) như việc chuyển giao không làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành sản xuất, kinh doanh chính của doanh nghiệp, đảm bảo khả năng và nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ đối với chủ nợ của doanh nghiệp; các trường hợp chuyển giao được thực hiện giữa các Cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp, hoặc về doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước và ngược lại (khoản 2 Điều 30).
Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN Đặng Quyết Tiến cho rằng, vì khi Luật ban hành phải thúc đẩy được việc sắp xếp đổi mới DN, nên từ khâu đầu tư đến quản lý đều đưa các nội dung đổi mới quyết liệt để đảm bảo khu vực DNNN thực sự hoạt động có hiệu quả và thu hẹp DNNN lại.
Đối với việc cơ cấu vốn, thoái vốn hay xử lý thoái vốn, trong Luật thể hiện ở quy định về cơ cấu lại vốn. Cơ cấu lại vốn đưa ra các biện pháp, cơ cấu lại vốn gắn liền với tái cơ cấu sẽ làm cụ thể hơn vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn, hợp nhất, sáp nhập, chuyển giao vốn và các nguyên tắc bán vốn, chuyển nhượng vốn sẽ được quy định Luật hóa để đảm bảo khung khổ pháp lý giúp DN thực hiện.
Trong đó có trường hợp liên quan đến quy định thoái vốn có thể thấp hơn giá trị sổ sách thì cách thức xử lý như thế nào. Trong Luật cũng đưa ra nguyên tắc nếu khi DN thực hiện hết các biện pháp trích lập dự phòng, phòng ngừa rủi ro, nếu giá trên thị trường thấp xuống thì chủ sở hữu sẽ là người quyết định. Chủ sở hữu theo thẩm quyền phân cấp trong Luật quy định cấp cao nhất là Chính phủ. Khi quy định thành Luật thì việc thực thi đảm bảo hơn.
“Tất cả những vấn đề hiện nay chúng ta tháo gỡ để thoái vốn DN, cổ phần hóa hay sắp xếp đổi mới DN, những vấn đề trong hơn 20 năm chúng ta đổi mới DN, những thành công và tồn tại trong cuộc sống sẽ được luật hóa vào đây, kể cả những vấn đề vướng mắc hiện nay cũng được đưa vào nguyên tắc để xử lý. Như vậy, dự án Luật sẽ là khung pháp lý mạnh để thúc đẩy tái cơ cấu cũng như đổi mới, thu hẹp DNNN”, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN Đặng Quyết Tiến khẳng định.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, những năm vừa qua, DNNN cũng đã tạo việc làm cho khoảng 1.255 nghìn người lao động, có mức thu nhập tương đối ổn định so với thực trạng của kinh tế Việt Nam trong những năm qua. Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được bảo toàn và phát triển, tăng từ 136.000 tỷ đồng trước năm 2006 lên trên 921.000 tỷ đồng năm 2012 (trong đó: vốn đầu tư vào các công ty mẹ là 857.000 tỷ đồng) và tập trung chủ yếu ở các tập đoàn, tổng công ty. Phần lớn các DNNN hoạt động có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình của DNNN những năm 1999-2000 đạt khoảng 14%/năm, tăng lên 20,5% năm 2005. Trong giai đoạn 2007-2012 tuy gặp khó khăn, nhưng vẫn đạt trung bình khoảng 16%/năm. Số doanh nghiệp thua lỗ và hòa vốn giảm mạnh, từ 60% xuống còn 20% năm 2012. Nộp ngân sách tăng bình quân 10-30%. Sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã đạt được trên 6.000 doanh nghiệp. Tái cơ cấu DNNN bước đầu đã có một số kết quả tích cực.