Giám sát hoạt động tập đoàn

Theo TBKTSG

Từ thực trạng hoạt động còn nhiều khiếm khuyết của các tập đoàn kinh tế nhà nước, các cơ quan quản lý và các chuyên gia đặt vấn đề cần tăng cường giám sát hoạt động của chúng.

Việc giám sát hoạt động tập đoàn cho đến nay được thực hiện trong nội bộ (giám sát bên trong) và giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, từ các bộ, ngành, Chính phủ đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (giám sát từ bên ngoài). Nay, có đề xuất nên có thêm cơ quan giám sát liên ngành hoặc chuyên trách, tức tăng thêm giám sát từ bên ngoài.

Giám sát từ bên ngoài dù có bộ máy hùng mạnh đến mấy, nhưng giám sát bên trong kém thì giám sát từ bên ngoài chẳng mang lại kết quả khả quan. Nói cách khác, giám sát bên trong là quyết định, giám sát từ bên ngoài là quan trọng.

Vậy làm thế nào để nâng cao hiệu quả giám sát bên trong? Từ thực tiễn giám sát bên trong của các công ty cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán (trong bài này gọi tắt là công ty), có thể rút ra một số kinh nghiệm cho tập đoàn.

Thứ nhất, thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh được công bố công khai và minh bạch. Các công ty phải công bố thông tin thường kỳ (báo cáo tài chính quý, bán niên có soát xét của kiểm toán và báo cáo thường niên có xác nhận của kiểm toán), báo cáo quý về hoạt động của hội đồng quản trị.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh hằng năm, không chỉ có những chỉ tiêu chính như doanh thu, vốn chủ sở hữu, nợ, lãi lỗ... mà còn phải chi tiết đến số tiền thù lao cho từng thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát.

Các công ty phải công bố thông tin bất thường bắt buộc như phát hành chứng khoán, trả cổ tức, giao dịch của các cổ đông nội bộ, thay đổi nhân sự cấp cao... Ngoài ra, các công ty còn chủ động công bố thông tin về những thông tin chưa chính xác về hoạt động của mình. Việc công bố thông tin là trách nhiệm của công ty giải trình với cổ đông. Công ty có quyền sử dụng vốn của cổ đông thì cổ đông có quyền đàn hạch công ty.

Thông tin được công bố phải kịp thời, trung thực và tin cậy. Các công ty có bộ phận chuyên trách công bố thông tin. Báo cáo tài chính được xây dựng bởi kế toán viên chuyên nghiệp, được tín nhiệm, được công ty kiểm toán soát xét, xác nhận về tính xác thực. Công ty thuê ngoài các tổ chức phân tích tài chính để xem xét, phân tích các triển vọng kinh doanh và mức độ lành mạnh về tài chính khi công ty phát hành chứng khoán ra công chúng nhằm cung cấp đầy đủ thông tin cho công chúng muốn đầu tư vào công ty.

Các thông tin trên phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang tin điện tử của công ty và gửi các cơ quan quản lý nhà nước liên quan theo quy định của pháp luật.

Có thể có tập đoàn đã có những thông tin đầy đủ, cụ thể về hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng việc công bố thông tin đó chưa được công khai và thông tin đó có đủ độ tin cậy hay không đang còn là câu hỏi.

Thứ hai, ban kiểm soát độc lập tương đối với hội đồng quản trị, ban điều hành để giám sát và kiềm chế quyền lực của hội đồng quản trị và ban điều hành. Ban kiểm soát tham dự đầy đủ và cho ý kiến tại các cuộc họp hội đồng quản trị và ban điều hành về chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, định hướng hoạt động của các công ty thành viên (nếu có), bổ nhiệm nhân sự cao cấp, ban hành các quy chế quản lý nội bộ và triển khai các công tác quan trọng theo nghị quyết của đại hội đồng cổ đông.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên, ban kiểm soát phải trình đại hội đồng cổ đông báo cáo của mình, trong đó nêu rõ kết quả giám sát theo nội dung trên và có những lưu ý với hội đồng quản trị và ban điều hành, những việc còn thiếu sót cần được khắc phục.

Ban kiểm soát của các tập đoàn hoạt động hình thức, ít có ý kiến độc lập, thường phụ họa theo hội đồng quản trị, do chủ tịch hội đồng quản trị chi phối. Vì thế, nếu chủ tịch hội đồng quản trị đầu tư tràn lan, kém hiệu quả, bổ nhiệm người nhà giữ chức vụ cao cấp, ban kiểm soát không có ý kiến, nên cơ quan quản lý nhà nước không biết là chuyện bình thường.

Thứ ba, các công ty lớn có thành viên hội đồng quản trị độc lập được giao quyền kiểm soát và kiềm chế quyền lực của chủ tịch hội đồng quản trị, nhất là trong trường hợp chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc để bảo vệ quyền lợi của cổ đồng, trước hết là cổ đông thiểu số.

Hiện nay, các thành viên hội đồng quản trị tập đoàn do Chính phủ bổ nhiệm, có thành viên là quan chức nhà nước kiêm nhiệm và không có thành viên hội đồng quản trị độc lập cũng như quy chế hoạt động cho thành viên hội đồng quản trị độc lập.

Để tăng cường công tác giám sát tập đoàn chặt chẽ hơn, bên cạnh việc tăng cường giám sát từ bên ngoài, cần hướng tới làm tốt công tác giám sát bên trong theo cách mà các công ty cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán đang thực hiện.