Giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức sàn, kịp thời ổn định giá xăng dầu trong nước
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 6/7/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Trong đó, Chính phủ đề xuất giảm mức thuế này xuống mức sàn trong khung thuế.
Cùng với giảm thuế, cần đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, từ đầu năm 2022, giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm thế giới có xu hướng tăng cao, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần, trong đó điều chỉnh tăng 13 lần và giảm 4 lần, có 2 lần giảm ngay sau khi thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đặc biệt, tại kỳ điều chỉnh ngày 21/6/2022, giá xăng trong nước thiết lập mức cao nhất trong lịch sử.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, với việc giá dầu thô thế giới vẫn đang tiếp tục duy trì ở mức trên 100 USD/thùng, giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng cao. Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng cũng có tác động lớn đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên vật liệu đầu vào do xăng dầu chiếm tỷ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản xuất.
Từ đó, giá xăng tăng sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau dịch COVID-19. Vì vậy, cần có giải pháp kịp thời để thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong năm 2022, cũng như kiểm soát lạm phát trong 6 tháng cuối năm.
Bộ trưởng cho biết, về cơ cấu giá cơ sở xăng dầu và nguồn cung xăng dầu, theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở xăng dầu được tính dựa trên 04 yếu tố: Giá xăng dầu thành phẩm thế giới; Các khoản chi phí và lợi nhuận định mức; Mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu; Các khoản thuế.
Để giảm giá xăng dầu, về cơ bản, có thể sử dụng giải pháp điều chỉnh chính sách thuế, tuy nhiên đây là giải pháp tình thế chỉ nên áp dụng trong ngắn hạn vì giá xăng dầu trong nước có tính biến động và phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thế giới. Ngoài ra, giá xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng của yếu tố cung - cầu thị trường.
Nguồn cung xăng dầu nước ta hiện nay từ hai nguồn là nguồn nhập khẩu và nguồn sản xuất trong nước, trong đó, nguồn cung xăng dầu từ sản xuất trong nước chiếm từ 70% - 75% tổng nguồn cung xăng dầu cả nước. Nguồn cung xăng dầu nhập khẩu phụ thuộc vào nguồn cung thế giới và tình hình chính trị thế giới. Do đó, để hạn chế tác động của diễn biến giá xăng dầu thế giới đối với thị trường trong nước thì cần thiết phải đảm bảo chủ động, ổn định nguồn cung xăng dầu từ khai thác, sản xuất trong nước. Theo đó, song song với các giải pháp tài chính là thực hiện giảm thuế, thì cần thực hiện các biện pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu xuống mức sàn
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu, có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Việc giá xăng dầu tăng cao sẽ gây áp lực lớn đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chi tiêu của người dân. Trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân còn khó khăn thì cần có giải pháp điều hành để ổn định giá xăng dầu trong nước.
Để góp phần ổn định giá xăng dầu thì việc điều chỉnh thuế với mặt hàng xăng dầu là cần thiết. Từ các sắc thuế cơ cấu trong giá cơ sở xăng dầu nêu trên thì có thể thực hiện điều chỉnh đối với sắc thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc điều chỉnh thuế đối với mặt hàng xăng dầu cũng cần phải được cân nhắc, tính toán cẩn trọng trên nhiều mặt, đảm bảo không làm sai lệch vai trò, chức năng của từng sắc thuế đang thu đối với mặt hàng xăng dầu.
Theo đó, để đảm bảo tính kịp thời trong việc ổn định giá xăng dầu trong nước trước biến động của giá xăng dầu thế giới, góp phần kiềm chế lạm phát, góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Trong đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022.
Mức thuế bảo vệ môi trường được đề xuất đối với xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; Mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; Dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Từ ngày 01/01/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.