Bộ Tài chính:
Chủ động điều chỉnh chính sách nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước
Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022 diễn ra tối 4/7/2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã trả lời câu hỏi của các phóng viên về giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.
Giảm thuế BVMT với xăng dầu sẽ ước giảm thu ngân sách khoảng 32.538 tỷ đồng
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, trong ngày hôm nay (4/7), ngay sau khi được Chính phủ thông qua, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký Tờ trình số 244/TTr-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Trong nội dung tờ trình này, Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, mức thuế đối với xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Chính phủ đã đồng ý và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết sớm để có mức điều chỉnh thuế BVMT đối với xăng dầu theo thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo ước tính của Bộ Tài chính, chính sách này nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thông qua và áp dụng từ ngày 01/8/2022 thì ước giảm thu ngân sách nhà nước từ việc giảm thuế BVMT, cộng với thuế giá trị gia tăng ước khoảng 7.000 tỷ đồng.
Đánh giá về giảm thu ngân sách khi thực hiện các chính sách giảm thuế BVMT với xăng dầu, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhận định, cùng với việc đang triển khai 02 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với giảm thuế BVMT từ đầu năm đến nay trên mặt hàng xăng dầu ước giảm thu ngân sách khoảng 25.538 tỷ đồng. Như vậy, theo tính toán, tổng thu ngân sách nhà nước khi thực hiện các chính sách, giải pháp trên sẽ ước giảm thu ngân sách trong năm 2022 khoảng 32.538 tỷ đồng.
Liên quan đến việc kiềm chế giá xăng dầu đang không ngừng tăng, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay, Bộ Tài chính đã tính toán các phương án cụ thể. Với lượng xăng dầu dự kiến theo báo cáo của Bộ Công Thương, số thu ngân sách từ việc tăng giá, cũng như tăng lương trong năm 2022 sẽ tăng ngân sách nhà nước khoảng 9.100 tỷ đồng.
Ngoài những giải pháp trên, Bộ Tài chính cũng chủ động các giải pháp, phương án khác nữa đối với chính sách thuế với mặt hàng xăng dầu bao gồm cả thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Chúng tôi đang nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền căn cứ vào diễn biến thực tế của giá xăng dầu thế giới và diễn biến giá xăng dầu trong nước ở từng thời điểm, từ nay đến cuối năm để báo cáo cấp có thẩm quyền có những động thái hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp, nhằm mục tiêu ổn định giá xăng dầu trong nước và hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi
Bên cạnh trả lời câu hỏi của phóng viên về chính sách thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng đã giải đáp về vấn đề liên quan tới việc nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, trong dự thảo Chiến lược phát triển TTCK, thị trường bảo hiểm đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 mà Bộ Tài chính đang trình Chính phủ xem xét thông qua đặt mục tiêu sẽ nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trước năm 2025.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay, chiều 4/7, Bộ Tài chính đã phát hành thông cáo báo chí có tất cả các thông tin chi tiết liên quan đến kế hoạch, giải pháp, cách thức về việc nâng hạng TTCK Việt Nam.
Theo thông cáo của Bộ Tài chính, trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã, đang nỗ lực đặt quyết tâm cao để thúc đẩy rút ngắn lộ trình nâng hạng TTCK Việt Nam và cũng đã đạt một số kết quả bước đầu.
Cụ thể, về khuôn khổ pháp lý, Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản hướng dẫn, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường, bao gồm: Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư; tiếp cận thông tin; đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; bù trừ và thanh toán trên TTCK; tăng cường đưa vào thị trường các công cụ tài chính mới để đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư.
Đối với các hoạt động thực tiễn, cơ quan quản lý thường xuyên trao đổi với MSCI và FTSE Russell nhằm cập nhật thông tin thực tế để các tổ chức nắm bắt chính xác, cũng như cùng rõ các các yêu cầu, tiêu chí từ các tổ chức, từ đó có các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện.
Hiện nay, dựa trên các tiêu chí mà các tổ chức xếp hạng yêu cầu, Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, song vẫn còn nhiều tiêu chí cần có quyết tâm chung, sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn giúp thị trường sớm được nâng hạng trong thời gian tới.
Cũng theo Bộ Tài chính, để đảm bảo sự kết nối thông suốt với các tổ chức xếp hạng, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tích cực trao đổi, thảo luận với các bên liên quan về các chính sách, thực tiễn thị trường và các giải pháp liên quan.
Mới đây nhất, ngày 24/6 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có buổi làm việc thêm với Ngân hàng Thế giới và FTSE Russell để tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về nâng hạng TTCK.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan để xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư năm 2020, đặc biệt là các nội dung về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường công khai, minh bạch về tỷ lệ sở hữu nước ngoài để nhà đầu tư tiếp cận thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời; nghiên cứu và đưa chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) vào thị trường giao dịch.
Đồng thời, tập trung hoàn thiện, vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới cho TTCK; từ đó có nền tảng hạ tầng để phát triển, đa dạng hóa và gia tăng chất lượng các sản phẩm trên TTCK, góp phần thu hút nhà đầu tư nước ngoài và cơ sở hạ tầng liên quan; tăng cường quản trị công ty, công bố thông tin về môi trường - xã hội - quản trị (ESG) để gia tăng chất lượng cổ phiếu; nghiên cứu phát triển các sản phẩm liên quan đến nội dung xanh và phát triển bền vững.
Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư trên TTCK…