Giảm tiêu tiền nhàn rỗi nhưng người tiêu dùng Việt vẫn lạc quan thứ tư thế giới
Người tiêu dùng Việt vẫn lạc quan thứ tư thế giới dù chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Theo số liệu mới nhất từ The Conference Board và Nielsen, trong quý đầu tiên năm 2020, Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam đạt 126 điểm phần trăm, xếp thứ tư thế giới, sau Ấn Độ, Philippines và Indonesia.
So với quý cuối năm 2019, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vẫn ổn định với mức tăng 1 điểm, từ 125 lên 126. Lý do chính của việc tăng nhẹ này là sự lạc quan của người tiêu dùng về triển vọng công việc được cải thiện, trong khi sự lạc quan về tài chính cá nhân và chi tiêu vẫn ổn định. Tuy nhiên, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng giảm so với cùng quý năm ngoái, có thể do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trong quý I, Chỉ số niềm tin người tiêu dùng toàn cầu giảm nhẹ xuống 106 từ mức cao lịch sử 107 (chỉ số trên 100 được xem là tích cực), cho thấy số người tiêu dùng lạc quan hơn một chút so với những tiêu cực trên toàn cầu. Khảo sát này được thực hiện trước khi đại dịch ảnh hưởng đến châu Âu và Mỹ.
Sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt
Khảo sát cho thấy, người tiêu dùng chủ yếu xem sự lây lan của Covid-19 là một cuộc khủng hoảng sức khỏe thay vì kinh tế. Do đó, sức khỏe đã thay thế kinh tế trở thành mối quan tâm hàng đầu ở nhiều thị trường, với tỷ lệ người tiêu dùng xác định sức khỏe là mối quan tâm lớn nhất của họ trong vòng 6 tháng tới, bao gồm cả Việt Nam.
Trong quý I, người tiêu dùng Việt tiếp tục xếp hạng sức khỏe là mối quan tâm số một với mức cao nhất trên toàn cầu, tiếp theo là Pakistan, Latvia và Singapore. Tại Việt Nam, sức khỏe đã và đang là mối quan tâm hàng đầu trong 4 quý liên tiếp.
Bên cạnh đó, có một sự gia tăng đáng kể về số người Việt Nam quan tâm đến sự ổn định công việc trong khi tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm đến cân bằng công việc và cuộc sống giảm mạnh, từ 27% xuống 22%.
“Khi mọi người ngày càng nhận thức được tác động của đại dịch Covid-19 đối với công việc, thậm chí là ngay trong quý I, ý định chi tiêu của họ phản ánh sự không chắc chắn này. Mặt khác, khi các công ty bắt đầu thử nghiệm làm việc tại nhà, sự giao thoa giữa cuộc sống gia đình và công việc đặt ra những thách thức nhưng cũng giúp tiết kiệm thời gian thực sự đối với nhiều nhân viên”, bà Louise Hawley, Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam cho biết.
Trong quý này, có một yếu tố mới xuất hiện trong 6 mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam: đó là phúc lợi và an khang của phụ mẫu, với 10% số người được hỏi cho biết rằng họ lo lắng về điều đó.
Các lĩnh vực quan tâm khác của người tiêu dùng Việt Nam là nền kinh tế và chi phí thức ăn gia tăng, với mức quan tâm gần như tương đương với quý trước.
Người tiêu dùng Việt có xu hướng giảm chi tiêu tiền nhàn rỗi
Vào quý đầu của năm 2020, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng giảm đáng kể trong việc chi tiêu tiền nhàn rỗi. Những người tham gia khảo sát thừa nhận rằng họ đã sử dụng tiền nhàn rỗi ít hơn cho tiết kiệm (-4%), quần áo mới (-9%), du lịch (-5%), nâng cấp/ trang trí nhà cửa (-4%), giải trí bên ngoài (-9%) và sản phẩm công nghệ mới (-6%).
Theo bà Hawley, Covid-19 đã làm gián đoạn cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới bao gồm người Việt Nam và đang làm thay đổi thái độ, hành vi cũng như mong muốn của người tiêu dùng một cách chóng mặt.
“Những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh này như giảm thiểu liên lạc, từ hạn chế tương tác xã hội đến cách ly bắt buộc và đóng cửa một số hệ thống cửa hàng nhất định đã cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng vì ngày càng có nhiều hơn số người dành thời gian ở nhà, đồng nghĩa với việc họ sẽ dành ít tiền và thời gian cho bên ngoài hơn trong suốt quý - tránh các tụ điểm giải trí như rạp phim, quán bar, nhà hàng và bất cứ hình thức du lịch nào”, bà Hawley nhấn mạnh.