Gian lận thuế trong kinh doanh cà phê có dấu hiệu giảm

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Đó là thông tin được nêu tại cuộc họp giữa Bộ Tài chính với một số cục thuế và Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam về tình trạng chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước và mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) bất hợp pháp, dưới sự điều hành của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, ngày 3/10/2013.

Gian lận thuế trong kinh doanh cà phê có dấu hiệu giảm
Số lượng doanh nghiệp “đen” đã giảm đáng kể. Nguồn: internet

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, hiện nay cơ quan thuế đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra từ gốc và chưa phát hiện trường hợp thu mua cà phê không có chứng từ với giá cao hơn thị trường như trước đây. Số lượng doanh nghiệp “đen” đã giảm đáng kể.

Theo bà Phan Thị Vịnh - Phó cục trưởng Cục Thuế Lâm Đồng, 9 tháng năm 2013, Phòng thanh tra của Cục Thuế Lâm Đồng đã phối hợp với PC 46 công an tỉnh tiến hành kiểm tra, điều tra xác minh 9 doanh nghiệp kinh doanh cà phê sử dụng hóa đơn của các tổ chức, cá nhân sử dụng hóa đơn ngoài tỉnh để kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Qua thanh tra, kiểm tra đã tham mưu xử lý truy thu thuế, phí và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 26,7 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế truy thu là hơn 25,32 tỷ đồng và tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 1,46 tỷ đồng. Đồng thời qua thanh tra giảm lỗ là 1,122 tỷ đồng, giảm khấu trừ tiền thuế GTGT hơn 1,7 tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước hơn 2,2 tỷ đồng, còn nợ sau thanh tra hơn 24,5 tỷ đồng, điều tra khởi tố bị can điển hình 3 trường hợp liên kết mua bán lòng vòng, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Đến 31/8/2013, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện 41 tổ chức, cá nhân sử dụng 2.972 hớn đơn của 109 tổ chức, cá nhân trên địa bàn 16 tỉnh, thành phố.

Còn tại tỉnh Đắk Lắk, Cục trưởng Cục thuế Lê Văn Mạnh cho biết, trước khi Bộ Tài chính ban hành công văn 7527/BTC- TCT, số thuế thu từ hoạt động nông sản hàng tháng dao động từ 11,3 tỷ đồng/tháng đến 23 tỷ đồng/tháng (trong đó các tháng 5, 6, 7 khoảng trên 11 tỷ đồng/tháng), nhưng tháng 8/2013 Cục Thuế Đắk Lắk đã có số thu lập bộ tăng lên 40,3 tỷ đồng/tháng.

Cục Thuế Đắk Lắk đã tổ chức kiểm tra ra quyết định thu hồi tiến thuế GTGT đã hoàn của 5 doanh nghiệp với số tiền là 26 tỷ đồng và ra thông báo yêu cầu 42 doanh nghiệp điều chỉnh giảm khấu trừ thuế GTGT đầu vào với số tiền 134 tỷ đồng.

“Cục Thuế đã coi việc xác minh hóa đơn và xử lý hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê là nhiệm vụ trọng tâm và hiện đang cử 8 đoàn đi kiểm tra tra, xác minh hóa đơn đầu vào của các doanh nghiệp xuất khẩu mua hàng của các doanh nghiệp ngoài tỉnh để xử lý hoàn thuế”, ông Mạnh cho biết.

Số tiền hoàn thuế đúng và đủ

Từ khi Bộ Tài chính ban hành Công văn 7527/BTC-TCT và công văn số 9345/BTC-TCT, thì tại Lâm Đồng chỉ có 1 hồ sơ đề nghị hoàn thuế với tổng số tiền thuế GTGT đề hoàn của cà phê xuất khẩu 2 tháng (tháng 6, 7/2013) là hơn 14 tỷ đồng. Trong đó thuế GTGT của các hóa đơn mua trực tiếp và qua khâu trung gian là hơn 11 tỷ đồng, mua qua nhiều khâu trung gian là hơn 2,8 tỷ đồng.

Còn tại tỉnh Đắk Lắk, cơ quan thuế đã thực hiện hoàn thuế cho 2 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín với số tiền hơn 27 tỷ đồng. Ngoài ra, Cục Thuế Đắk Lắk đã nhận được 22 bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT (với số thuế đề nghị hoàn là 81,642 tỷ đồng) của doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, nông sản không nằm trong danh sách doanh nghiệp xuất khẩu uy tín.

Theo Cục trưởng Lê Văn Mạnh, do các doanh nghiệp đề nghị hoàn thuế không tổ chức phân loại hồ sơ theo hướng dẫn tại công văn số 7257, nên cục thuế đã thành lập 4 đoàn công tác xác minh hóa đơn GTGT (tổ chức xác minh làm 2 đợt, mỗi đợt kéo dài từ 20 đến 25 ngày) tại các địa bàn như: Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Kon Tum, TP Hồ Chí Minh… Đến nay Cục Thuế Đắk Lắk đã xử lý đối với các hồ sơ đã xác minh xong, trong đó thực hiện hoàn thuế là hơn 6,65 tỷ đồng, dừng khấu trừ hơn 6,23 tỷ đồng.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, qua thực tế của các đoàn công tác, có rất ít trường hợp mua của người trực tiếp sản xuất hoặc qua 1 khâu trung gian, mà chủ yếu tập trung mua qua nhiều khâu trung gian (cá biệt có trường hợp mua qua đến 9 khâu trung gian) địa bàn xác minh tập trung tại các tỉnh như: Vũng Tàu, Đắk Nông, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… Tuy nhiên điểm cuối cùng không  kê khai thuế hoặc bỏ trốn tập trung tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh.

Hoàn thiện thêm chính sách

Niên vụ cà phê 2013 - 2014 đã tới gần, để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp các doanh nghiệp làm ăn chân chính sản xuất, kinh doanh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế sẽ sớm có hướng dẫn mới về chính sách thuế.

Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ sửa đổi về in, phát hành và sử dụng hóa đơn theo hướng phân loại rủi ro doanh nghiệp, có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn, đồng thời bán hóa đơn cho các doanh nghiệp thuộc diện rủi ro cao trong thời gian 12 tháng.

Các cơ quan thuế sẽ đẩy mạnh các giải pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Bộ Tài chính đang nghiên cứu ban hành các hướng dẫn về hoàn thuế GTGT. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu giải pháp các doanh nghiệp xuất khẩu khi mua cà phê để xuất khẩu cần lập danh sách các đơn vị bán hàng báo cho cơ quan thuế để phối hợp kiểm tra, xác minh trước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế.

Tổng cục Thuế hiện tiếp tục chỉ đạo các cục thuế tổ chức xác minh hồ sơ hoàn thuế, để kịp thời hoàn thuế cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, có uy tín.

Tổng cục Thuế cũng sẽ chỉ đạo các cục thuế báo cáo với UBND các tỉnh có biện pháp chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với cơ quan thuế tổ chức quản lý thu thuế từ gốc, tăng cường quản lý khâu lưu thông và kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm.