Gian lận thương mại tăng theo tốc độ phát triển thương mại điện tử
Các lực lượng chức năng liên tục phát hiện và xử lý hàng loạt các vụ lợi dụng sàn thương mại điện tử (TMÐT) để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng nhái hàng giả. Tuy nhiên, các vụ gian lận thương mại trên các sàn TMĐT vẫn không có dấu hiệu suy giảm, thậm chí có chiều hướng gia tăng!
Dự kiến thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD vào năm 2025
Theo Sách trắng thương mại điện tử (TMÐT) 2020, trong năm 2019, số người Việt Nam tham gia mua sắm online đã cán mốc 44,8 triệu người, so với 30,3 triệu người năm 2015.
Doanh thu bán lẻ TMÐT năm 2019 đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 2,5 lần so mức 4 tỷ USD năm 2015, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tốc độ tăng trưởng của TMÐT Việt Nam năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô khoảng 15 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2025, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 600 USD/năm thông qua mua sắm online.
Những số liệu này cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển TMÐT, với tốc độ tăng trưởng thuộc Top 3 trong khu vực Ðông Nam Á.
Với sự phát triển bùng nổ của TMĐT, hoạt động gian lận thương mại trên các sàn TMĐT cũng tăng nhanh chóng cả về quy mô và số vụ.
Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2020, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã kiểm tra hơn 2.400 vụ việc, xử lý hơn 2.200 vụ việc vi phạm, xử phạt hơn 16 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm gần 41 tỷ đồng liên quan hành vi vi phạm về TMÐT và các hành vi lợi dụng TMÐT để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả.
Đủ các thủ đoạn, chiêu trò gian lận “né” kiểm tra xử lý
Thực trạng gian lận thương mại trên các sàn TMĐT hiện nay đang là vấn đề nhức nhối đối với cơ quan chức năng, đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những chiêu thức ngày càng tinh vi của các trang mua bán điện tử.
Thống kê của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho thấy, các khiếu nại của khách hàng chủ yếu liên quan đến việc khách hàng đã thanh toán nhưng không nhận được sản phẩm, dịch vụ, hoặc sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, hoặc bị mất thông tin cá nhân của chủ tài khoản ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm đối với các hành vi gian lận thương mại trên các sàn TMĐT cũng rất khó khăn do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” này không đơn giản. Chế tài xử phạt cũng mới chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính, so với khoản lợi nhuận từ hành vi bất chính gây ra không đáng là bao.
Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết: Mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp, trong khi đó các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp.
Khó khăn lớn nhất mà lực lượng chức năng phải đối mặt trong việc ngăn chặn việc bán hàng giả thông qua TMĐT là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận.
Bên cạnh đó, hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian, đồng thời các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn, khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát, cũng như khó xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý; ngay cả khi kiểm tra, xác minh được kho hàng cũng khó xác minh chủ kho hàng là ai.
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cũng cho rằng: Hiện việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch TMĐT, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn bởi lực lượng QLTT không có thẩm quyền đề xuất lấy các sao kê ngân hàng, theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng.
Để cất giấu và vận chuyển hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng, các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng lậu trên mạng thường xuyên lợi dụng kho hàng, xe hàng của các hãng chuyển phát, giao nhận nhưng lực lượng QLTT không có thẩm quyền dừng xe, mở niêm phong kiểm tra.
Xây dựng “công cụ” để chống gian lận
Để quản lý hoạt động TMĐT, hiện các lực lượng chức năng đang dựa trên hành lang pháp lý là Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ban hành ngày 16/5/2013 về TMĐT. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của TMĐT của Việt Nam những năm gần đây cho thấy những quy định này không còn phù hợp.
Bởi với, công nghệ số, internet phát triển nhanh chóng dẫn đến nhiều mô hình TMĐT mới liên tục xuất hiện, không chỉ giới hạn ở 2 mô hình phổ biến là website TMĐT, website cung cấp dịch vụ TMĐT như trước đây. Các giao dịch, dịch vụ cũng không còn ở phạm vi một quốc gia mà đã xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động...
Theo luật sư Nguyễn Đạt, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP cho đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành “sứ mệnh” của một văn bản pháp luật. Việc điều chỉnh, bổ sung quy định mới để bám sát thực tiễn là điều cần làm sớm để lực lượng chức năng có thêm “công cụ” xiết chặt vấn nạn gian lận TMĐT đang diễn ra như hiện nay.
Việc sửa đổi bổ sung, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP cần tập trung vào việc thu gọn đối tượng ứng dụng TMĐT phải thực hiện thủ tục hành chính, xác thực danh tính người bán nước ngoài, minh bạch thông tin, hàng hóa dịch vụ…
Trong những sửa đổi này, việc sửa đổi, bổ sung quy định nhằm minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động TMĐT chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang được các sàn TMĐT và người tiêu dùng đặc biệt quan tâm.
Bổ sung quy định về việc phân định rõ trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ lưu kho, vận chuyển, giao hàng về cung cấp chứng từ hàng hóa trong quá trình giao nhận, đảm bảo điều kiện thực thi cho các cơ quan phòng, chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại và tăng cường gắn trách nhiệm của chủ sàn giao dịch TMĐT.