Gian lận trong kinh doanh xăng dầu: Đủ kiểu móc túi khách hàng

Theo daibieunhandan.vn

Thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra nhiều vụ gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu, nhất là tại những cây xăng bán lẻ bị cơ quan chức năng phát hiện có hành vi gian dối, “móc túi” người tiêu dùng nhiều tỷ đồng trong thời gian dài. Trên thực tế, mặc dù Nhà nước và các cơ quan chủ quản đã có nhiều biện pháp để chấn chỉnh tình trạng này, song hiệu quả vẫn chưa đáp ứng sự mong đợi của người tiêu dùng.

Chip gian lận được gắn bên trong hai cây xăng ở Trần Khát Trân và Yên Viên (Hà Nội).
Chip gian lận được gắn bên trong hai cây xăng ở Trần Khát Trân và Yên Viên (Hà Nội).

Những vụ việc nhức nhối

Ngày 3/1/2016, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Bến Tre và Sở Khoa học - Công nghệ Bến Tre bất ngờ tiến hành kiểm tra trạm xăng dầu Bến Tre nằm trên quốc lộ 60 thuộc TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre), do Công ty TNHH MTV Dịch vụ cung ứng xăng dầu bến xe tỉnh Bến Tre quản lý. Qua kiểm tra hai trụ bơm dầu DO số 3 và số 4 của cây xăng này, cơ quan chức năng đã phát hiện hành vi gian lận. Cụ thể, theo biên bản được lập bởi lực lượng QLTT cơ động, tại trụ bơm số 3 (có tem kiểm định có giá trị đến ngày 10.6.2016), kết quả đo lường phát hiện sai số 4%.

Theo đó, khi cơ quan chức năng dùng bình chuẩn 10l bơm dầu DO vào thì bị thiếu 0,4l. Cả hai lần bơm đều cho sai số như nhau. Tương tự, tại trụ bơm số 4 cho ra kết quả sai số là 3,8%, tức bơm 10l bị thiếu 0,38l. Lực lượng QLTT Bến Tre đã niêm phong hai trụ bơm dầu DO của trạm xăng dầu Bến Tre, đồng thời tạm giữ các giấy tờ liên quan để phục vụ công tác điều tra, xác minh sai phạm trong thời gian tới.

Đặc biệt, cuối tháng 12/2015, Chi cục QLTT Hà Nội và Công an TP Hà Nội đã phát hiện 2 cây xăng có hành vi gian lận, “móc túi” người tiêu dùng với số tiền lớn. Cụ thể, qua kiểm tra 2 cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty cổ phần xăng dầu chất đốt Hà Nội (HFC), lực lượng chức năng bắt quả tang tại 6 cột bơm của 2 cây xăng ở 436 Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) và xã Yên Viên (huyện Gia Lâm) có gắn chíp và bảng mạch điện tử để làm sai lệch bộ đếm. Cụ thể, nếu mua 20l xăng, khách hàng chỉ được bơm thực tế 19l.

Hoạt động gian lận tại hai cây xăng này đều được thực hiện tinh vi, điều khiển từ xa nên khách hàng không thể phát hiện. Cơ quan công an đã xác định, từ tháng 3.2014, 11 trong số 14 nhân viên cửa hàng xăng dầu Trần Khát Chân, trong đó có Trần Thanh Trình (Trưởng cửa hàng xăng dầu Yên Viên) đã chung tiền mua 3 chip điện tử về gắn vào cột bơm xăng. Tính từ năm 2014 đến lúc bị phát hiện, cây xăng Trần Khát Chân đã chiếm đoạt của khách hàng số tiền trên 5 tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp gian lận tương tự được phát hiện ở Nghệ An, Gia Lai... Tuy nhiên, dường như nó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Đủ kiểu gian lận

Theo thống kê của Cục QLTT, trong năm 2015, lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra 3.354 vụ, xử lý 1.014 vụ vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 8.357.855.000 đồng. Hành vi gian lận phổ biến để gian lận kinh doanh xăng dầu đó là các cơ sở vi phạm đã tự ý phá bỏ kẹp chì niêm phong, điều chỉnh sai số trực tiếp hoặc lắp thêm các thiết bị gian lận gây nên sai số.

Để đối phó với các đợt thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng, các cơ sở này đã tìm đủ mọi cách để che dấu hành vi vi phạm của mình như: nong rộng lỗ kẹp chì cho đến mức có thể dễ dàng rút dây chì ra; dùng keo dán sắt dán lại các mối dây chì bị đứt; dùng nhiệt nung nóng viên chì để dễ dàng tháo dây niêm phong, tác động tạo sai số sau đó sử dụng các thiết bị để kẹp lại… Riêng đối với những trường hợp không thể che giấu được, chủ cơ sở thường đưa ra những lý do như: máy bị hỏng hay do sét đánh, bị chập điện... nên cần phải tháo kẹp chì để sửa chữa, thậm chí đã từng có trường hợp chủ cơ sở đã cố tình đổ lỗi cho kiểm định viên đã cắt chì để kiểm định nhưng lại quên không bấm chì trở lại.

Hiện nay, các cây xăng thường xuyên sử dụng những hình thức gian lận mới tinh vi, kín đáo hơn để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Cụ thể, thay vì dùng con chíp điện tử trong gian lận xăng dầu thông thường, các chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu “móc túi” khách hàng bằng cách tác động trực tiếp vào chíp điện tử của bộ điều khiển trong cột đo xăng dầu làm thay đổi tỷ số đếm, sai lệch về số lượng xăng. Bên cạnh đó, nhân viên bán hàng còn dùng hình thức là bơm chồng số giữa khách hàng trước và khách hàng sau, vô hình trung người mua sau phải thanh toán thêm một khoản tiền của người mua trước.

Một điểm đáng lưu ý là thói quen mua xăng theo số tiền chẵn (20.000đ, 50.000đ, 100.000đ…) của người tiêu dùng đã vô tình tạo điều kiện cho các cây xăng gian lận. Thông thường khi đi kiểm định các cột bơm xăng dầu, đơn vị kiểm định phải làm theo quy trình và kiểm định ở số lượng lít chẵn như 2l, 5l, 10l, 20l… Khi đó, mua xăng theo số lít thì lượng xăng dầu sẽ đúng theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay người tiêu dùng thường có thói quen mua xăng theo số tiền chẵn nên lượng xăng lúc đó không đúng với IC đã được điều chỉnh và lập trình, chính vì vậy, nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu đã tận dụng điều này để gian lận lượng xăng, dầu của khách hàng.

Không chỉ gian lận về số lượng mà ngay cả chất lượng xăng dầu cũng bị nhiều cơ sở xem nhẹ, tìm đủ mọi cách để “móc túi” người tiêu dùng, điển hình là việc pha trộn xăng chất lượng thấp, giá thấp (Ron 83, Ron 92) vào xăng chất lượng cao (Ron 92, Ron 95) để bán theo giá xăng có chất lượng cao. Hay một số trường hợp thu mua xăng dầu nhập lậu giá rẻ trên thị trường với chất lượng kém, không qua kiểm định nhưng vẫn được các cây xăng bán cho người tiêu dùng. Thậm chí, một số cơ sở còn pha xăng với nhiên liệu sinh học rẻ tiền bán kiếm lời với số tiền lớn.

Chính việc bán xăng dầu không đạt tiêu chuẩn, chất lượng kém đã gây thiệt hại rất lớn cho người tiêu dùng cũng như kéo theo rất nhiều hệ lụy nguy hiểm khác. Xăng dầu bán ra không bảo đảm chất lượng phá hoại nhanh chóng máy móc, động cơ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ phương tiện. Khí thải do xăng dầu không bảo đảm chất lượng hủy hoại môi trường và sự sống xung quanh. Đặc biệt, nó còn làm giảm sút niềm tin của người tiêu dùng đối với những thương hiệu của doanh nghiệp xăng dầu, gây thiệt hại không nhỏ về lợi ích kinh tế cũng như sự phát triển của doanh nghiệp về lâu dài.

Trong năm 2015, Cục QLTT đã phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm chủ yếu trong kinh doanh xăng dầu gồm: Vi phạm về điều kiện kinh doanh 275 vụ; Vi phạm về nhân viên không có chứng chỉ đào tạo về an toàn phòng chống cháy nổ, môi trường 162 vụ; Vi phạm về niêm yết giá 92 vụ; Vi phạm về thời gian bán hàng 65 vụ; Vi phạm về chất lượng 66 vụ; Vi phạm về đo lường 121 vụ; Vi phạm về thay đổi cấu trúc kỹ thuật của phương tiện đo 62 vụ; Vi phạm khác 120 vụ (không đăng ký hệ thống phân phối; địa điểm kinh doanh không đúng trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không phù hợp quy hoạch; không có đủ trang thiết bị tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo quy định…). Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu của 136 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm, đình chỉ hoạt động 42 đại lý kinh doanh xăng dầu, tịch thu 52 cột bơm, 36 chứng chỉ kiểm định phương tiện đo.