Gian nan còn phía trước
(Tài chính) Quá trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại (NHTM) được các ngân hàng chủ động tham gia với nhiều cách như sáp nhập, hợp nhất, xử lý nợ xấu, tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính, quản trị. Song muốn tái cơ cấu thành công còn cả quãng đường gian nan.
Loại bỏ khủng hoảng thanh khoản
Sự phục hồi nền kinh tế trong năm 2014 phụ thuộc rất nhiều vào việc tái cơ cấu nền kinh tế, bao gồm tái cơ cấu NHTM, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tái cơ cấu đầu tư công. Trong 3 lĩnh vực này, chỉ tái cơ cấu NHTM có tín hiệu khả quan hơn hết.
Thống kê của NHNN cho thấy, để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang tiến hành sáp nhập, hợp nhất, mua lại khá mạnh mẽ, chủ yếu thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Đến nay, số lượng TCTD giảm đi 6 thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thu hồi giấy phép 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, chuyển đổi hình thức 3 chi nhánh; chuyển đổi Quỹ tín dụng Nhân dân Trung ương thành ngân hàng Hợp tác xã.
TS. Lê Xuân Nghĩa,
Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia
Sau hơn 2 năm hợp nhất từ 3 NHTM để tái cơ cấu, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, chia sẻ quá trình tái cơ cấu SCB đến giai đoạn này đã đạt được những cột mốc đáng kể, trong 3 vấn đề vướng mắc lớn đã làm được 2: trả được nguồn tái cấp vốn cho NHNN và tất toán huy động vàng. Riêng về nguồn vốn liên ngân hàng với sự hỗ trợ của NHNN, SCB đã thương thảo với các ngân hàng và được cơ cấu gia hạn lại mức lãi suất phù hợp.
Từ 3 ngân hàng có rất nhiều mâu thuẫn về văn hóa, đến nay SCB đã thống nhất được vấn đề nhân sự từ ban lãnh đạo xuống các cấp, về thương hiệu, bộ máy, vận hành, hệ thống công nghệ thông tin đã được định hình và nâng cấp.
NHTM cổ phần Tiên Phong (TPBank) trước tái cơ cấu gặp nhiều khó khăn về thanh khoản, nợ xấu lên đến 6,4% tổng dư nợ, tài sản giảm sút và có nguy cơ mất vốn, nhưng sau 1,5 năm tái cơ cấu tổng tài sản đã tăng gấp đôi, vốn điều lệ đạt 5.550 tỷ đồng, đạt 362 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2013. Trường hợp SHB, trước sáp nhập có lợi nhuận tốt, nhưng sau khi sáp nhập Habubank, năm 2012 SHB bị lỗ và nợ xấu lên đến 9%
Song bước sang năm 2013, nợ xấu của ngân hàng này đã có biến chuyển và đến hết năm 2013 đã giảm xuống 5%. Ngoài ra, dù không nằm trong diện hợp nhất, sáp nhập bắt buộc nhưng do thách thức cạnh tranh ngày càng gay gắt, một số NHTM cũng đã tự nguyện sáp nhập nhằm tái cấu trúc như trường hợp DaiABank sáp nhập vào HDBank. Đồng thời, các NHTM cũng đã chủ động bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Tính đến ngày 31/12/2013, VAMC đã mua được 38.900 tỷ đồng nợ xấu của 34 TCTD bằng trái phiếu đặc biệt.
Chưa kỳ vọng vào dòng vốn ngoại
Mặc dù quá trình tái cơ cấu đã có một số kết quả khả quan, nhưng các NHTM đang thận trọng hơn khi báo cáo về hiệu quả vì muốn tái cơ cấu hiệu quả vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đối với các ngân hàng sáp nhập, hợp nhất, vấn đề cốt lõi đầu tiên sau sáp nhập là nhanh chóng ổn định ngân hàng mới và tiếp tục triển khai kế hoạch cũng như định hướng phát triển cho những năm tiếp theo. Đồng thời, khi quy mô lớn lên việc điều hành sẽ phức tạp hơn và yêu cầu về mặt quản trị, tiêu chuẩn quy trình về vận hành, công nghệ phải tốt lên.
Để đáp ứng nhu cầu này cần phải có sự tham gia của các đối tác chiến lược nước ngoài. Bởi theo các NH, hiện nay nhà đầu tư trong nước còn yếu vốn nên nếu có lượng tiền mới từ nước ngoài sẽ ảnh hưởng tích cực đến quá trình tái cơ cấu của ngân hàng cũng như của nền kinh tế. Sự tham gia của các cổ đông nước ngoài còn giúp NHTM tái cơ cấu lại bộ máy quản trị, hệ thống quản trị rủi ro, cải thiện chất lượng sản phẩm. Nhưng muốn vậy, tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài phải được nới ra.
Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, SCB đã tái cơ cấu tất cả các mặt quản trị điều hành, tài chính cũng như cơ cấu lại cơ hội đầu tư kinh doanh, tiến hành xử lý nợ xấu để kéo nợ xấu xuống 3% nhằm cơ cấu tài chính. Tuy nhiên, ngoài vấn đề nợ xấu, điều kiện quan trọng để tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài là vấn đề “room” vốn ngoại.
Bởi thời gian qua, SCB nhận được nhiều đề nghị hợp tác từ nhà đầu tư nước ngoài nhưng quy định về “room” chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tác. Tổng giám đốc một NHTMCP lớn cũng cho biết, mặc dù đã có các đối tác tốt, nhưng ngân hàng cũng kỳ vọng “room” vốn ngoại tăng lên 40-45% để có thể tiếp cận thêm các nhà đầu tư khác nhằm cải thiện tài chính, quản trị. Mới đây,
Chính phủ đã ban hành Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam, nhưng nhiều ngân hàng cho rằng quy định mới cũng không tác động lớn đến các ngân hàng. Bởi tỷ lệ sở hữu cổ phần của tối đa một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại một TCTD Việt Nam đã được nâng từ 15% lên 20% vốn điều lệ của TCTD, nhưng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam.
Theo Nghị định mới, sẽ chỉ có vài TCTD yếu kém mới có thể bán cổ phần cao hơn mức này theo quyết định của Chính phủ. Trong khi đó, phần đông NHTM đã bán từ 20-30% vốn cho đối tác ngoại nên dự báo sẽ không có luồng vốn ngoại đổ vào như các ngân hàng mong muốn. Do vậy, việc cơ cấu bằng dòng vốn ngoại sẽ không như kỳ vọng và các ngân hàng vẫn phải nỗ lực phát triển bằng nội lực.
Bài toán nợ xấu và sở hữu chéo
Một vấn đề nữa trong tái cơ cấu là làm sao để giải quyết nợ xấu triệt để? Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia Hà Nội, xử lý nợ xấu đang diễn biến tốt nhờ những giải pháp xử lý như trích lập dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC, nhưng nợ xấu thực chất trong các TCTD năm 2013 chưa giảm đáng kể vì VAMC cũng chỉ mới mua nợ, thực hiện các kỹ thuật hạch toán để làm sạch bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, chứ chưa bắt tay xử lý nợ trực tiếp.
Mục tiêu năm 2014 sẽ kéo nợ xấu xuống 3%, nhưng việc kéo giảm được hay không phụ thuộc vào việc hạch toán và công bố thông tin, nếu tính nợ xấu thực khó có thể đưa nợ xấu về 3% trong năm nay. Muốn nợ xấu giảm hiệu quả cần những việc làm cụ thể hơn nữa, phải có dòng tiền thật chảy vào xử lý những khoản nợ, hoàn thiện môi trường pháp lý M&A cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bán nợ mới có thể giải quyết được tận gốc.
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, cũng cảnh báo muốn tái cơ cấu hiệu quả cần phải giải quyết tình trạng sở hữu chéo trong các ngân hàng. Sở hữu chéo là hình thức phổ thông trong hệ thống ngân hàng thế giới nếu sử dụng đúng mục đích để hỗ trợ vốn lẫn nhau.
Nhưng ở Việt Nam sở hữu chéo được thực hiện méo mó, sai lệch, chỉ hướng đến những đơn vị con và những quyền lợi riêng để cho vay không theo tiêu chuẩn, không đúng mục đích, không kiểm soát chặt chẽ nên khả năng rủi ro lớn. Không sớm giải quyết những vấn đề này, tái cơ cấu hệ thống NHTM sẽ vẫn đi những bước đi chậm chạp.