Gian nan "cuộc chiến" chống chuyển giá
(Tài chính) Tối đa hoá lợi nhuận luôn là mục tiêu hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Lợi dụng các chính sách thuế khác nhau giữa các quốc gia, chuyển giá được xem là một trong những phương pháp mà các nhà đầu tư áp dụng nhằm mục đích tránh thuế để tăng tổng lợi ích cuối cùng.
Tác động tiêu cực của chuyển giá
Có thể định nghĩa ngắn gọn, chuyển giá là hành vi định giá chuyển giao không dựa trên nguyên tắc giá cả thị trường giữa các công ty có liên kết với nhau trong cùng một tập đoàn, nhằm chuyển lợi nhuận từ công ty này sang công ty khác, làm giảm số thuế phải nộp, từ đó nâng cao lợi nhuận của cả tập đoàn.
Hoạt động chuyển giá thường được thực hiện thông qua các giao dịch quốc tế, do có sự chênh lệch về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giữa các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, các công ty có liên kết trong cùng một quốc gia cũng có thể sử dụng thủ thuật này nhờ vào sự khác biệt về chính sách thuế giữa các vùng trong một quốc gia (có quy định nhiều mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với những đối tượng khác nhau trong một quốc gia, hoặc có các quy định về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn).
Tại các quốc gia có mức thuế suất thấp được ví là "thiên đường" thuế, các công ty đa quốc gia thường tiến hành chuyển giá lãi, do đó, các quốc gia này sẽ có lợi về số thuế thu được thông qua chuyển giá. Tuy nhiên, lợi thế này không bền vững khi các quốc gia khác có liên quan tăng cường biện pháp chống chuyển giá. Đây là một trong số những nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng kinh tế ở các "thiên đường" thuế này.
Bên cạnh đó, do có lợi thế về nguồn vốn đầu tư dồi dào, các công ty đa quốc gia dễ dàng thôn tính các công ty trong nước để lũng đoạn thị trường. Các công ty trong nước không đủ tiềm lực tài chính để cạnh tranh, nên dần dần sẽ bị phá sản hoặc buộc phải thay đổi ngành nghề, sản phẩm kinh doanh. Khi đó, các công ty đa quốc gia dần trở nên độc quyền, thao túng thị trường trong nước, kiểm soát giá cả. Hậu quả là các quốc gia này sẽ gặp khó khăn trong quá trình hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, không thể thúc đẩy các ngành sản xuất nội địa phát triển, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Xa hơn nữa, sự phụ thuộc kinh tế của quốc gia tiếp nhận đầu tư vào các công ty đa quốc gia này sẽ kéo theo sự chi phối về chính trị.
Ở trường hợp ngược lại, với các quốc gia có thuế suất cao, các công ty đa quốc gia thường tiến hành chuyển giá lỗ. Tác động đầu tiên của chuyển giá lỗ là làm thất thu ngân sách nhà nước của nước tiếp nhận đầu tư khi doanh nghiệp hạch toán lỗ để không phải chịu thuế. Thêm vào đó, chuyển giá khiến luồng vốn có xu hướng chảy ngược ra khỏi quốc gia tiếp nhận đầu tư, làm thay đổi cơ cấu vốn của nền kinh tế, dẫn tới sự phản ánh sai lệch kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, tạo ra một bức tranh kinh tế không trung thực. Đối với các chủ thể kinh tế, chuyển giá tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Khi một doanh nghiệp được hưởng lợi về nghĩa vụ thuế thông qua hành vi chuyển giá, họ sẽ thu lợi cao hơn những doanh nghiệp khác có cùng điều kiện, nhưng không thực hiện hành vi chuyển giá.
Ngoài ra, với việc được lợi nhờ chuyển giá, các doanh nghiệp này có thể mua nguyên liệu đầu vào với giá cao khiến các đối thủ cạnh tranh không thể mua được nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, đẩy họ vào tình trạng phá sản. Mặt khác, khi thực hiện chuyển giá, các doanh nghiệp FDI có thể không quan tâm khai thác yếu tố đầu vào từ thị trường trong nước, không kéo doanh nghiệp nội phát triển mà còn chèn ép, lất át họ.
Trong các liên doanh, chuyển giá cũng tạo ra giá trị ảo, có thể gây ra tình trạng lỗ “ảo” kéo dài, làm cho phía đối tác nước sở tại không trụ nổi, buộc phải rút lui khỏi liên doanh và bị thôn tính thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Thực trạng của Việt Nam
Thời gian qua, nạn việc "chuyển giá lãi" đã xuất hiện khi một số doanh nghiệp FDI tại Việt Nam xin chuyển đổi thành công ty cổ phần để niêm yết trên thị trường chứng khoán. Không ít doanh nghiệp đã định giá không chính xác giá trị tài sản, lợi dụng việc chuyển đổi để "tư bản hoá tài sản", bán bớt cổ phần, thậm chí chuyển toàn bộ vốn ra khỏi Việt Nam, vừa đem lại lợi nhuận cho công ty mẹ, vừa gây xáo trộn trong dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, lợi dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ, các công ty đa quốc gia đã hình thành nhiều doanh nghiệp liên kết để chuyển doanh thu, lợi nhuận từ những lĩnh vực, ngành nghề và khu vực khác không được hưởng ưu đãi vào doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi nhằm giảm thuế phải nộp, tăng lợi nhuận của nhóm liên kết. Đây chính là việc thực hiện chuyển giá trong lãnh thổ Việt Nam.
Về "chuyển giá lỗ", đây là hình thức phổ biến, cũng là thực trạng nhức nhối ở Việt Nam thời gian qua. Các doanh nghiệp thường thực hiện hành vi "chuyển giá lỗ" thông qua các hình thức, như: nâng cao giá trị tài sản vốn góp, điều tiết giá mua bán hàng hóa, nâng cao chi phí kinh doanh, chi phí hành chính và chi phí quản lý.
Trong 3 quý đầu năm 2013, Tổng cục Thuế và các cơ quan thuế địa phương ở Việt Nam đã có nhiều đợt thanh, kiểm tra kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm (2007-2012). Trong đó, đã có 122 doanh nghiệp tại 23 tỉnh, thành bị ngành thuế thanh tra đặc biệt do nghi chuyển giá. Sau thanh, kiểm tra, nhiều doanh nghiệp từ lỗ "bỗng dưng" thành lãi, từ lãi ít chuyển sang lãi nhiều, lãi lớn. Kết quả, các doanh nghiệp này đã buộc phải điều chỉnh giảm lỗ phát sinh và giảm chuyển lỗ tổng số tiền là 2.252 tỷ đồng. Trong đó, giảm lỗ phát sinh 1.870 tỷ đồng, giảm số lỗ được chuyển vào kỳ tính thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra là 335 tỷ đồng. Qua đó, tổng số tiền thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp này tăng lên là 2.599 tỷ đồng.
Trước khi thực hiện cuộc thanh kiểm tra trên, Tổng cục Thuế cũng đã tiến hành tổng rà soát kết quả kinh doanh những năm gần đây đối với 5.531 doanh nghiệp FDI, chiếm khoảng gần 60% số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước. Trong đó, có 3.175 doanh nghiệp có số lỗ luỹ kế đến thời điểm đánh giá, chiếm 57,4%. Đặc biệt, có 529 doanh nghiệp báo cáo lỗ, nhưng vẫn tăng trưởng doanh thu, tập trung vào các ngành: dệt, may, da giày, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, chế biến và bảo quản nông sản, lâm sản, thuỷ sản...
Đáng chú ý là sau đợt thanh tra, Tổng cục Thuế phát hiện có những doanh nghiệp chuyển giá với giá trị lớn và trong thời gian dài, điển hình, như: Keangnam Vina và Hualon Corporation. Sau 5 năm vào Việt Nam, Keangnam Vina báo lỗ liên tục, chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng và bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 95,2 tỷ đồng. Hualon Corporation báo lỗ tới gần 20 năm trong suốt thời gian hoạt động.
Thậm chí, doanh nghiệp này còn kê khai nhập khẩu một bộ dây chuyền dệt vải từ bên liên kết nước ngoài với giá gần 16 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó bộ dây chuyền này được bán cho công ty khác với giá thấp hơn tới 40 lần, khoảng 400.000 USD. Ngoài hai trường hợp điển hình trên, nhiều công ty đa quốc gia tên tuổi đang đầu tư tại Việt Nam, như: Coca Cola, Adidas, Metro, Cash&Carry… cũng đã được ngành thuế Việt Nam đưa vào danh sách những doanh nghiệp FDI có nghi vấn chuyển giá, trốn thuế.
Có thể nói, chuyển giá đã trở thành một hiện tượng phổ biến ở Việt Nam, làm thất thu lớn cho ngân sách nhà nước và gây ra nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có sự quan tâm và phải có những giải pháp thiết thực để kiểm soát hiện tượng này.
Một số kiến nghị
Chống chuyển giá đang gặp rất nhiều khó khăn do các hành vi ngày càng phức tạp, tinh vi. Các doanh nghiệp FDI lớn có những công ty tư vấn tài chính uy tín với những chuyên gia giỏi, có nhiều "kinh nghiệm" về chuyển giá hỗ trợ. Việt Nam đang "trải thảm đỏ" mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài với hàng loạt chính sách ưu đãi thuế hết sức thông thoáng. Trong khi đó, tinh thần tự giác, tự chịu trách nhiệm, khai báo nộp thuế đúng và đầy đủ ở nhiều doanh nghiệp FDI chưa cao. Vì vậy, công tác chống chuyển giá để chống thất thu ngân sách trở thành một vấn đề cấp bách. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin đưa ra một vài kiến nghị trong công tác chống chuyển giá tại Việt Nam:
Thứ nhất, Việt Nam cần hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá. Trong đó, cần tham khảo các chính sách, pháp luật chống chuyển giá của các tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Bên cạnh đó, cần có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan với cơ quan thuế trong hoạt động chống chuyển giá, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.
Trên thế giới, trung bình một cuộc thanh tra chống chuyển giá kéo dài từ 18 tháng đến 24 tháng, đặc biệt có cuộc kéo dài đến 13 năm và không quốc gia nào khống chế thời hạn của một cuộc thanh tra về giá chuyển nhượng. Nhưng tại Việt Nam, thời gian thanh tra dài nhất cũng chỉ được phép trong 70 ngày (theo Luật Thanh tra). Điều này càng gây sức ép cho các cơ quan chức năng trong công tác chống chuyển giá.
Thứ hai, dần dần từng bước thu hẹp và hạn chế tối đa các ưu đãi thuế. Như trên đã phân tích, các chính sách ưu đãi thuế là tiền đề để các doanh nghiệp FDI thực hiện hành vi chuyển giá. Vì vậy, để đạt được các mục tiêu kinh tế, Việt Nam cần cân nhắc chỉ sử dụng ưu đãi thuế trong những trường hợp thấy có lợi hơn so với các hình thức ưu đãi khác, như: trợ cấp, trợ giá, hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng...
Thứ ba, cần có chương trình nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ chống chuyển giá, tạo điều kiện cho họ được sang các nước có kinh nghiệm về chống chuyển giá để học tập; tổ chức những buổi hội thảo về chuyển giá có mời những chuyên gia nước ngoài đến tham dự…
Thứ tư, Việt Nam cần nâng cao ý thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp FDI. Khi các doanh nghiệp FDI thực hiện hành vi chuyển giá, chắc chắn phải có những người am hiểu về thuế, các chính sách về giá để tư vấn cho họ lách luật, trốn thuế. Vì vậy, nâng cao ý thức cho đội ngũ này để họ tư vấn sửa đổi, hoàn thiện chính sách của Nhà nước, thay vì họ tư vấn cho doanh nghiệp nước ngoài lách luật, trốn thuế.
Thứ năm, về phía doanh nghiệp Việt Nam, khi muốn liên doanh với nước ngoài, các doanh nghiệp cần thận trọng trong soạn thảo hợp đồng để bảo vệ quyền lợi của mình. Đồng thời, doanh nghiệp cần thuê các tổ chức thẩm định quốc tế thẩm định giá trị vốn góp của đối tác, tránh tình trạng công ty nước ngoài nâng khống giá trị tài sản của họ./.
Tài liệu tham khảo:
1. Phan Thị Thành Dương (2006). Chống chuyển giá ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 2(33)/2006
2. Phạm Huyền (2013). Danh sách đen chuyển giá: Lộ mặt hàng trăm doanh nghiệp ngoại, truy cập từ http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/145433/danh-sach-den-chuyen-gia--lo-mat-hang-tram-dn-ngoai.html