Giao dịch điện tử về tài sản công: Công cụ nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công
Giao dịch về tài sản công luôn chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng các giao dịch về tài sản của mỗi quốc gia. Quản lý tốt các giao dịch về tài sản công là yêu cầu được đặt ra hàng đầu trong công tác quản lý tài sản công nhằm hướng tới mục tiêu công khai, minh bạch, hiệu quả. Sử dụng các phương tiện điện tử để thực hiện các giao dịch về tài sản công là xu hướng của quản lý tài sản công hiện đại.
Những vấn đề cơ bản liên quan tới giao dịch điện tử về tài sản công
Theo nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế, tổng giá trị tài sản công (TSC) của mỗi quốc gia thông thường có quy mô bằng 4 lần GDP của quốc gia đó, ở Việt Nam con số này có thể lớn hơn. Để phục vụ công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho xã hội, điều hòa TSC giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước, góp phần khai thác nguồn lực tài chính từ TSC, việc thực hiện các giao dịch về TSC là yêu cầu bắt buộc.
Bộ Tài chính có trách nhiệm tổ chức xây dựng, quản lý và vận hành, hướng dẫn sử dụng để thực hiện việc bán TSC, cho thuê TSC, chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác TSC và các giao dịch khác về tài sản.
Giao dịch về TSC có thể được thực hiện trong nội bộ một đơn vị của Nhà nước, có thể giữa các đơn vị của Nhà nước với nhau, có thể diễn ra giữa đơn vị của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân bên ngoài.
Để thực hiện các giao dịch, có thể thông qua các phương thức truyền thống (giao dịch bằng lời nói, giao dịch bằng văn bản) và giao dịch điện tử (GDĐT) đang là xu hướng của nhiều quốc gia nhằm giải quyết vấn đề đầu vào, đầu ra đối với TSC.
GDĐT về TSC là các giao dịch được thực hiện bằng các phương tiện điện tử. GDĐT về TSC có giá trị pháp lý như phương pháp truyền thống. Hệ thống GDĐT về TSC là hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) được tổ chức xây dựng, quản lý và vận hành, hướng dẫn sử dụng để thực hiện các giao dịch về TSC giữa các cơ quan chức năng của Nhà nước và các tổ chức, đơn vị, cá nhân có nhu cầu giao dịch về TSC.
Việc xây dựng, vận hành Hệ thống GDĐT về TSC là hướng đi mới cho công tác quản lý TSC, góp phần tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng TSC. Đây là công cụ hữu hiệu và tiết kiệm để tăng hiệu quả của việc xử lý, khai thác TSC thông qua các hình thức đấu giá, niêm yết giá, bán chỉ định thể hiện ở các chỉ tiêu về tăng tính cạnh tranh, tỷ lệ tiết kiệm cao, giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí đi lại, chi phí tổ chức các phiên đấu giá, chi phí in ấn của bên bán tài sản, cũng như bên mua tài sản. Khi giao dịch TSC qua mạng được áp dụng rộng rãi, chi phí xã hội, chi phí doanh nghiệp sẽ giảm rất lớn.
Người mua, người bán tài sản có cơ hội tiếp cận thông tin liên quan đến tài sản được giao dịch nhanh chóng, có cơ hội tham gia giao dịch ngang bằng nhau thông qua kết nối internet đến Hệ thống GDĐT về TSC, loại bỏ tình trạng tiêu cực trong đấu giá theo phương thức truyền thống, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong công tác xử lý TSC.
Việc xây dựng Hệ thống GDĐT về TSC cũng góp phần quản lý thống nhất thông tin về các giao dịch liên quan đến TSC trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước về TSC; nâng cao khả năng giám sát, thống kê hiệu quả công tác quản lý, sử dụng TSC.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng TSC tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng TSC.
Thực trạng giao dịch điện tử về tài sản công ở Việt Nam
Tuy việc sử dụng phương tiện điện tử thực hiện các giao dịch về TSC mới được áp dụng tại Việt Nam và ở một phạm vi nhất định, nhưng đã đạt được những kết quả bước đầu, tạo tiền đề để phát triển trong thời gian tới. Một số kết quả nổi bật gồm:
Thứ nhất, từng bước tạo lập được hệ thống quy phạm pháp luật để thực hiện GDĐT về TSC, cụ thể:
- Pháp luật về đấu thầu qua mạng (ĐTQM): Luật Đấu thầu năm 2005 đã quy định về hình thức ĐTQM, tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho việc xây dựng mô hình ĐTQM tại Việt Nam.
- Pháp luật về đấu giá tài sản: Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ là cơ sở pháp lý quan trọng quy định cụ thể về hình thức đấu giá trực tuyến, tạo tiền đề cho sự phát triển của đấu giá TSC qua hệ thống mạng internet.
- Pháp luật về quản lý, sử dụng TSC: Luật Quản lý, sử dụng TSC năm 2017, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ, Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính đã quy định Hệ thống GDĐT về TSC là một bộ phận cấu thành của Hệ thống thông tin về TSC.
Theo đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm tổ chức xây dựng, quản lý và vận hành, hướng dẫn sử dụng để thực hiện việc bán TSC, cho thuê TSC, chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác TSC và các giao dịch khác về tài sản. Việc áp dụng Hệ thống GDĐT về TSC để thực hiện các giao dịch được thực hiện theo lộ trình do Thủ tướng Chính phủ quy định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính áp dụng biện pháp xác thực phù hợp để bảo đảm an toàn cho Hệ thống GDĐT về TSC. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có nhu cầu mua, bán, thuê tài sản và các giao dịch khác về tài sản thông qua Hệ thống GDĐT về TSC phải thực hiện đăng ký tham gia Hệ thống theo những trình tự, thủ tục nhất định do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Việc đăng ký tham gia Hệ thống GDĐT về TSC được thực hiện 01 lần duy nhất. Khi thực hiện các giao dịch từ lần thứ hai trở đi, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đã đăng ký tham gia Hệ thống GDĐT về TSC sử dụng tài khoản đã được cơ quan quản lý, vận hành Hệ thống GDĐT về TSC cấp để tham gia các giao dịch trên Hệ thống GDĐT về TSC. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi tham gia Hệ thống GDĐT về TSC phải trả chi phí đăng ký tham gia lần đầu, chi phí duy trì tên và dữ liệu trên Hệ thống GDĐT về TSC và chi phí thực hiện giao dịch theo quy định của Bộ Tài chính.
Thứ hai, đã từng bước triển khai thực hiện các GDĐT về TSC. Việc triển khai áp dụng có hiệu quả ĐTQM đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu thủ tục hành chính. Nhờ các quy trình được điện tử hóa, tài liệu được mẫu hóa, công tác đấu thầu trở nên đơn giản, nhanh chóng, chính xác và thuận tiện hơn.
Đặc biệt, thông qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, các nhà thầu có được môi trường cạnh tranh hoàn toàn bình đẳng, minh bạch. Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là công cụ hiệu quả giúp loại bỏ các tiêu cực, tham nhũng, đồng thời tiết giảm mạnh mẽ chi phí, tiết kiệm ngân sách nhà nước (NSNN), đem lại lợi ích toàn diện cho doanh nghiệp và xã hội trong quá trình đầu tư, mua sắm trang thiết bị TSC.
Đối với các giao dịch khác về TSC, Bộ Tài chính (Cục Quản lý công sản) đang trong quá trình lập Đề án để triển khai Hệ thống GDĐT TSC, sớm đưa vào vận hành để giải quyết tốt khâu sử dụng, khai thác và xử lý TSC như: cho thuê, sử dụng TSC để liên doanh, liên kết, bán, thanh lý, chuyển nhượng TSC và quyền khai thác TSC.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các GDĐT về TSC ở Việt Nam còn có tồn tại một hạn chế, vướng mắc sau:
Một là, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện GDĐT về TSC còn thiếu nhiều nội dung quan trọng như: Hướng dẫn cách thức thực hiện các giao dịch trên Hệ thống; Mức thu, nguồn thu khi tham gia Hệ thống; Quy định các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, thẩm quyền xử phạt đối với cách hành vi vi phạm hành chính khi tham gia giao dịch trên Hệ thống.
Hai là, vệ thống GDĐT về TSC để thực hiện các giao dịch về bán, chuyển nhượng, cho thuê TSC và chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác TSC đã có quy định của pháp luật nhưng mới chỉ dừng ở bước nghiên cứu, xây dựng Đề án.
Ba là, việc đấu giá tài sản qua mạng theo quy định hiện hành khó thành công trong thực tế, tiềm ẩn các rủi ro cho Nhà nước, người có tài sản đấu giá và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua tài sản đấu giá. Từ đó, ảnh hưởng đến sự tin tưởng của chủ tài sản và người tham gia đấu giá tài sản.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tồn tại, hạn chế trên là do:
(i) Cơ sở pháp lý để thực hiện các GDĐT về TSC chưa đủ mạnh để bắt buộc các chủ thể tham gia phải thực hiện. Đấu giá trực tuyến qua internet đã được quy định từ năm 2010 nhưng không mang tính bắt buộc mà là sự lựa chọn, thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá (người sở hữu hoặc có quyền bán tài sản) với tổ chức đấu giá tài sản. Pháp luật về TSC chưa quy định lộ trình áp dụng giao dịch qua mạng.
(ii) GDĐT là phương thức mới khi thực hiện các giao dịch về TSC, việc xây dựng và triển khai thực hiện cần có quá trình biến nhận thức thành hành động. Để triển khai được Hệ thống trong thực tế, bên cạnh việc xây dựng một hệ thống hiện đại, an toàn, đòi hỏi phải có sự đào tạo, tập huấn cho đội ngũ làm nhiệm vụ quản lý, vận hành, sử dụng Hệ thống.
(iii) Các nguồn lực để xây dựng và vận hành Hệ thống GDĐT về TSC còn hạn chế. Khả năng bố trí vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về CNTT và NSNN để thực hiện Dự án xây dựng Hệ thống GDĐT về TSC là rất khó khăn. Nguồn nhân lực thực hiện dự án còn thiếu.
Giải pháp xây dựng, vận hành Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công
Để xây dựng, vận hành hiệu quả hệ thống giao dịch điện tử về TSC, những nội dung sau cần được quan tâm thực hiện:
Về thể chế
Hoàn thiện hệ thống quy định của pháp luật để thực hiện các giao dịch về TSC. Các văn bản cần nghiên cứu xây dựng và ban hành bao gồm: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình thực hiện giao dịch về TSC thông qua Hệ thống GDĐT về TSC; Văn bản của Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện từng giao dịch về TSC trên Hệ thống GDĐT về TSC; Văn bản của Bộ Tài chính quy định mức thu áp dụng cho các giao dịch được thực hiện trên Hệ thống.
Về hạ tầng mạng, bảo mật dữ liệu, máy chủ, máy trạm
- Tận dụng hệ thống hạ tầng mạng sẵn có của Bộ Tài chính, hệ thống bảo mật nhằm đảm bảo kết nối ổn định, tốc độ cao, tăng cường an toàn bảo mật và tối ưu hiệu năng khai thác, sử dụng.
- Hệ thống có các máy chủ tương ứng gồm: Máy chủ ứng dụng, web; Máy chủ cơ sở dữ liệu và máy chủ sao lưu.
- Hệ thống máy trạm cần đáp ứng các yêu cầu sau: (i) Phần cứng (CPU Core i5 trở lên hoặc tương đương; RAM tối thiểu 4GB; Hỗ trợ LAN hoặc Wifi); (ii) Phần mềm (Hệ điều hành Window 7 trở lên; Trình duyệt Microsoft Edge, Microsoft Internet Explorer 11 trở lên, Google Chrome, Mozilla Firefox, Safari).
Về hệ quản trị cơ sở dữ liệu và mô hình ứng dụng
- Ba hệ quản trị cơ sở dữ liệu là MySQL và MongoDB, Oracle được lựa chọn cho dự án xây dựng Hệ thống GDĐT về TSC và trên thực tế cả 3 hệ quản trị cơ sở dữ liệu này đều đủ mạnh để đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của các loại đối tượng người sử dụng. MySQL và MongoDB, Oracle có khả năng quản lý tốt được lượng dữ liệu cực lớn và có các thuật toán nhằm tăng cường và tối ưu hóa tốc độ xử lý dữ liệu.
- Hệ thống GDĐT về TSC được thiết kế với các dịch vụ chính: Cổng thông tin; Đấu giá qua mạng; Niêm yết giá qua mạng; Quản lý người dùng; Danh mục tài sản; Hợp đồng dịch vụ; Thanh toán trực tuyến; Quản lý TSC.
Về lưu trữ, sao lưu và phục hồi dữ liệu
- Hệ thống lưu trữ cần đáp ứng các yêu cầu sau: Có khả năng hỗ trợ cả loại ổ đĩa cứng thông thường HDD, lẫn ổ đĩa tốc độ cao SDD và/hoặc Flash; Có tốc độ đọc/ghi cao đáp ứng yêu cầu truy xuất dữ liệu vào thời điểm cuối năm; Có khả năng nâng cấp, mở rộng, tối thiểu 2 bộ điều khiển hoặc 2 máy chủ lưu trữ hoạt động song song để tăng tính sẵn sàng cao.
- Chức năng sao lưu, phục hồi dữ liệu sau thảm hoạ. Xây dựng hệ thống tách về mặt địa lý riêng biệt có khả năng phục vụ người dùng và tính sẵn sàng cao, trọn vẹn dữ liệu, hệ thống này gồm 02 phân vùng (Phân vùng chính và phân vùng dự phòng). Dữ liệu được sao lưu lên thiết bị sao lưu đặt tại Trung tâm dữ liệu Bộ Tài chính.
Về hình thức đầu tư
Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, việc xây dựng và quản lý vận hành Hệ thống GDĐT về TSC đòi hỏi kinh phí đầu tư về hạ tầng máy chủ, phần mềm ứng dụng tương đối lớn, vì vậy, việc xây dựng Hệ thống GDĐT về TSC theo hình thức đối tác công – tư, đảm cải cách hành chính, công khai, minh bạch, góp phần tiết kiệm cho NSNN; chia sẻ lợi ích, rủi ro là phương án tối ưu hiện nay. Bên cạnh đó, có thể thực hiện theo hình thức thuê dịch vụ CNTT như cách làm của một số hệ thống lớn hiện nay.
Về tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng
Bộ Tài chính (Cục Quản lý công sản): Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến Hệ thống GDĐT về TSC; Chú trọng việc hướng dẫn/tập huấn để các cơ quan, đơn vị có liên quan hiểu và áp dụng Hệ thống một cách đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước; Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc hỗ trợ, hướng dẫn triển khai Hệ thống GDĐT về TSC.
Về kiểm tra, giám sát
Hình thành Cơ quan giám sát thường xuyên của Hệ thống GDĐT về TSC, có sự tham gia của đại diện các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính. Tăng cường công tác kiểm tra việc áp dụng Hệ thống giao dịch về TSC tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị một cách liên tục; Xử lý kịp thời nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong việc không công khai, minh bạch các giao dịch về TSC.
Về nguồn lực thực hiện dự án
Xây dựng Hệ thống GDĐT về TSC theo hình thức đối tác công-tư hoặc thuê dịch vụ CNTT nhằm tránh áp lực đầu tư cho ngân sách. Xây dựng đội ngũ cán bộ CNTT để quản trị, vận hành Hệ thống, có kinh nghiệm, am hiểu Hệ thống để hỗ trợ kịp thời các đơn vị thực hiện các giao dịch của Hệ thống. Nâng cao năng lực cán bộ từ Trung ương đến địa phương về sử dụng Hệ thống GDĐT về TSC.
Lộ trình thực hiện
Kinh nghiệm các quốc gia và thực tế Việt Nam cho thấy, việc xây dựng và vận hành Hệ thống GDĐT về TSC cần có lộ trình thích hợp. Lộ trình đề xuất cụ thể như sau:
Giai đoạn 2021-2023: Tiến hành tổ chức lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Hệ thống GDĐT về TSC (theo hình thức PPP); Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật cho việc thực hiện các GDĐT về TSC; Thí điểm triển khai Hệ thống tại một số bộ, ngành, địa phương; Mục tiêu 10% các giao dịch được thực hiện trên hệ thống.
Giai đoạn 2024 – 2025: Tổng kết, đánh giá giai đoạn thí điểm; Mở rộng triển khai Hệ thống trên phạm vi cả nước; Mục tiêu tối thiểu 30% các giao dịch về TSC được thực hiện trên hệ thống.
Giai đoạn 2025 -2030: Mục tiêu tối thiểu 60% các giao dịch được thực hiện trên hệ thống.
Giai đoạn từ năm 2030 trở đi: Mục tiêu tối thiểu 90% các giao dịch được thực hiện trên hệ thống.
Đề xuất, kiến nghị
Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:
Ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý thực hiện các GDĐT về TSC; Quyết định lộ trình áp dụng Hệ thống GDĐT về TSC để thực hiện các GDĐT về TSC; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc lộ trình đã phê duyệt.
Đối với Bộ Tài chính:
- Trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về chủ trương xây dựng Hệ thống GDĐT về TSC theo hình thức đầu tư phù hợp.
- Thành lập Cơ quan giám sát hoạt động của Hệ thống GDĐT về TSC (hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm).
- Ban hành các thông tư quy định chi tiết về việc truy cập và thực hiện các giao dịch trên hệ thống, các khoản thu khi thực hiện các giao dịch về TSC trên Hệ thống.
- Đào tạo đội ngũ chuyên gia giỏi, có khả năng xây dựng quản lý, vận hành hệ thống an toàn, thông suốt.
- Thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo cho đối tượng liên quan tham gia hệ thống giao dịch.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành;
2. Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 02/11/2016; Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ;
3. Báo cáo chuyên đề “Về công tác Quản lý, sử dụng tài sản công”, Cục Quản lý công sản các năm 2018-2020;
4. Báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, 2019.
(*) TS. Phan Hữu Nghị - Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2021.