Giáo dục quốc tế: Thúc đẩy phát triển giáo dục tại Việt Nam


Việt Nam đã xác định tăng cường hội nhập quốc tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển giáo dục tại Việt Nam.

Sedbergh Vietnam mang đến cho học sinh cơ hội được tiếp cận với chương trình giảng dạy quốc tế của ngôi trường 500 tuổi tại Vương quốc Anh - Ảnh: VGP/NT
Sedbergh Vietnam mang đến cho học sinh cơ hội được tiếp cận với chương trình giảng dạy quốc tế của ngôi trường 500 tuổi tại Vương quốc Anh - Ảnh: VGP/NT

Việt Nam luôn đặt mục tiêu giáo dục là quốc sách hàng đầu và phát triển giáo dục được xác định đóng vai trò là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Theo đó, hội nhập quốc tế sâu rộng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo sẽ giúp kết hợp sức mạnh nội tại của đất nước với sức mạnh thời đại.

Quốc hội Việt Nam cũng đã ban hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung năm 2018 và Luật Giáo dục năm 2019. Hai Luật này là tiền đề để thúc đẩy hợp tác và đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã được tự chủ rất cao về hợp tác quốc tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định quy định về hợp tác và đầu tư với nước ngoài-mở ra nhiều cơ hội để các đối tác nước ngoài hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục. Ví dụ như việc thành lập phân hiệu cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam, việc các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế hoạt động tại Việt Nam…

Ngành giáo dục Việt Nam đã tích cực thúc đẩy hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế như SEAMEO, ASEAN, ASEM, APEC, UNESCO, UNICEF... và đã thu hút được khoảng 500 dự án hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, với tổng số vốn đầu tư trên 4 tỷ USD. Đã có hơn 600 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam với các cơ sở giáo dục đại học của các nước, trong đó có 50 chương trình liên kết đào tạo với Hoa Kỳ.

Như vậy, có thể so sánh nếu giáo dục là nền tảng cốt lõi cho sự phát triển của quốc gia thì các chương trình giảng dạy, đào tạo là bộ phận nòng cốt đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của nền giáo dục, trong đó giáo dục quốc tế là chìa khóa để nâng cao thứ hạng của nền giáo dục Việt Nam trên thế giới cũng như góp phần nâng cao năng lực của học sinh, sinh viên Việt Nam.

Góp phần nâng chuẩn chất lượng giáo dục chung

Các chương trình quốc tế đã góp phần thúc đẩy phát triển giáo dục tại Việt Nam khi tạo cơ hội tiếp cận để học tập các chương trình tiêu chuẩn quốc tế cho học sinh, sinh viên. Không chỉ tiết kiệm chi phí cho học sinh, phụ huynh thay vì phương án đi du học, nâng cao sức cạnh tranh của học sinh, sinh viên Việt Nam khi bước ra thế giới mà quan trọng hơn, lâu dài hơn còn tạo cơ hội học hỏi, phát triển cho các đơn vị giáo dục trong nước để nâng chuẩn chất lượng nền giáo dục.

Thông qua một số hình thức hội nhập quốc tế trong giáo dục có thể kể đến như liên kết đào tạo với nước ngoài (nhiều mô hình liên kết đa dạng như công nhận học phần, chuyển đổi tín chỉ, trao đổi sinh viên…); nghiên cứu khoa học (cho phép các trường chia sẻ tài nguyên và kinh nghiệm của mình với các trường khác trên toàn thế giới); kiểm định quốc tế và xếp hạng quốc tế (một số tổ chức đánh giá kiểm định được quốc tế công nhận như ABET, AQAS, AACSB, CIS, COBIS, WASC hoặc NEASC...); tài trợ quốc tế, liên kết trong đầu tư giáo dục…

Một trong những tập đoàn giáo dục tiên phong quốc tế hóa tại chỗ thông qua việc xây dựng các chương trình hợp tác liên kết quốc tế tại Việt Nam có thể nhắc đến là tập đoàn Giáo dục EQuest (EQuest). 

Trong gần 20 năm qua, EQuest đã mang về hàng chục chương trình đào tạo quốc tế để giảng dạy tại Việt Nam. Các mô hình quốc tế hóa tại chỗ sẽ chứng minh được hiệu quả khi được đầu tư cả về chương trình, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất… Trong hệ thống các trường thành viên cũng có khoảng gần 2.000 học sinh, sinh viên của gần 30 nước trên thế giới theo học các chương trình quốc tế (trực tiếp và trực tuyến); chương trình liên kết; chuyển tiếp đại học và đại học.

Để làm được điều này, không thể chỉ chuẩn bị một sớm một chiều mà phải có một hành trình kiên định theo định hướng hàng chục năm để chọn lựa chương trình/đối tác, chuẩn bị cơ sở vật chất, thu hút nhân lực đa quốc gia, xây dựng chương trình quốc tế hóa phù hợp với nhu cầu, khả năng của người Việt. Cho đến nay, EQuest là tập đoàn giáo dục đầu tiên có được hệ sinh thái giáo dục quốc tế đầy đủ và phong phú như vậy.

Tăng năng lực cho học sinh, sinh viên

Động lực thúc đẩy các hoạt động quốc tế hóa chương trình giảng dạy là do nhu cầu mạnh mẽ về nguồn nhân lực trình độ cao, có khả năng ngoại ngữ, kỹ năng quốc tế ở trong nước, do sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức toàn cầu cùng với sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Do đó, thúc đẩy giáo dục quốc tế không chỉ tạo cơ hội để học sinh có thể tiếp cận với nhiều môn học, phương pháp giảng dạy quốc tế mà còn nâng cao năng lực cho người học, từ đó nâng cao vị thế và trình độ cho học sinh, sinh viên của Việt Nam trên trường quốc tế, hướng đến một nền giáo dục toàn diện cho học sinh Việt Nam.

Về hình thức liên kết, các cơ sở giáo dục Việt Nam đã có sự tham gia tích cực vào nhiều khâu từ thiết kế chương trình, tổ chức giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi giảng viên, sinh viên…

Học sinh học các trường quốc tế tại Việt Nam sẽ sẵn sàng trở thành các công dân toàn cầu khi được học 100% chương trình bằng tiếng Anh, tốt nghiệp với tấm bằng phổ thông được công nhận trên toàn thế giới, lợi thế rất lớn nếu các bạn muốn cạnh tranh vào các trường đại học top đầu.

Đối với khối phổ thông, học sinh Việt Nam đã có thể theo học các chương trình phổ thông và nhận bằng quốc tế như Tú tài quốc tế (IBDP), Tú tài Mỹ (ADP), A-Levels, IGCSE… mà không cần phải đi du học. Một số trường quốc tế đang triển khai rất hiệu quả mô hình này như Trường Quốc tế Canada CIS-dạy tú tài Canada (SSD) và tú tài quốc tế (IBDP), Sedbergh Vietnam-BCIS dạy chương trình Cambridge nhận bằng IGCSE và A-Levels… hoặc có thể theo học trực tuyến như Trường Quốc tế Mỹ trực tuyến Ivy Global School hay nhận bằng tú tài Mỹ khi học tại St.Nicholas Đà Nẵng. Học sinh có nhu cầu du học cũng có thể tham gia các khóa đào tạo, tư vấn “săn” học bổng với IvyPrep Education.

Sự đa dạng sẽ giúp phụ huynh và học sinh có nhiều lựa chọn học tập, tùy theo năng lực, nhu cầu và khả năng tài chính.

Tạo cơ hội “du học tại chỗ” ngay tại Việt Nam

Việt Nam hiện có khoảng gần 200.000 du học sinh đang học tập ở các nước, trong đó tập trung ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển hàng đầu như Mỹ, Anh, Australia… Ngoài ra, nhiều sinh viên quốc tế đã đến Việt Nam theo học. Đây là tín hiệu đáng mừng thể hiện sự phát triển của ngành giáo dục nước ta.

Thông qua các chương trình đào tạo quốc tế đang được nhiều cơ sở giáo dục triển khai tại Việt Nam, không chỉ sinh viên Việt Nam mà nhiều sinh viên ở các nước trong khu vực như Lào, Malaysia, Myanmar… đã có cơ hội được học tập và tiếp cận với hệ thống giáo dục tiên tiến trên thế giới, sở hữu tấm bằng danh giá của các trường đại học uy tín tại các quốc gia này với chi phí tiết kiệm rất nhiều so với việc du học truyền thống.

Học sinh có thể lựa chọn các chương trình đại học quốc tế ngay tại Việt Nam hoặc các chương trình 2+2 (2 năm đầu học tại Việt Nam, 2 năm tiếp theo được tiếp cận nền giáo dục tiên tiến và hiện đại.). 

Như tại Trường Kinh doanh Sài Gòn (Saigon Business School), sinh viên đại học và sau đại học các ngành quản trị kinh doanh, marketing và khoa học dữ liệu… có thể chọn học 2 năm đầu tại Việt Nam hay chuyển tiếp học 1-2 năm tại các trường đại học trong top 3% thế giới như Northampton Anh Quốc, Macquarie Australia, Canada West... Do đó, dù học tập tại Việt Nam, nhưng văn bằng sẽ do đối tác nước ngoài cấp, được Bộ GD&ĐT Việt Nam công nhận và sẽ không có khác biệt gì so với tấm bằng đại học của một sinh viên tốt nghiệp tại các nước đó.

Đồng thời, khi triển khai các chương trình quốc tế sẽ có cơ hội thu hút các giảng viên, nhà khoa học đến Việt Nam học tập và giảng dạy từ đó tạo ra sự giao thoa về học thuật, chuyên môn giữa các giảng viên quốc tế và Việt Nam góp phần nâng cao hơn nữa trình độ năng lực của giảng viên Việt Nam cũng như học sinh sinh viên Việt Nam.

Trong giai đoạn 2015-2020, đã có khoảng 15.000 lượt giảng viên, chuyên gia, tình nguyện viên đến tham gia trao đổi học thuật, giảng dạy và nghiên cứu ngắn hạn, dài hạn tại các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu của Việt Nam. Đơn cử như EQuest, có hơn 500 cán bộ, nhân viên, giáo viên đến từ gần 20 quốc gia khác nhau đang công tác tại đây. Nhiều người trong số này còn đang nắm giữ các vị trí quản lý chủ chốt của Tập đoàn này và các đơn vị thành viên của họ.

Quốc tế hóa giáo dục là xu thế phát triển chung của các trường trên thế giới và Việt Nam. Tại Việt Nam, nhiều hình thức hợp tác đã và đang làm thay đổi bức tranh về đào tạo và giáo dục, góp phần làm cho quá trình hội nhập quốc tế của giáo dục Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Trong tiến trình này có sự tham gia và đóng góp rất lớn của các tổ chức giáo dục tư nhân, giúp học sinh sinh viên có cơ hội trải nghiệm học tập toàn cầu, thúc đẩy quá trình hội nhập và tăng cơ hội việc làm cho sinh viên Việt Nam.

TS. Ngô Văn Tuấn - Đại học Ngân Hàng TPHCM/ baochinhphu.vn