Giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Việc đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước hiện nay về dạy nghề rất quan trọng. Trong đó cần giao quyền tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở này quyết định chương trình và thời gian đào tạo; công tác tuyển sinh; nghiên cứu khoa học, sản xuất - kinh doanh; công tác tổ chức, nhân sự và tài chính... Đây chính là ý kiến nhiều chuyên gia tại Hội thảo Tăng cường phân luồng học nghề sau trung học do Viện Nghiên cứu khoa học Dạy nghề tổ chức.

Giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Bất cập trong công tác dạy nghề hiện nay.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu khoa học Dạy nghề, tính đến hết tháng 11/2013, cả nước có 1.337 cơ sở dạy nghề, bao gồm 159 trường cao đẳng nghề, 305 trường trung cấp nghề và 873 trung tâm dạy nghề, tăng 1,5 lần so với năm 2006. Mô hình hoạt động và loại hình sở hữu của các cơ sở dạy nghề cũng được đa dạng hóa. Bên cạnh các cơ sở dạy nghề công lập còn có các cơ sở dạy nghề thuộc các doanh nghiệp nhà nước và các cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Ngoài ra còn có hơn 1.000 cơ sở khác như cơ sở giáo dục - đào tạo, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất… có tham gia dạy nghề.
 
Phát triển về số lượng cơ sở dạy nghề là một điểm nổi bật thời gian qua. Tuy nhiên,  công tác quy hoạch mạng lưới trên đã bộc lộ một số hạn chế khi chưa tính đến các cơ sở dạy nghề ngoài công lập, địa bàn. Điều này dẫn tới tình trạng các cơ sở dạy nghề chủ yếu vẫn tập trung tại các khu vực đô thị, thành phố lớn. Việc quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề của nhiều bộ, ngành, địa phương cũng chưa có sự gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển KT - XH của quốc gia, của từng địa phương, bộ, ngành cũng như với nhu cầu của xã hội. Những nghề mang tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số nghề đặc thù như các nghề hàn, cắt gọt kim loại, các nghề mỏ, hầm lò... hầu như rất khó thu hút người học trong khi thị trường lao động có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực kỹ thuật có tay nghề ở các nghề này.
 
Vấn đề cơ chế tổ chức hoạt động của các cơ sở dạy nghề cần được đổi mới và hoàn thiện hành lang pháp lý. Theo các chuyên gia về dạy nghề thì cơ chế hoạt động, loại hình sở hữu đối với các cơ sở dạy nghề thuộc doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đã được cổ phần hóa còn chưa rõ ràng. Bởi thực tế cơ chế hoạt động của doanh nghiệp là vì mục tiêu lợi nhuận trong khi cơ sở dạy nghề là đơn vị sự nghiệp có thu với mục tiêu phục vụ lợi ích công là chính cho nên nảy sinh nhiều bất hợp lý, hạn chế trong tổ chức và hoạt động. Đầu tư cho hoạt động dạy nghề đã được quan tâm song giá trị đầu tư còn thấp, phương thức đầu tư còn dàn trải, công tác xã hội hóa dạy nghề còn gặp nhiều khó khăn. Đây cũng chính là nút thắt cần sớm được tháo gỡ.

Giải pháp nào cho chiến lược dạy nghề ?
 
Theo TS. Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, để giải quyết tận gốc bất hợp lý trong công tác dạy nghề hiện nay cần có các giải pháp về đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương về lợi ích của việc dạy nghề và phân luồng học sinh sau trung học. Theo đó, các cơ quan chức năng, các địa phương, nhất là ngành Giáo dục và ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, phối hợp với ngành Tuyên giáo và các đoàn thể nhân dân làm tốt công tác thông tin tuyên truyền bảo đảm mọi người dễ dàng tiếp cận với các loại thông tin về dạy nghề và nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội.
 
Ông Hưng cũng cho rằng, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân tích cực tham gia giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi đối tượng, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề. Cùng với đó cần đổi mới chính sách, cơ chế hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề theo hướng nhà nước cấp trực tiếp cho người học, tránh tình trạng nhà nước “rót vốn” cho cơ sở đào tạo không bảo đảm chất lượng; sử dụng có hiệu quả nguồn hỗ trợ của xã hội và các tổ chức nước ngoài cho công tác giáo dục nghề nghiệp.
 
Vấn đề dạy nghề hiện nay đang tồn tại vương mắc cả trong quản lý nhà nước, cả trong tổ chức hoạt động của cơ sở dạy nghề. Theo ý kiến nhiều chuyên gia, quản lý nhà nước nên tập trung xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dạy nghề; hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách về dạy nghề và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Cơ quan quản lý nhà nước không làm thay công tác quản trị của các cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, việc tăng cường phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho các bộ, ngành và các địa phương sẽ giúp nâng cao trách nhiệm và phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của các cấp, các ngành.

Mặt khác cần mạnh dạn giao quyền tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở này quyết định chương trình và thời gian đào tạo; công tác tuyển sinh; nghiên cứu khoa học, sản xuất - kinh doanh; công tác tổ chức, nhân sự và tài chính. Tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng, của các đoàn thể, đặc biệt là các hội nghề nghiệp đối với hoạt động dạy nghề, bảo đảm dạy nghề đáp ứng nhu cầu xã hội. Có như vậy, công tác dạy nghề mới ngày càng đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.