Giữ an toàn cho các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi

Theo Kiều Phi/daibieunhandan.vn

Trong bối cảnh cả nước nỗ lực thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, khắc phục khó khăn do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chủ động triển khai các hoạt động nghiệp vụ, vừa phòng chống dịch, vừa giữ an toàn cho các tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi cũng như sự an toàn của toàn hệ thống ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chủ động triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi 

Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ được giao là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Hiện tại, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ cho hơn 5,7 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.282 tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chủ động triển khai linh hoạt, có hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ như giám sát thường xuyên, liên tục và kiểm tra định kỳ đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Theo đó, tính đến ngày 31/3, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện kiểm tra đối với 42 tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi, đạt 11,8% kế hoạch đề ra. Hiện nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang tích cực phối hợp với cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng triển khai kế hoạch kiểm tra đối với 35 quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trước đó, đầu năm 2021, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã phối hợp tuyên truyền chính sách Bảo hiểm tiền gửi tại Đại hội thường niên của 65 quỹ tín dụng nhân dân, mang chính sách bảo hiểm tiền gửi tiếp cận đến khoảng 7.000 người gửi tiền.

Để tiếp tục bổ sung cho Quỹ dự phòng nghiệp vụ, nâng cao năng lực tài chính, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã xây dựng và triển khai các phương án đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, bảo đảm an toàn và phát triển vốn.

Đến hết quý I, tổng tài sản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đạt hơn 72 nghìn tỷ đồng; quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 67 nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn lực để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ được giao cũng như tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Trong năm 2020, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm được công bố để lấy ý kiến góp ý. Theo đó, hạn mức dự kiến là 125 triệu đồng, có thể bảo vệ toàn bộ 90,94% người gửi tiền. Dù tăng hạn mức, phí bảo hiểm tiền gửi vẫn được giữ nguyên, nhằm tránh tạo áp lực tài chính lên các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu tác động từ đại dịch Covid-19.

Hạn mức trả tiền bảo hiểm được điều chỉnh tăng sẽ mang tới mức độ bảo vệ cao hơn đối với người gửi tiền. Cùng với đó, một việc không kém phần quan trọng là nâng cao hiệu quả hoạt động Bảo hiểm tiền gửi thông qua đổi mới, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật, hành lang pháp lý về bảo hiểm tiền gửi, cụ thể là sửa Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Theo đó, Luật Bảo hiểm tiền gửi (sửa đổi) cần theo hướng để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, hướng tới các thông lệ quốc tế; tăng cường năng lực tài chính cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu; nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi phù hợp với yêu cầu thực tế, nhằm nâng cao niềm tin của người dân vào hệ thống tổ chức tín dụng.