Sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm tăng cường vai trò của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam

PH.

Sau gần 10 năm ban hành, Luật Bảo hiểm tiền gửi đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hiểm tiền gửi, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, từ đó nâng cao vị thế của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Nhưng Luật bảo hiểm tiền gửi cần phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới, sự thay đổi của hệ thống pháp luật hiện hành cũng như yêu cầu hội nhập.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Từ khi mới thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam, cơ sở pháp lý cao nhất, trực tiếp điều chỉnh hoạt động bảo hiểm tiền gửi là Nghị định số 89/1999/NĐ-CP. Sau 5 năm hoạt động, cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi tiếp tục được củng cố bằng Nghị định số 109/2005/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/1999/NĐ-CP.

Năm 2012, Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13 được thông qua, đánh dấu bước tiến lớn cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam; đồng thời quy định rõ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Đây là văn bản pháp lý cao nhất và toàn diện nhất về bảo hiểm tiền gửi.

Ngay sau khi Luật bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực, các văn bản dưới Luật cũng đã được ban hành, quy định những vấn đề cụ thể để triển khai Luật, tạo nên khung pháp lý cho hoạt động của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Mục tiêu hoạt động của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng và bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Đây là những mục tiêu khái quát, tiến bộ, phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Trên cơ sở các quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã triển khai hiệu quả các nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi và từng bước tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng bước đầu triển khai thực hiện các nhiệm vụ mới được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng triển khai có hiệu quả Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm. Thực hiện giám sát 100% các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm kịp thời phát hiện và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý những vi phạm quy định về an toàn hoạt động, rủi ro gây mất an toàn hệ thống ngân hàng.

Tăng cường kiểm tra các tổ chức tín dụng có vấn đề trên cơ sở kết quả giám sát; nâng cao hiệu quả công tác theo dõi và kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi, tập trung kiểm tra về tiền gửi được bảo hiểm tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; thực hiện kiểm tra theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi có yêu cầu.

Tuy nhiên, để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, cần tăng cường năng lực, trao thêm quyền hạn cho bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi để tạo cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, gắn với xử lý nợ xấu. Trong đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.

Tổ chức bảo hiểm tiền gửi chỉ thật sự phát huy hiệu quả trong việc tái cơ cấu và giữ ổn định hệ thống tổ chức tín dụng khi được trao quyền can thiệp đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và có một cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan giám sát ngân hàng khác.

Một trong những điều kiện để thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng hiệu quả là cần đảm bảo hệ thống bảo hiểm tiền gửi có đủ năng lực tài chính hoặc cần có khả năng tăng vốn một cách nhanh chóng. Do đó, cần bổ sung quy định bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia xử lý, can thiệp sớm, đặc biệt đối với các quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt thông qua các hình thức như: tiếp quản trực tiếp, tham gia quản trị hoặc góp vốn để chi phối hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân…

Theo thông lệ quốc tế, để thực hiện mục đích tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém, tùy vào mô hình hoạt động và quyền hạn được quy định, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể sử dụng một số biện pháp như: Hỗ trợ tài chính, mua lại và tiếp nhận nợ, sử dụng ngân hàng bắc cầu, sáp nhập và mua bán, chi trả bảo hiểm…

Có thể nói, việc sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm tiền gửi là cấp thiết để Luật được triển khai hiệu quả trong thực tiễn, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; đồng thời tạo nền tảng pháp lý cho bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy vai trò trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, trước mắt là tập trung đối với quỹ tín dụng nhân dân để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền.