Quy định mới về bảo hiểm tiền gửi và những vấn đề trao đổi

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 7/2020

Ngày 01/4/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 20/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 312/2016/TT-BTC ngày 24/11/2016 của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính đối với bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Có hiệu lực từ ngày 20/5/2020, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung 12 khoản, điều của Thông tư số 312/2016/TT-BTC, Bộ Tài chính đã bổ sung mới 2 điều vào thông tư hướng dẫn bao gồm: xử lý tổn thất trong trường hợp cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; công bố thông tin doanh nghiệp. Bài viết này phân tích, bình luận cụ thể những quy định mới và đạo lý của việc sửa đổi bổ sung.

Khái quát về bảo hiểm tiền gửi

Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG), BHTG là sự đảm bảo hoàn trả tiền cho người được bảo hiểm trong hạn mức trả tiền của bảo hiểm. Khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả cho người gửi tiền hoặc phá sản. Theo Hiệp hội BHTG Quốc tế, BHTG được hiểu là một hệ thống được thiết lập để bảo vệ người gửi tiền khỏi những tổn thất về tiền gửi được bảo hiểm của họ trong trường hợp tổ chức nhận tiền gửi không thể hoàn thành các nghĩa vụ nợ theo cam kết đối với người gửi tiền.

Như vậy, BHTG là một cam kết công khai của tổ chức BHTG về việc sẽ hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền gửi được bảo hiểm (bao gồm cả gốc và lãi) cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG được cơ quan chức năng xác định là mất khả năng thanh toán hoặc chấm dứt hoạt động. Tùy thuộc vào mỗi quốc gia xây dựng chính sách phù hợp nhằm hướng đến một hay nhiều mục tiêu khác nhau và tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể trong mỗi thời kỳ.

Tuy nhiên, có thể chia mục tiêu chung của BHTG thành 3 nhóm: (i) Bảo vệ người gửi tiền, đối tượng có những hạn chế nhất định trong việc tiếp cận thông tin về điều hành và tình hình hoạt động của các tổ chức nhận tiền gửi; (ii) Góp phần ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD); (iii) Thực hiện các mục tiêu khác như góp phần xây dựng một thị trường có tính cạnh tranh và bình đẳng cho các tổ chức nhận tiền gửi có quy mô và trình độ phát triển khác nhau; giúp tạo điều kiện quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của người gửi tiền, tổ chức nhận tiền gửi, Chính phủ; giảm chi phí xử lý đổ vỡ ngân hàng và giảm thiểu gánh nặng tài chính cho người đóng thuế trong trường hợp có ngân hàng đổ vỡ.

Tại Việt Nam, hoạt động BHTG công khai đã được khởi đầu bằng Quyết định số 101/TCQĐ-BH ngày 1/2/1994 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, hoạt động BHTG trong giai đoạn này phát triển chậm và bộc lộ nhiều hạn chế, không đảm bảo các yếu tố quyết định đến thành công đối với BHTG trong hoàn cảnh cụ thể. Đến cuối năm 1999, cơ chế BHTG được triển khai với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 về BHTG và Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg về việc lập BHTG Việt Nam.

Đối với người gửi tiền, hoạt động của BHTG Việt Nam góp phần củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống các TCTD, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống các TCTD phát triển lành mạnh, an toàn và huy động vốn tiền gửi cho đầu tư phát triển, từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển bền vững.

Bổ sung quy định chế độ tài chính đối với bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

Những năm gần đây, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề cơ cấu lại TCTD yếu kém, điều này được thể hiện qua các văn bản như: Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015”; Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”… Đặc biệt, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD… trong đó, quy định bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Việt Nam được phép tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, được thực hiện hoạt động mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ và cho vay đặc biệt đối với các TCTD được kiểm soát đặc biệt. Các nhiệm vụ này sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng vốn, thu nhập, chi phí của BHTG Việt Nam. Trên cơ sở các quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 20/2020/TT-BTC ngày 1/4/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 312/2016/TT-BTC ngày 24/11/2016 của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính đối với BHTG Việt Nam.

Tại Thông tư số 20/2020/TT-BTC đã sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thêm hai nghiệp vụ mới cho BHTG Việt Nam về nguồn vốn và cơ chế xử lý tổn thất khi xảy ra rủi ro về hoạt động cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; và hoạt động mua bán trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD ngày 20/11/2017.

Đối với nhiệm vụ cho vay đặc biệt của các TCTD được kiểm soát đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD quy định BHTG Việt Nam được cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% từ Quỹ Dự phòng nghiệp vụ và cho phép BHTG Việt Nam được hạch toán giảm Quỹ Dự phòng nghiệp vụ để xử lý số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được. Thông tư số 20/2020/TT-BTC đã cụ thể về thu nhập từ các khoản cho vay đặc biệt đối với các TCTD được kiểm soát đặc biệt, BHTG Việt Nam được sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Dự phòng nghiệp vụ để thực hiện hoạt động nghiệp vụ này và phải đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến khả năng chi trả BHTG cho người gửi tiền, đồng thời phải theo dõi chặt chẽ, chi tiết khoản cho vay, đôn đốc thu hồi nợ để giảm thiểu rủi ro mất vốn. BHTG Việt Nam không thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với các khoản cho vay đặc biệt.

Số lãi thu được từ cho vay đặc biệt được đưa vào Quỹ Dự phòng nghiệp vụ mà không đưa vào thu nhập cho BHTG Việt Nam, nhằm bù đắp các tổn thất không thu hồi được vốn cho vay đặc biệt. Trường hợp khoản thu lãi này không đủ bù đắp tổn thất, thì BHTG Việt Nam báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam xem xét, quyết định sử dụng Quỹ Dự phòng nghiệp vụ để bù đắp theo quy định của pháp luật (đặc biệt, không phải thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với các khoản cho vay đặc biệt này).

Đối với nhiệm vụ mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD quy định BHTG Việt Nam được mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ theo quyết định của NHNN, nhưng không quy định cụ thể nguồn vốn sử dụng và xử lý rủi ro trong việc mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ này. Vì vậy, Thông tư số 20/2020/TT-BTC đưa ra quy định về nguồn vốn và cơ chế xử lý tổn thất khi xảy ra rủi ro hoạt động mua bán trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ, BHTG Việt Nam được sử dụng nguồn vốn hoạt động (nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi) để mua trái phiếu chính phủ, trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ theo quyết định của NHNN Việt Nam, mua bán tín phiếu NHNN Việt Nam và gửi tiền tại NHNN Việt Nam.

Thông tư số 20/2020/TT-BTC bổ sung quy định về quỹ dự phòng nghiệp vụ được sử dụng để: Chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền theo quy định của pháp luật về BHTG. Trong trường hợp Quỹ Dự phòng nghiệp vụ không đủ để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền, BHTG Việt Nam được: Tiếp nhận hỗ trợ vay của TCTD theo quy định của Luật BHTG và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Khi bán trái phiếu chính phủ, trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ, tín phiếu NHNN để chi trả bảo hiểm tiền gửi, phần chênh lệch giữa giá bán và giá vốn của trái phiếu chính phủ, trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ, tín phiếu NHNN được hạch toán vào Quỹ Dự phòng nghiệp vụ.

Trường hợp khi xảy ra tổn thất, sẽ được sử dụng nguồn từ khoản trích lập dự phòng rủi ro theo quy định để bù đắp tổn thất (nếu khoản dự phòng này không đủ thì sử dụng chi phí hoạt động để bù đắp). BHTG Việt Nam phải trích lập dự phòng rủi ro cho hoạt động nghiệp vụ này theo quy định của pháp luật về trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại DN.

Bên cạnh đó, Thông tư quy định, số lãi thu từ hoạt động này được đưa vào thu nhập của BHTG Việt Nam. Đồng thời, yêu cầu hàng năm, BHTG Việt Nam xây dựng mức trích từ nguồn thu hoạt động đầu tư vốn hoạt động để hạch toán vào thu nhập phù hợp với tình hình hoạt động và năm tài chính của BHTG Việt Nam và gửi Bộ Tài chính trước ngày 15/1 năm kế hoạch (thời gian cũ là trước ngày 30/10 năm trước năm kế hoạch), kèm theo phương án sử dụng vốn, dự kiến thu nhập, chi phí và các tài liệu khác có liên quan. Trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN xác định mức cụ thể trích cho năm kế hoạch cho BHTG Việt Nam. Mức trích được xác định theo nguyên tắc đảm bảo để BHTG Việt Nam bù đắp chi phí hoạt động nghiệp vụ và trích lập các quỹ theo quy định.

Ngoài ra, Thông tư số 20/2020/TT-BTC đã sửa đổi lại, bổ sung những quy định trước đây cho phù hợp với tình hình hiện nay như: Việc đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại DN đối với BHTG Việt Nam làm căn cứ để trích lập các quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ thưởng người quản lý thực hiện theo quy định của pháp luật đối với Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện rà soát kế hoạch tài chính. Trên cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Tài chính, NHNN giao các chỉ tiêu kế hoạch tài chính và các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại cho BHTG Việt Nam trước ngày 30/4 năm kế hoạch.

Các chỉ tiêu kế hoạch tài chính bao gồm: Tổng thu nhập trừ tổng chi phí chưa có lương; Chi công tác phí cho cán bộ đi công tác nước ngoài; Chi nghiên cứu khoa học; Chi đào tạo và tập huấn cán bộ; Chi thuê chuyên gia trong và ngoài nước. Trong quá trình thực hiện kế hoạch tài chính, trường hợp không thực hiện được các chỉ tiêu tài chính được NHNN giao, BHTG Việt Nam phải có văn bản đề nghị điều chỉnh gửi NHNN và chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của NHNN (sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính). NHNN chịu trách nhiệm về quyết định điều chỉnh kế hoạch tài chính của BHTG Việt Nam.

Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại BHTG Việt Nam thực hiện theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào DN; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DN nhà nước và DN có vốn nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, hướng dẫn (nếu có). Các chỉ tiêu đánh giá này không được điều chỉnh trong suốt kỳ thực hiện kế hoạch (trừ các trường hợp bất khả kháng lớn).

BHTG Việt Nam thực hiện báo cáo dưới hình thức văn bản giấy và được gửi đến Bộ Tài chính, NHNN bằng một trong các phương thức gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính. BHTG Việt Nam phải thực hiện công bố thông tin theo quy định của pháp luật về BHTG và pháp luật về công bố thông tin của DN nhà nước.

Như vậy, Thông tư số 20/2020/TT-BTC đã hướng dẫn cơ chế tài chính đối với hai hoạt động nghiệp vụ mới cho BHTG Việt Nam được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD ngày 20/11/2017. Điều này sẽ giúp BHTG Việt Nam triển khai thực hiện nhiệm vụ được thuận lợi hơn.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2017), Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng;

2. Chính phủ (2015), Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp;

3. Bộ Tài chính (2020), Thông tư số 20/2020, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 312/2016/TT-BTC ngày 24/11/2016 của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;

4. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 312/2016/TT-BTC, quy định chế độ tài chính đối với bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.