Giữ chân dòng vốn ngoại

Theo Đầu tư Chứng khoán

Ngày 23 và 24/10 tới, Ngân hàng Bản Việt, CTCK Bản Việt, Công ty Quản lý quỹ Bản Việt sẽ tổ chức Diễn đàn kết nối cơ hội đầu tư - Vietnam Access Day, với gần 200 khách mời bao gồm các tổ chức và NĐT quốc tế. Trước thềm sự kiện này, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Tô Hải, Tổng giám đốc CTCK Bản Việt.

Thưa ông, tại sao Bản Việt quyết định tổ chức Diễn đàn kết nối cơ hội đầu tư ở thời điểm hiện nay?

Giai đoạn 2006 - 2007, các hội nghị, hội thảo đầu tư về Việt Nam mang tầm vóc quốc tế xuất hiện dày đặc. Không phải ngẫu nhiên mà giai đoạn đó Việt Nam trở thành địa chỉ thu hút vốn đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu và một số bất ổn phát sinh, từ năm 2008, các hoạt động này được tổ chức thưa dần.

Hiện nay, giới đầu tư quốc tế không hẳn không quan tâm tới Việt Nam , nhưng họ thiếu và bị gián đoạn thông tin. Các định chế tài chính quốc tế không thể bỏ vốn vào một thị trường mà không tiên liệu được các rủi ro hay mù mờ về con đường kinh tế quốc gia đó sẽ trải qua trong vài năm tới. Muốn đưa Việt Nam trở lại danh sách đầu tư của các NĐT quốc tế, lẽ dĩ nhiên phải cung cấp cho họ những thông tin cập nhật, tổ chức gặp gỡ, tiếp cận với doanh nghiệp Việt Nam thuộc các lĩnh vực mà họ quan tâm, đánh giá cao. Dù mới ở tầm sự kiện doanh nghiệp, nhưng Diễn đàn kết nối cơ hội đầu tư Vietnam Access Day được tổ chức là nhắm tới các mục tiêu này.

Ông đánh giá vai trò của dòng vốn ngoại như thế nào trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam ?

Nếu ví von Việt Nam là một đại công ty, thì nên nhìn thẳng vào vấn đề là thời gian gần đây, đại công ty này hoạt động kém hiệu quả: nợ xấu có khả năng mất vốn trong khối ngân hàng tăng cao, các DN nội địa rơi vào cảnh nợ nần, sản xuất đình đốn, tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại…

Một công ty có bức tranh tài chính không lành mạnh, kinh doanh kém hiệu quả, thậm chí đối diện với khả năng thua lỗ, mất vốn, thì tất yếu phải tái cơ cấu. Bên cạnh mổ xẻ các thất bại trong quá khứ để phát triển lành mạnh, việc tất yếu để đại công ty đó mạnh khỏe trở lại phải được tiếp sức bằng các nguồn lực mới. Thời gian qua, nguồn tích lũy nội địa còn hạn chế, một phần bị suy yếu thêm vì khủng hoảng kéo dài. Khi nội lực hạn chế, thì dòng vốn quốc tế có thể gánh vác sứ mệnh quan trọng, vốn ngoại có thể đóng vai trò chất xúc tác đưa kinh tế Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao trong giai đoạn tái cơ cấu.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại có thể thấy, nhiều NĐT nước ngoài không thực sự thành công ở Việt Nam . Tại sao?

Các định chế tài chính hoạt động ở Việt Nam , một số đã có bề dày hàng trăm năm phát triển. Họ “chinh chiến” ở khắp các thị trường, không thể nói là thiếu kinh nghiệm. Nhưng phải thừa nhận một sự thật rằng, đa số NĐT nước ngoài không thực sự thành công ở thị trường Việt Nam .

Theo tôi, có một số lý do chủ quan và khách quan.

Thứ nhất, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam được xem là “ngôi sao đang lên”, giới đầu tư quốc tế sợ cảnh “trâu chậm uống nước đục” nên không có đủ thời gian để xem xét, cân nhắc từng khoản đầu tư vào Việt Nam.

Thứ hai, khi tên tuổi Việt Nam trở thành “thỏi nam châm” thu hút vốn đầu tư quốc tế, thì các nhà quản lý quỹ huy động vốn khá dễ dàng. Các NĐT đều muốn, thậm chí gây áp lực để trong danh mục đầu tư của quỹ phải có tài sản tại Việt Nam . Huy động vốn dễ dàng, nên giải ngân cũng dễ, dẫn đến xuất hiện không ít khoản đầu tư chỉ ở tầm “cưỡi ngựa xem hoa”. Sau này, họ mắc kẹt không rút vốn kịp và thua lỗ.

Thứ ba, cuộc khủng hoảng vừa qua càn quét mọi ngõ ngách trên thế giới, nên các quỹ đầu tư khắp nơi thua lỗ, chứ không riêng gì NĐT nước ngoài ở Việt Nam .

Trước các mất mát này, liệu có dễ thuyết phục NĐT nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Việt Nam , thưa ông?

Khá nhiều quỹ đầu tư mua cổ phần của Vinamilk ngay khi công ty sữa này có quy mô còn khiêm tốn. Tuy nhiên, giờ đây, Vinamilk có giá trị thị trường lên tới 3 tỷ USD, các khoản đầu tư này tăng trưởng cả chục lần. Ví dụ này cho thấy, chọn đúng công ty để đầu tư vẫn có thể vượt qua các bất ổn và khủng hoảng mang tính hệ thống. Các khoản đầu tư thua lỗ của NĐT nước ngoài không phải là chọn sai quốc gia, mà chủ yếu chọn sai công ty.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, nhiều ý kiến cho rằng, giới đầu tư quốc tế sẽ không bao giờ quay lại Indonesia , nhưng sự thật sau đó khác hẳn. Hiện nay, quốc gia đông dân nhất trong khối ASEAN này vẫn trở thành điểm đến ưa thích của giới đầu tư quốc tế. Kịch bản sẽ không khác dành cho Việt Nam trong thời gian tới.

Cơ sở nào để ông tự tin như vậy?

Qua tiếp xúc với các NĐT nước ngoài, tôi thấy họ nhìn nhận Việt Nam hay Indonesia có những thế mạnh tương tự như nhau. Các điểm cộng này không thay đổi theo thời gian hay phụ thuộc vào những thăng trầm của chu kỳ kinh tế, đó là: cơ cấu dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào, thị trường tiêu dùng rộng lớn với xấp xỉ 90 triệu dân… Vì vậy, các ngành nghề hấp dẫn sẽ nằm ở lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ, y tế và dịch vụ y tế và một số phân khúc của ngành nông nghiệp, truyền thông và công nghệ thông tin. Tại Vietnam Access Day sắp tới, các diễn giả và khách mời sẽ chia sẻ với NĐT về tiềm năng và cơ hội trong các lĩnh vực này.