Giữ mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong 2016
6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 82,2 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù số tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn được xem là mức tăng trưởng tích cực của Việt Nam trước bối cảnh một loạt các nước tăng thấp, thậm chí thụt lùi.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cả năm tăng trưởng xuất khẩu 10% thì vẫn phải vượt qua rất nhiều thách thức.
Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm, nhóm hàng công nghiệp chế biến không nằm trong các nhóm hàng có mức tăng trưởng ngoạn mục như thường thấy mà chỉ “nhỉnh” hơn các mặt hàng khác. Không những vậy, thị trường cũng đang chứng kiến sự sụt giảm của nhóm tài nguyên khoáng sản bởi giá dầu thô giảm thấp.
Theo giới phân tích thì đây là dấu hiệu không tốt cho nền kinh tế vì tốc độ tăng trưởng của ngành này giảm do nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Mặt khác, quá trình khai thác của ngành này còn khó khăn và giá dầu thế giới cũng giảm làm cho nguồn thu của nguồn khai khoáng, đặc biệt là dầu thô ngày càng giảm theo.
Thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, nếu như năm 2015, Việt Nam có 23 mặt hàng xuất khẩu đạt 1 tỷ USD trở lên thì hiện tại cũng mới chỉ điểm mặt được 17 mặt hàng. Tuy nhiên, một tín hiệu vui xuất hiện khi khối doanh nghiệp trong nước vươn lên với động lực chính là do nhóm nông-lâm-thuỷ sản có 5/9 mặt hàng thuộc Top 1 tỷ USD.
Là doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu đã nhiều năm, bà Hà Thị Vinh – Giám đốc Công ty Gốm sứ Quang Vinh khẳng định, 6 tháng đầu năm nay tuy có nhiều khó khăn so với các năm trước, nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn có những tín hiệu tốt về mặt thị trường cũng như giá trị hàng hóa.
Riêng với Công ty Gốm sứ Quang Vinh thì 6 tháng đầu năm đơn hàng nhiều nên phải thúc giục công nhân thường xuyên làm gấp để đảm bảo tiến độ. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của công ty năm nay tăng khoảng 15%.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam, dù chưa có thống kê chính thức nhưng riêng tháng 6 xuất khẩu gỗ ước đạt từ 600 – 650 triệu USD. Không những thế, hiện nay đơn hàng sản phẩm đồ gỗ trong nhà và nội thất rất nhiều, thậm chí có nhiều doanh nghiệp làm không hết việc vì đơn hàng đã ký hết cho cả năm. Chính vì vậy, Hiệp hội hoàn toàn tin tưởng mục tiêu xuất khẩu của ngành sẽ đạt được như kỳ vọng.
Ông Lê Quốc Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp Thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm chưa được cải thiện ở một số ngành hàng là do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do giá cả hàng hóa thế giới giảm. Những năm trước đây tăng trưởng hàng hóa đạt tốc độ khá cao là do có những mặt hàng làm cho xuất khẩu tăng đột biến như điện thoại nhưng mặt hàng này đến nay đã đạt đến ngưỡng. Để duy trì động lực xuất khẩu cho cả năm thì bài toán chủ động nhất là phải tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.
Đáng lưu ý là 6 tháng cuối năm nhiều ngành sản xuất lớn như dệt may, da giày bắt đầu tăng tốc thực hiện các đơn hàng quý III và IV. Hơn nữa, các ngành sản xuất khác cũng có dư địa tăng trưởng, mục tiêu xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến cũng sẽ lấy lại đà tăng trưởng cao.
Như vậy, nửa năm còn lại mỗi tháng bình quân phải xuất khẩu được 16,3 tỷ USD để đạt mục tiêu cả năm xuất khẩu đạt 180 tỷ USD.