Giữ vững chủ quyền lãnh thổ: Lời cam kết với tiền nhân

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Dư luận cả nước đều bày tỏ sự đồng tình với những thông điệp thể hiện sự cương quyết của Đảng, Nhà nước trong việc sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông qua bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Những phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đã thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nguồn: Internet
Những phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đã thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nguồn: Internet

Ngay sau khi bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người bày tỏ nhất trí, với lập trường nhất quán, trước sau như một của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị luôn khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc trong đó có trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là thiêng liêng, không thể nhân nhượng. Nhất là việc Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam không chấp nhận bất cứ nước nào, dù mạnh đến đâu bắt Việt Nam phải nhượng bộ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Việt Nam, Trung tướng Trần Hanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng đây là phát biểu được nhân dân cả nước mong đợi.

“Hành vi xâm phạm Trung Quốc với việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển chủ quyền nước ta là một vấn đề nghiêm trọng. Tôi rất lo lắng nhưng ngay sau khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chúng tôi rất phấn khởi, tin tưởng ngay từ đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà Nước đã có những thông điệp nhất quán, kiên định tuyên bố chống lại hành vi ngang nhiên xâm phạm vào chủ quyền của Việt Nam”.

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, đánh giá, phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đã nói lên quyết tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc bảo việc quyền, chủ quyền của Việt Nam trên biển đảo. Đó là điều nhân dân hết sức mong muốn, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.

Còn theo cựu chiến binh Lâm Quang Tuấn, đang sống ở TP. Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo của nước ta, từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều có thái độ rất rõ ràng và minh bạch về vấn đề này. Trung Quốc nên hiểu rõ và đừng có hiểu nhầm về những thái độ của chúng ta.

Cùng với các cán bộ lão thành, các cựu chiến binh, nhiều bạn trẻ cũng bày tỏ sự đồng tình với những đối sách mềm mỏng mà kiên quyết của Đảng, Nhà nước đối với những hành động leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông, xâm phạm thô bạo chủ quyền của Việt Nam.

Chị Trang Nhung, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội, cảm thấy hết sức tâm đắc và hoàn toàn ủng hộ những phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đã thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền của đất nước. “Đất nước Việt Nam trải qua rất nhiều chiến tranh, đau thương, thế hệ trẻ chúng tôi mong muốn trong thời điểm hiện nay chúng ta sẽ giữ được nền hòa bình, độc lập".

Nhiều người cũng bày tỏ xúc động khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc lại lời dặn của vua Lê Thánh Tông với triều thần cách đây 600 năm: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”.

Đây có thể xem là lời cam kết của các thế hệ Việt Nam với tiền nhân và cũng là lời khẳng định của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước đồng bào cả nước kiên quyết không để một tấc đất, tấc biển nào của Tổ quốc bị xâm phạm.