Gỡ khó cho hàng nhập khẩu
Do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến tháng 6/2021, tổng số tờ khai tạm nhập cửa hàng miễn thuế quá hạn là 3.183 tờ khai và trị giá hàng hóa gửi kho miễn thuế quá thời hạn lưu giữ là 54.602.024 USD. Tương tự trị giá hàng hóa gửi kho ngoại quan quá thời hạn lưu giữ là 439.931.267,54 USD; tổng số tờ khai quá hạn là 2.804, trị giá 108.426.237,87 USD.
Từ thực tế này, tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 Luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Thi hành án dân sự; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Doanh nghiệp; Luật Điện lực), Bộ Tài chính đã đề xuất cho phép hàng miễn thuế tiếp tục lưu giữ tại Việt Nam.
Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 2, Điều 47 Luật Hải quan quy định: “Hàng hóa bán tại cửa hàng miễn thuế phải được lưu giữ tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế đáp ứng yêu cầu giám sát hải quan. Thời hạn lưu giữ hàng hóa không quá 12 tháng kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan”.
Trong giai đoạn bệnh dịch, hàng hóa tồn đọng tại cửa hàng miễn thuế lớn, hết thời hạn tạm nhập, doanh nghiệp phải thực hiện tái xuất/chuyển tiêu thụ nội địa/tiêu hủy. Vậy nhưng, việc tái xuất, chuyển tiêu thụ nội địa hoặc tiêu hủy đều khó khăn vì nhiều nguyên nhân, như: doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế đã nhập khẩu hàng hóa theo phương thức mua đứt bán đoạn nên việc xuất trả cho đối tác nước ngoài là không khả thi…
Điều đáng nói, đại dịch không chỉ gây ùn ứ tại các cửa hàng miễn thuế; mà còn ảnh hưởng đến việc lưu giữ hàng nhập khẩu tại kho ngoại quan. Trong khi đó, pháp luật về hải quan lại chưa tính hết được những sự cố như dịch bệnh, thiên tai. Theo đó, Khoản 1, Điều 61, Luật Hải quan quy định: “Hàng hóa gửi kho ngoại quan được lưu giữ trong thời gian không quá 12 tháng kể từ ngày được gửi vào kho; trường hợp có lý do chính đáng thì được Cục trưởng Cục Hải quan đang quản lý kho ngoại quan gia hạn một lần không quá 12 tháng”.
Thực tế, do ảnh hưởng COVID-19, một khối lượng lớn hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, gửi vào kho ngoại quan để xuất khẩu sang nước thứ 3 không thể xuất khẩu được, tồn đọng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc; hoặc đang lưu giữ trong kho ngoại quan. Trong khi đó theo quy định của pháp luật: hàng hóa gửi kho ngoại quan khi hết thời hạn lưu giữ tại Việt Nam, chủ sở hữu hàng phải thực hiện một trong những hoạt động: xuất khẩu hoặc tái xuất ra nước ngoài; nhập khẩu vào nội địa; thực hiện tiêu hủy với hàng hóa. Vậy nhưng trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu thì quy định này không thể thực hiện được.
Từ thực tế này, Bộ Tài chính đề xuất: bổ sung Điểm a, Khoản 2, Điều 47 Luật Hải quan quy định sau: “Trường hợp xảy ra dịch bệnh theo công bố của cơ quan, người có thẩm quyền, hàng hóa đã hết thời hạn lưu giữ, kể cả thời gian đã gia hạn được tiếp tục lưu giữ đến ngày cơ quan, người có thẩm quyền công bố hết dịch và được Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế gia hạn một lần không quá 12 tháng kể từ thời điểm công bố hết dịch. Trường hợp đặc biệt khác phát sinh giao Chính phủ quy định”.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung Khoản 1, Điều 61 Luật Hải quan theo hướng trường hợp xảy ra dịch bệnh theo công bố của cơ quan, người có thẩm quyền, hàng hóa đã hết thời hạn lưu giữ, kể cả thời gian đã gia hạn được tiếp tục lưu giữ đến ngày cơ quan, người có thẩm quyền công bố hết dịch và được Cục trưởng Cục Hải quan quản lý kho ngoại quan gia hạn một lần không quá 12 tháng kể từ thời điểm công bố hết dịch.