Tỉnh Hậu Giang:

Gỡ khó để tái khởi động công trình xây dựng cơ bản

Theo Nguyễn Hằng/ Báo Hậu Giang

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc huy động nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công các công trình xây dựng cơ bản trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Không ít nhà thầu khó đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ” nên phải tạm dừng thi công. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng phần nào bị ảnh hưởng. Do đó, Hậu Giang đang cân nhắc kỹ các giải pháp tái khởi động lại công trình xây dựng cơ bản, trên cơ sở đảm bảo chặt chẽ yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Nhiều công trình, dự án bị gián đoạn thi công trong thời gian qua. Ảnh: Nguyễn Hằng
Nhiều công trình, dự án bị gián đoạn thi công trong thời gian qua. Ảnh: Nguyễn Hằng

Nhiều tác động từ đại dịch

Trong buổi làm việc với Tổ công tác giải ngân vốn đầu tư công mới đây, ông Trương Minh Kiêm - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết đối với các công trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông, đặc thù không giống các công trình dân dụng hay công trình nông nghiệp nên trong thời gian giãn cách xã hội đã gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, giải ngân vốn.

Đơn cử trên một số dự án như Đường tỉnh 931, đường ô tô về trung tâm xã Đông Phước A, đường tránh thị trấn Vĩnh Viễn..., khó khăn chủ yếu là các đội nhân công thực hiện ra đá và láng nhựa tại công trường có nhà ở gần, công nhân không đồng ý ở lại nên các nhà thầu gặp khó khi triển khai “3 tại chỗ”.

Những đơn vị thực hiện công tác thí nghiệm cũng khó áp dụng “3 tại chỗ” do nhân sự không đủ để bố trí. Việc không thể thực hiện công tác thí nghiệm dẫn đến chủ đầu tư, tư vấn giám sát không đủ cơ sở cho phép nhà thầu triển khai thi công tiếp theo do không đúng quy trình quản lý chất lượng thi công, đặc biệt là thí nghiệm liên quan đến vật liệu đầu vào của công trình.

Mặt khác, các phương tiện vật tư, thiết bị, chủ yếu là thiết bị đóng cọc, xà lan vận chuyển cát đá khi xuất phát ra khỏi các tỉnh nơi đặt trụ sở phải trải qua rất nhiều quy trình, từ test nhanh đến xin giấy phép để có thể di chuyển trong thời gian giãn cách. Khi đến Hậu Giang cũng phải chờ kết quả test nhanh âm tính COVID-19, xác nhận hướng đi, đến, xin ý kiến cấp thẩm quyền mới được phép vào đến công trình. Nhiều đơn vị cung cấp vật tư, thiết bị quyết định tạm ngưng cung cấp trong thời gian giãn cách do việc di chuyển khó khăn, nhiều thủ tục liên quan nên việc cung ứng cho nhà thầu bị gián đoạn.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh thống kê đến thời điểm này có 48/52 công trình, dự án tạm dừng thi công gần 2 tháng. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Nhìn chung, các chủ đầu tư đang tích cực phối hợp các sở, ngành xây dựng phương án thi công gắn với phòng chống dịch, đồng thời đề nghị các địa phương quan tâm hỗ trợ chủ đầu tư sớm triển khai lại hoạt động tại các công trình.

Xây dựng phương án chặt chẽ

Mới đây, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang có buổi làm việc với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh về kế hoạch tổ chức thi công và phương án phòng, chống dịch đối với một số công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.

Theo chủ đầu tư, trước ngày 30/8, đơn vị có tờ trình gửi cho 8 huyện, thị xã, thành phố về kế hoạch triển khai thi công lại các công trình gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19. Để chuẩn bị kỹ phương án thi công đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, các địa phương đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm giúp chủ đầu tư hoàn thiện chặt chẽ phương án thi công.

Ông Nguyễn Công Duy - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, cho rằng: "Châu Thành A có 5 công trình của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh triển khai ở địa bàn 4 xã đủ chuẩn “vùng xanh”. Qua xem xét điều kiện thi công, phương án đang được phòng chuyên môn thẩm định, cơ bản thống nhất. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng phương án thi công từng công trình phải cụ thể số lượng công nhân, thông tin chi tiết từng người để quản lý. Quan điểm của huyện chỉ tiếp nhận công nhân ở “vùng xanh”. Đối với công nhân ngoài huyện nhưng trong địa bàn nội tỉnh phải theo dõi sức khỏe 7 ngày. Công nhân trên địa bàn huyện thì thống nhất test nhanh trước khi đưa vào thi công. Về quản lý chung, đơn vị thi công phải tuân thủ nghiêm theo quy định của Bộ Y tế, ít nhất một tuần phải có 20% công nhân được xét nghiệm PCR hoặc test nhanh".

Mặt khác, chủ đầu tư cần xây dựng phương án thật cụ thể. Nhất là việc bố trí vận chuyển công nhân, vật tư vào công trình; giải pháp bố trí “3 tại chỗ” ở mỗi công trường, giải pháp quản lý lực lượng công nhân sau giờ thi công, cũng như khâu sắp xếp ăn, ở. Phải đảm bảo con người đang thực hiện “3 tại chỗ” tại công trường không di, biến động khỏi khu vực được bố trí.

Ông Đỗ Phát Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, lưu ý thêm: Hiện nay, yêu cầu trước mắt là thực hiện 5K, “3 tại chỗ”, do vậy cần có tổ theo dõi, giám sát, hướng dẫn thực hiện. Riêng vấn đề tiếp nhận công nhân vào thi công, cơ bản chỉ tiến hành thu nhận ở khu vực “vùng xanh” trong huyện, trong tỉnh. Phải cụ thể phương án đưa, rước người vào, nơi xét nghiệm công nhân và sau khi xét nghiệm phải đưa thẳng vào công trường.

Liên quan đến phương án thi công đảm bảo phòng, chống dịch của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh đề xuất mới đây, ông Phan Vĩnh Lộc - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, cho rằng: Hiện nay chúng ta đang thiết lập “vùng xanh” và có những địa phương đã được công nhận “vùng xanh”, khi phương án đã được phê duyệt thì công trình trong “vùng xanh” cần được ưu tiên xem xét việc cho thi công lại. Công nhân khi tập trung vào công trình trong “vùng xanh” để thực hiện “3 tại chỗ” cần phải có phương án vận chuyển, phương án xét nghiệm cụ thể đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Trong buổi làm việc mới đây với các sở, ban, ngành, địa phương, bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Y tế, các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh sớm ban hành quy định thống nhất về điều kiện đối với các công trình khi thi công trở lại. Theo đó, chủ đầu tư, các đơn vị thi công sẽ căn cứ để xây dựng phương án thi công, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Về phương án thi công các dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh quản lý, tới đây cần xây dựng cụ thể, rõ ràng, thi công phải đảm bảo nghiêm điều kiện phòng, chống dịch bệnh.

Kiên định mục tiêu giải ngân vốn

Qua gần 2 tháng tạm dừng thi công do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội, dự báo không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ từng công trình xây dựng cơ bản mà còn tác động đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh. Đơn cử qua đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, kết quả giải ngân vốn đầu tư công tháng 7 tỷ lệ chỉ tăng khoảng 5% so với tháng trước. Riêng tháng 8, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ tăng khoảng 8%. Bước tiến chậm này đòi hỏi các ngành, địa phương bên cạnh phòng, chống dịch bệnh, cần sớm có biện pháp để các công trường tái hoạt động trở lại.

Theo bà Nguyễn Thị Màu - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, để thúc đẩy tiến trình giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, các chủ đầu tư có dự án chưa hoàn thành hồ sơ thủ tục, đề nghị khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian sớm nhất để tổng hợp trình UBND tỉnh phân bổ vốn theo quy định. Chủ động rà soát, thực hiện mọi biện pháp để thực hiện giải ngân đạt 100% vốn được giao đầu năm. Tăng công tác đấu thầu qua mạng; đôn đốc tiến độ thi công, thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng hoàn thành. Định kỳ báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo từng nguồn vốn, trong đó cần đánh giá chi tiết tình hình triển khai thực hiện và giải ngân các dự án chậm tiến độ.

Nhận xét về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công mới đây, ông Đồng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng hơn 1,5 tháng qua, giá trị giải ngân chỉ tăng lên khoảng 8%, so với kế hoạch chúng ta chậm khoảng 20%. Do vậy, đề nghị các chủ đầu tư, sở, ngành tập trung giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm. Dù khó khăn, nhưng các sở, ngành, địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch triển khai từng hạng mục công trình, tiến độ giải ngân từng thời điểm nhất định. Đồng thời, tăng tốc, tăng giờ để vừa đảm bảo tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng công trình.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Phấn đấu đến cuối tháng 9 giải ngân đạt 70%; đến cuối tháng 12 giải ngân đạt từ 95-100% nguồn vốn được giao từ đầu năm. Sở Xây dựng hướng dẫn các chủ đầu tư, đơn vị thi công triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới đối với các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tiếp tục rà soát các dự án cho chủ trương đầu tư nhưng đến nay chậm tiến độ; trình phân bổ hết nguồn vốn còn lại thuộc ngân sách địa phương chậm nhất đến ngày 15/9/2021. Sau thời gian này, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh điều chỉnh sang các dự án khác, đồng thời xem xét trách nhiệm chủ đầu tư.

Có thể thấy, dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng UBND tỉnh tiếp tục kiên định mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công; xem đây là một trong những nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải coi việc đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2021 đến nay trên 2.900 tỉ đồng. Trong đó vốn phân bổ chi tiết cho các dự án trên 2.200 tỉ đồng. Tính đến ngày 30/8, tổng khối lượng thực hiện đạt 50,56%, giá trị giải ngân đạt khoảng 50%. Đối với nguồn vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021, giải ngân mới đạt trên 43%.