Phân cấp quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước tại TP. Hà Nội

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2021

Bài viết đánh giá thực trạng phân cấp quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước tại TP. Hà Nội trong giai đoạn 2016–2019, qua đó cho thấy, cơ chế phân cấp ngân sách nhà nước tại TP. Hà Nội đã đạt được một số kết quả tích cực như: Cơ chế phân cấp ngân sách nhà nước gắn bó chặt chẽ với trách nhiệm, quyền hạn của từng cấp được giao, tạo được tính chủ động của mỗi cấp khi tổ chức thực hiện, chủ động cân đối nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội...

Trong giai đoạn 2016–2019, TP. Hà Nội thực hiện phân cấp mạnh mẽ, tăng cường tự chủ trong việc thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư dự án xây dựng cơ bản của chính quyền các cấp.
Trong giai đoạn 2016–2019, TP. Hà Nội thực hiện phân cấp mạnh mẽ, tăng cường tự chủ trong việc thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư dự án xây dựng cơ bản của chính quyền các cấp.

Mặc dù vậy, phân cấp quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách tại TP. Hà Nội vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc. Từ đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nguồn vốn này trong những năm tới.

Phân cấp quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách TP. Hà Nội giai đoạn 2016-2019

Phân cấp trong lập và phân bổ vốn đầu tư

Công tác lập kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) của TP. Hà Nội thực hiện theo Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 và các Nghị định khác hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công 2014.

Các cấp, các Sở, ban, ngành của Thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch theo đúng các quy định của Nhà nước, luôn đảm bảo thời gian lập, trình, phê duyệt kế hoạch vốn đầu tư theo quy định của Luật NSNN, các báo cáo, bảng biểu, mẫu biểu đã phù hợp với quy định của pháp luật.

Việc giao kế hoạch vốn được thực hiện đúng kế hoạch đầu tư công trung hạn, phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác, đảm bảo cân đối vĩ mô; Đồng thời, được giao đầu năm không phải điều chỉnh nhiều lần trong năm, đảm bảo công khai minh bạch và công bằng trong lập kế hoạch vốn.

Công tác lập và phân bổ nguồn vốn của Thành phố đảm bảo quản lý tập trung thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định pháp luật, tạo điều quyền chủ động cho các cấp, các ngành và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về phân cấp thẩm quyền quyết định dự án đầu tư đối với cấp huyện, xã ở mức tối đa, cho phép Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư các dự án đầu tư XDCB không giới hạn về quy mô tổng vốn đầu tư miễn là địa phương có thể tự cân đối.

Đối với các dự án thuộc cấp huyện quản lý sử dụng vốn hỗ trợ từ cấp thành phố đã phân cấp thẩm quyền Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định đầu tư. Từ đó, giúp chính quyền các cấp tự chủ trong việc quản lý đầu tư XDCB hàng năm bám sát tình trong công việc.

Phân cấp trong thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản

Các nguồn vốn được giải ngân đúng nguyên tắc, đúng quy trình, phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội. Số liệu Báo cáo quyết toán NSNN TP. Hà Nội giai đoạn 2016-2019 cho thấy, tổng chi ngân sách TP. Hà Nội giai đoạn 2016–2020 ước đạt là 399.563,413 tỷ đồng, chi ngân sách cấp thành phố là 199.422 tỷ đồng, chi ngân sách cấp quận huyện là 200.142,157 tỷ đồng; Trong đó, tổng chi đầu tư XDCB cấp thành phố ước đạt 83.711,580 tỷ đồng và tổng chi đầu tư XDCB cấp quận huyện là 81.450,190 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2016–2019, TP. Hà Nội thực hiện phân cấp mạnh mẽ, tăng cường tự chủ trong việc thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư dự án XDCB của chính quyền các cấp. Chi ngân sách cho hoạt động đầu tư XDCB các quận huyện trên địa bàn có xu hướng tăng dần trong khi đó ngân sách cấp thành phố phân bổ cho đầu tư XDCB duy trì ổn định và có xu hướng tăng dần qua các năm, Thành phố phải huy động nguồn vốn tập trung cấp thành phố để xây dựng các dự án, công trình trọng điểm đòi hỏi vốn đầu tư lớn.

Tính đến ngày 31/8/2019, toàn Thành phố còn 11/29 quận, huyện, thị xã nợ vốn XDCB, với tổng số tiền là 709,8 tỷ đồng của 1.038 dự án.

Trước thực tế nợ đọng XDCB đang tăng cao, tại các cuộc giám sát HĐND Thành phố yêu cầu chính quyền các cấp trong bố trí nguồn vốn đầu tư XDCB cần phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Đồng thời, phải có ngay các biện pháp để xóa xong nợ đọng XDCB và không làm phát sinh nợ mới.

Phân cấp trong quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản

Tổng hợp các dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp Thành phố đến hết năm 2018, đã có 664 dự án được triển khai, trong đó 235 dự án hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác sử dụng (gồm 21 danh mục dự án ngân sách thành phố hoàn ứng cho các quận đã triển khai thực hiện và hoàn thành). Có 82 dự án từ năm 2018 chuyển tiếp thực hiện vào năm 2019 (trong đó 12 dự án sử dụng nguồn vốn kế hoạch năm 2018 kéo dài không có trong danh mục kế hoạch giao năm 2019); 114 dự án khởi công mới năm 2019.

Kết quả đạt được và một số tồn tại

Việc phân cấp quản lý vốn đầu tư XDCB cơ bản đã phù hợp với phân cấp quản lý ngân sách và phân cấp kinh tế-xã hội tạo động lực phát triển kinh tế và xây dựng bộ máy chính quyền các cấp. Nội dung phân cấp đã tạo điều kiện nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đơn vị cơ sở, đảm bảo sự quản lý tập trung, thống nhất và xuyên suốt trong quản lý dự án đầu tư XDCB từ cấp thành phố, cấp huyện và cấp xã, tăng tường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý vốn dự án đầu tư. Cơ chế phân cấp đã gắn bó chặt chẽ với trách nhiệm, quyền hạn của từng cấp được giao nên đã tạo được chủ động của mỗi cấp khi tổ chức thực hiện, chủ động cân đối nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

Phân cấp quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước tại TP. Hà Nội - Ảnh 1

Tuy nhiên, phân cấp quản lý vốn đầu tư XDCB từ nguồn NSNN tại Hà Nội còn một số bất cập gồm:

Công tác lập kế hoạch vốn đầu tư chưa phát huy được mục tiêu phân cấp quản lý, đặc biệt ở cấp huyện, cấp xã.

Ngân sách xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ chi đầu tư XDCB là xây dựng mới hoặc duy tu, cải tạo nâng cấp, sửa chữa lớn tài sản, các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nhưng do nguồn thu chỉ đủ để cân đối một phần nhiệm vụ chi thường xuyên, nguồn vốn đầu tư XDCB của ngân sách cấp xã còn hạn hẹp, khó khăn. Thực hiện Chương trình số 02–Ctr/TU về xây dựng nông thôn mới, UBND xã lập đề án xây dựng nông thôn mới trong đó các dự án thành phần chủ yếu là chi đầu tư XDCB; nhiều nhiệm vụ phát sinh mới đặt ra cho cấp xã (theo phân cấp) nhu cầu vốn lớn, vượt quá khả năng ân đối của mỗi cấp ngân sách.

Công tác giao kế hoạch vốn đầu tư XDCB của các cấp chính quyền thành phố cho chủ đầu tư trong năm còn chậm so với quyết định được giao.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều dự án chưa đảm bảo thủ tục, trình tự đầu tư xây dựng nhưng vẫn được giao vốn. Đến đầu năm kế hoạch, nhiều dự án chưa thẩm định được dự toán, tổng dự toán công trình, do đó chưa thể ra quyết định phê duyệt dự án. Việc lựa chọn dự án còn dàn trải, nhiều công trình có quy mô nhỏ trong khi đội ngũ cán bộ thẩm định của dự án còn mỏng nên việc thẩm định phân bổ dự án còn chậm.

Thanh toán vốn đầu tư còn nhiều bất cập, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn thấp

Công tác thanh toán vốn với 3 khâu tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành với rất nhiều các quy trình, thủ tục hành chính gây khó khăn cho các chủ đầu tư. Mặt khác, các văn bản của nhà nước ban hành trong lĩnh vực này thường xuyên thay đổi dẫn đến những khó khăn trong việc cập nhập, áp dụng các quy định mới, sửa đổi hệ thống thông tin quản lý… cả đối với các cơ quan quản lý nhà nước địa phương cũng như các chủ đầu tư, nhà thầu.

Quyết toán vốn đầu tư ở cả ba cấp còn chậm chưa đạt yêu cấu.

Các dự án đầu tư phân cấp giao cấp quận huyện, thị xã, hiện nay việc giao nhiệm vụ cho đơn vị làm chủ đầu tư các dự án XDCB mỗi nơi thực hiện khác nhau, chưa thống nhất; một số quận huyện giao cho Ban quản lý dự án toàn bộ các dự án đầu tư, phần còn lại giao các phòng, ban, đơn vị trực thuộc; nhiều nơi phân loại các dự án theo lĩnh vực (nông nghiệp, thủy lợi, giáo dục, y tế..) và thành lập nhiều Ban quản lý (có tính kiêm nhiệm) làm chủ đầu tư, gây khó khăn trong việc phân bổ giao vốn dàn trải, hiệu quả thấp và tổng hợp báp cáo, quyết toán dự án đầu tư.

Nợ đọng xây dựng cơ bản còn kéo dài chưa xử lý dứt điểm.

Tình trạng phê duyệt quyết định đầu tư, khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách không đảm bảo; Quyết định đầu tư từ những dự án không nằm trong quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; Điều chỉnh dựa án làm tăng tổng mức đầu tư dẫn đến không có kế hoạch bố trí vốn; Tình trạng thi công trước tìm vốn sau…

Đề xuất, kiến nghị 

Thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nguồn vốn NSNN, cần chú trọng một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đổi mới nhận thức, quan điểm về phân cấp quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Cần hiểu rõ sự thống nhất biện chứng giữa việc đảm bảo quản lý thống nhất của các cấp chính quyền từ trung ương đến cơ sở với việc cần thiết phải khuyến khích phát huy, tăng cường tính tích cực, chủ động của chính quyền địa phương, chính quyền cơ sở trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh tế - xã hội.

Thứ hai, kiện toàn bộ máy quản lý đầu tư xây dựng cơ bản cấp xã.

HĐND, UBND Thành phố sớm đưa ra đề án nghiên cứu thành lập Ban quản lý dự án cấp xã trình Chính phủ, Quốc hội xem xét. Sau khi có ý kiến của các cơ quan trung ương nhanh chóng triển khai thí điểm, phân tích các ưu điểm, hạn chế để nhanh chóng kiện toàn bộ máy cấp xã.

Thứ ba, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.

Các cấp chính quyền Thành phố cần xác định xử lý nợ đọng XDCB là nội dung quan trọng cần thiết phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, nhằm lập lại kỷ cương trong đầu tư XDCB. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đầu tư XDCB trong từng ngành, địa phương, đơn vị. 

Các dự án đã được quyết định đầu tư phải thực hiện theo mức vốn kế hoạch đã giao; Không yêu cầu DN ứng vốn thực hiện dự án khi chưa được bố trí vốn, dẫn đến hậu quả phát sinh nợ đọng XDCB; Chỉ được tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu đã được bố trí vốn.

Các ngành, địa phương và chủ đầu tư phải xác định rõ trách nhiệm của đơn vị mình, gắn với tập thể, cá nhân trong việc để phát sinh nợ đọng XDCB; cân đối, bố trí ngân sách các cấp, các nguồn hợp pháp để xử lý nợ đọng XDCB và thu hồi vốn đã ứng theo quy định; đề ra các giải pháp, phương án và lộ trình thanh toán nợ đọng XDCB, đảm bảo nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng XDCB trước khi bố trí vốn cho các dự án khởi công mới.           

Tài liệu tham khảo:

1.Quốc hội: Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Thủ đô, Luật Tổ chức chính quyền địa phương;

2.UBND TP. Hà Nội, Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội các năm từ 2016-2019 và 06 tháng đầu năm năm 2020;

3.UBND TP. Hà Nội (2016, 2017, 2018, 2019), Báo cáo quyết toán ngân sách các năm 2016, 2017, 2018, 2019;

4.HĐND TP. Hà Nội, Dự toán ngân sách các năm từ 2016 đến 2019 và nghị quyết phê chuẩn báo cáo quyết toán các năm 2016, 2017, 2018.