Gỡ nhanh nợ xấu, tín dụng sẽ tan băng

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) “Hy vọng ngay đến cuối năm nay hoặc đến giữa năm 2014 thì chúng ta sẽ giải quyết được phần căn bản nợ xấu và tạo đà cho tín dụng tăng vững chắc và ổn định hơn” – TS. Lê Xuân Nghĩa kỳ vọng đồng thời nêu quan điểm: “Để duy trì tăng trưởng GDP ở mức tiềm năng 7-7,5%/năm, tăng trưởng tín dụng (TTTD) cần duy trì ổn định ở mức 16-17%/năm”.

Gỡ nhanh nợ xấu, tín dụng sẽ tan băng
“Hy vọng ngay đến cuối năm nay hoặc đến giữa năm 2014 thì chúng ta sẽ giải quyết được phần căn bản nợ xấu và tạo đà cho tín dụng tăng vững chắc và ổn định hơn”. Nguồn: internet

Để duy trì tăng trưởng GDP ở mức tiềm năng 7%-7,5%/năm, TTTD cần ổn định mức 16%-17%/năm.

Đây là quan điểm được TS. Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) đưa ra tại hội thảo Cập nhật tình hình kinh tế toàn cầu và kinh tế vĩ mô Việt Nam, do Ngân hàng ANZ tổ chức ngày 22/10, tại Hà Nội.

Nói về tầm quan trọng của tín dụng, TS. Nghĩa cho rằng, bất cứ quốc gia nào trên thế giới, khi lâm vào khó khăn, khủng hoảng nếu không phá băng tín dụng được thì mọi hy vọng về phục hồi kinh tế và phục hồi thị trường tài sản sẽ “tiêu tan”. Đặc biệt tại Việt Nam, tình trạng doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính rất lớn nên yếu tố này cũng quyết định đến tổng đầu tư của toàn xã hội.

Chính nhận thức được tầm quan trọng này nên trong khoảng thời gian 2 năm vừa qua, ngành Ngân hàng đã nỗ lực để đưa TTTD có chất lượng cao hơn, nhưng rõ ràng tăng trưởng của nền kinh tế đã gặp phải nhiều khó khăn, chủ yếu do các yếu tố nội tại. TTTD thực tế luôn thấp hơn mục tiêu đề ra: năm 2011, mục tiêu TTTD không quá 20%, thực tế đạt 14,4%; năm 2012, mục tiêu 15-17%, thực tế đạt 8,85%.

Theo lý giải của các chuyên gia, nguyên nhân quan trọng nhất khiến thực trạng này diễn ra là do nợ xấu khá lớn nên việc xử lý cần thời gian.

“Chừng nào nợ xấu còn lớn thì còn diễn ra cảnh doanh nghiệp – ngân hàng nhìn nhau đầy nghi ngờ và trong thế phòng thủ” – TS. Nghĩa nhìn nhận và đưa ra ví dụ từ một câu chuyện của cán bộ tín dụng ngân hàng cho biết: một doanh nghiệp vẫn hoạt động kinh doanh xuất khẩu tốt nhưng vẫn vướng khoản nợ xấu vì trước đây còn đi buôn cả bất động sản. Nếu bây giờ tiếp tục cho họ vay vì trên cơ sở nhận định hoạt động kinh doanh xuất khẩu của họ vẫn tốt thực sự, thì vấn đề hồ sơ pháp lý sẽ giải quyết thế nào? Nếu hồ sơ không hoàn chỉnh sẽ nảy sinh rủi ro về sau mà hoàn chỉnh thì nợ của doanh nghiệp như vậy liệu có thể cho vay tiếp?

Tuy nhiên TS. Nghĩa cũng thừa nhận, việc phá băng tín dụng nói vậy nhưng không hề đơn giản. Đơn cử như Mỹ, nước này bắt đầu chiến lược phá băng tín dụng từ năm 2008 nhưng mãi đến đầu năm 2013 mới chính thức tuyên bố tảng băng tín dụng đã bắt đầu tan và thị trường tài sản, đặc biệt là BĐS mới có sự phục hồi khá rõ ràng. Với vị thế là quốc gia đang phát triển, có tiềm năng tăng trưởng còn rất lớn nên quá trình “phá băng” này của Việt Nam có thể diễn ra nhanh hơn.

“Hy vọng ngay đến cuối năm nay hoặc đến giữa năm 2014 thì chúng ta sẽ giải quyết được phần căn bản nợ xấu và tạo đà cho tín dụng tăng vững chắc và ổn định hơn” – TS. Nghĩa kỳ vọng đồng thời nêu quan điểm: “Để duy trì tăng trưởng GDP ở mức tiềm năng 7-7,5%/năm, TTTD cần duy trì ổn định ở mức 16-17%/năm”.

Ông cũng dự báo TTTD năm nay sẽ tăng đâu đó quanh mức 10%-11% và sẽ nâng lên 14%-15% trong năm tới. Nhận định này một phần có thể dựa trên thực tiễn việc xử lý nợ xấu từ khi VAMC đi vào hoạt động chính thức trong những ngày gần đây diễn biến khá tích cực. Trước đây, có không ít lo ngại cho rằng các ngân hàng thương mại sẽ ngại và cố giấu nợ xấu để không phải bán cho VAMC. Thế nhưng, hiện nay đã xuất hiện cảnh “xếp hàng chờ bán nợ xấu” nên có lẽ VAMC sẽ vượt mức kế hoạch mua 35 nghìn tỷ đồng nợ xấu từ các ngân hàng thương mại trong năm nay. TS. Nghĩa tin rằng, đến cuối năm nay VAMC có thể sẽ mua được 45 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhìn tương lai xa hơn một chút thì lại đang có những lo ngại mới xuất hiện. Trong đó, theo ông Nghĩa, giữa năm 2014, khi áp dụng quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài - theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước - khả năng sẽ xuất hiện nợ xấu mới trong bối cảnh nợ xấu cũ “xử” chưa xong. Vấn đề này sẽ giải quyết thế nào?

Bên cạnh đó, xử lý làm sao với các “ông chủ” ngân hàng, đồng thời là ông chủ tập đoàn thực tế đang có nợ xấu lớn, chiếm phần lớn tín dụng trung, dài hạn của ngân hàng đó để mang lại những minh bạch, lành mạnh cho hệ thống nhưng không gây ra những cú sốc quá lớn?

Một vấn đề nữa là tập trung xử lý những khoản tín dụng khổng lồ của các tập đoàn tư nhân bởi vì đối tượng này cũng vay nợ rất nhiều. “Đây là những vấn đề cần tập trung giải quyết để một mặt đẩy kinh tế phục hồi nhanh hơn, mặt khác để hệ thống ngân hàng duy trì được lộ trình tái cấu trúc một cách ổn định và không phải chịu rủi ro hệ thống nào” – TS. Nghĩa nhìn nhận.