Gỡ rào cản thanh toán bằng quỹ đất cho dự án BT
Bộ Tài chính vừa có Thông tư số 183/2015/TT-BTC (TT183) hướng dẫn thực hiện thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng - chuyển giao (dự án BT) quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ- TTg (QĐ23) ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Quy định rõ quỹ đất cho nhà đầu tư
Theo Cục Quản lý công sản (QLCS), Bộ Tài chính, nội dung của QĐ23 đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc đối với các dự án đầu tư theo hình thức BT thanh toán bằng quỹ đất trong thời gian qua. Tuy nhiên, để các ngành, các địa phương, đơn vị dễ dàng trong việc thực hiện, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn.
Theo đó, đối với đất chưa giải phóng mặt bằng (GPMB), giá trị quỹ đất thanh toán là tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp một lần cho cả thời gian thuê. Việc xác định giá trị quỹ đất thực hiện theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Đối với đất đã GPMB, giá trị thanh toán là giá trị quyền sử dụng đất và giá trị theo đánh giá lại của tài sản trên đất (sau khi trừ chi phí liên quan đến việc xác định giá trị quỹ đất thanh toán theo quy định). Việc xác định giá trị quỹ đất thanh toán do Sở Tài chính chủ trì thực hiện, trình UBND cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Giá trị quỹ đất thanh toán không thay đổi kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định. Trừ trường hợp có văn bản phê duyệt cho phép điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng dẫn đến thay đổi giá trị quỹ đất thanh toán.
Phải nộp tiền cho phần chênh lệch
Theo quy định tại QĐ23 đó là phải nộp phần chênh lệch nếu giá trị quỹ đất thanh toán lớn hơn giá trị dự án BT. Đây là cơ sở để khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai và đẩy nhanh tiến độ dự án thực hiện theo hình thức BT. Do đó, trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán lớn hơn giá trị dự án BT ghi tại Hợp đồng BT thì nhà đầu tư phải nộp số chênh lệch bằng tiền vào ngân sách nhà nước (NSNN). Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán nhỏ hơn giá trị dự án BT, số chênh lệch được thanh toán bù trừ tại thời điểm cơ quan nhà nước phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình dự án BT.
Với quy định về hạch toán thu chi NSNN đối với giá trị quỹ đất thanh toán hợp đồng BT, Cục QLCS cho biết, trước khi ban hành thông tư cũng có 2 luồng ý kiến về vấn đề này. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, theo quy định hiện hành, các khoản thu từ đất thuộc ngân sách địa phương, do đó đề nghị cần quy định rõ việc hạch toán do cơ quan tài chính địa phương hạch toán thu - chi vào ngân sách địa phương. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý, sắp xếp cơ sở nhà đất do Bộ Quốc phòng quản lý hiện đã có Quyết định số 69/2014/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do đó cần cân nhắc đối với trường hợp này.
Sau khi xem xét và khảo sát từ thực tiễn, Bộ Tài chính đã đưa ra hướng dẫn, đó là Bộ sẽ thực hiện hạch toán ngân sách trung ương đối với trường hợp thanh toán bằng quỹ đất của cơ sở nhà, đất tại vị trí cũ thuộc sở hữu nhà nước do cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thuộc trung ương quản lý. Về phía Sở Tài chính sẽ thực hiện hạch toán ngân sách địa phương đối với các trường hợp thanh toán bằng quỹ đất do cơ quan hành chính, đơn vị tại địa phương quản lý.
Thông tư 183/2015/TT-BTC83 cũng quy định việc xác định diện tích đất của quỹ đất thanh toán tương ứng với phần nghĩa vụ tài chính đã hoàn thành gồm: Phần diện tích đất tương ứng với phần giá trị của dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước xác định theo quy định của pháp luật; Phần diện tích đất của phần giá trị chênh lệch giữa giá trị quỹ đất thanh toán và giá trị dự án BT mà nhà đầu tư đã nộp vào NSNN.