Gỡ vướng trong thu hồi tài sản từ các vụ án kinh tế, tham nhũng
Cùng với tháo gỡ khó khăn về thể chế, pháp luật, công tác thi hành án dân sự trong năm 2022 được kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả cao hơn, đặc biệt là thu hồi tài sản từ các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Phát biểu tại buổi công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, để thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp cũng đã kịp thời quán triệt triển khai quyết liệt, có văn bản gửi các địa phương, bộ ngành liên quan yêu cầu phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự trong việc nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Cùng với tháo gỡ khó khăn về thể chế, pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chia sẻ đặt nhiều kỳ vọng trong thời gian tới, cụ thể là ngay trong năm 2022, công tác thi hành án dân sự sẽ đạt hiệu quả cao hơn, đặc biệt là thu hồi tài sản từ các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Tỷ lệ tiền, tài sản thu hồi từ án tham nhũng còn thấp
Luật Thi hành án dân sự được ban hành năm 2008, đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thi hành án dân sự, đưa kết quả thi hành án dân sự đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, kết quả thi hành án dân sự vẫn còn hạn chế, trong đó tỷ lệ tiền, tài sản thu được trên tổng số có điều kiện thi hành vẫn còn thấp, chỉ đạt từ 33 - 43% trên tổng số có điều kiện thi hành, nhất là ở việc thu hồi tài sản tham nhũng, bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và các khoản thu cho tổ chức tín dụng.
Theo thống kê, hai nhóm việc này chỉ chiếm khoảng 4 - 5% lượng việc, nhưng chiếm trên 85% lượng tiền phải thi hành. Kết quả thi hành án của hai nhóm vụ việc này còn thấp, dưới 30% số có điều kiện.
Tình trạng trên xuất phát từ đặc thù của việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và vụ việc thi hành án về tín dụng ngân hàng thường gắn với việc phải xử lý rất nhiều tài sản, tài sản phải xử lý thi hành án nằm ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau trên địa bàn cả nước; số lượng tài sản kê biên, phong tỏa, bảo đảm thi hành án chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với nghĩa vụ mà người phải thi hành án phải thực hiện.
Trong khi đó, cơ quan thi hành án dân sự không được quyền xử lý đồng thời tài sản đã được tuyên trong bản án, quyết định và cũng không thể ủy thác cho cơ quan thi hành án nơi có tài sản xử lý mà phải thực hiện theo thứ tự. Điều này khiến cho kéo dài quá trình tổ chức thi hành án, chậm thu hồi tiền, tài sản; nhiều trường hợp mất mát, hư hỏng; đương sự tẩu tán tài sản…
Trước đòi hỏi của thực tiễn về tháo gỡ khó khăn trong công tác thi hành án dân sự trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi; góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hánh án dân sự.
Gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, pháp luật
Một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung của dự án Luật liên quan đến Luật Thi hành án dân sự là tháo gỡ điễm nghẽn trong thi hành án dân sự, tăng cường hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Cụ thể, tại Điều 9 của Luật sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56 và 57 Luật Thi hành án dân sự theo hướng: làm rõ hơn trường hợp “ủy thác thi hành án từng phần”; đồng thời, bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản. Luật quy định rõ căn cứ ủy thác xử lý tài sản.
Cụ thể: Trường hợp bản án, quyết định tuyến kê biên, phong tỏa hoặc tuyên xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản. Luật cũng quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện ủy thác xử lý tài sản.
Làm rõ nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà cho biết, việc thu hồi sản tham nhũng là vấn đề mà cử tri, người dân quan tâm. Mặc dù những năm gần đây đạt nhiều kết quả tích cực, có tiến bộ hơn, nhưng tính trung bình chỉ thu hồi được 10% tổng số tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Chính phủ đã phát hiện một điểm nghẽn quan trọng và trong lần sửa đổi này đã tập trung tháo gỡ điểm nghẽn đó. Đó là theo quy định của Luật Thi hành án dân sự hiện hành, trong một số trường hợp, khi thi hành án phải xử lý tài sản xong trên địa bàn này thì cơ quan thi hành án dân sự mới được ủy thác thi hành án trên địa phương khác.
“Tính trung bình, để xử lý tài sản mỗi vụ việc mất khoảng 6 tháng và trong một vụ án có 5 vụ việc thì chúng ta phải kéo dài đến 3 năm. Luật Thi hành án dân sự đã bổ sung cơ chế mới, đó là cơ chế xử lý tài sản đồng thời tại nhiều địa phương có tài sản cần xử lý.
Đó là một trong các giải pháp quan trọng trong thu hồi tài sản tham nhũng, góp phần khắc phục trình tình trạng xử lý tài sản vừa chậm, vừa thấp thời gian qua”, ông Đỗ Đức Hồng Hà chia sẻ.
Trao đổi thêm về cơ chế ủy thác thi hành án từng phần, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, thời gian qua, hệ thống thi hành án dân sự đã hết sức tích cực trong tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, trong đó, xác định nội dung trọng tâm là thi hành án tín dụng, ngân hàng, án kinh tế tham nhũng theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng như của Ban Bí thư.
Theo quy định trước đây, việc ủy thác thi hành án chỉ ủy thác một lần cho một vụ việc. Nhưng có thực tế, trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng, tài sản nằm ở nhiều địa phương khác nhau. Nếu không quy định ủy thác thi hành từng phần thì rất khó khăn trong quá trình thực hiện.
Nếu chờ thi hành án xong ở địa phương này sau đó mới thi hành án ở địa phương kia thì có thể trong khoảng thời gian đó sẽ tạo kẽ hở nhất định cho các đối tượng có liên quan làm thất thoát tài sản và có thể dẫn tới thực tế là tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng kể cả vụ án về tín dụng ngân hàng đạt thấp.
Trên cơ sở đó, ông Phan Chí Hiếu nhận định: “Luật sửa đổi bổ sung lần này mở ra cơ chế có thể ủy thác thi hành tài sản ở nhiều địa phương để tiến hành đồng thời các công việc có liên quan nhằm bảo đảm hiệu quả của thu hồi tài sản”.