Tiếp tục thảo luận về công tác tư pháp và phòng, chống tham nhũng
Ngày 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Theo đó, Quốc hội dành trọn ngày Chủ nhật (24/10) để thảo luận thêm về các báo cáo về: Công tác tư pháp; Công tác phòng chống tham nhũng năm 2021; Tổ chức phiên tòa trực tuyến; Đồng thời, nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Đây là các nội dung được Quốc hội thảo luận chiều ngày 23/10.
Theo báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội chiều ngày 23/10, về công tác phòng chống tham nhũng năm vừa qua, công tác điều tra, truy tố, xét xử nam vừa qua được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đúng theo quan điểm là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" và tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng. 51 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 16 người, kỷ luật 35 người.
Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ "lợi ích nhóm", "sân sau", tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục...
Về công tác tòa án năm 2021, báo cáo của Chính phủ cho biết, trong năm qua, các Tòa án đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội quan tâm. Từ đầu tháng 10 năm ngoái đến hết tháng 9 năm nay, các Tòa án đã thụ lý gần 540.000 vụ việc, hơn 80% trong số này đã được giải quyết.
Số vụ việc đã thụ lý và đã giải quyết có giảm do ảnh hưởng bởi COVID-19, một số vụ việc không thể mở phiên tòa. Thẩm tra báo cáo này, Ủy ban Tư pháp đánh giá cao kết quả hoạt động của ngành Tòa án, chất lượng xét xử các loại án và nhiều chỉ tiêu công tác đạt và vượt yêu cầu Quốc hội giao, đặc biệt là không có án oan.
Thảo luận trực tiếp tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của công tác tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng trong 9 tháng vừa qua so với cùng kỳ năm trước; đưa ra những nhận định, đánh giá về những tiến bộ, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân trong bối cảnh tình hình dịch bệnh của những tháng cuối năm.
Đại biểu đề nghị, Quốc hội cần tiếp tục chỉ đạo, tăng cường công tác xây dựng, giải thích pháp luật, hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là cho ý kiến xem xét, thông qua các dự án luật liên quan trực tiếp đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Trước dự báo hiện tượng tội phạm lợi dụng đại dịch COVID–19 vẫn đang diễn biến phức tạp để thực hiện hành vi phạm tội, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tăng cường công tác phối hợp, phát hiện, đấu tranh phòng, chống. Đặc biệt là các loại tội phạm trên không gian mạng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm tín dụng đen, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, buôn bán hàng giả, các loại vật tư y tế, thuốc chữa bệnh...
Về dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết tổ chức phiên tòa trực tuyến nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tòa án trong công tác xét xử, bảo đảm thời hạn xét xử do luật định, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời, Chính phủ cần cụ thể hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử, hướng tới xây dựng Tòa án điện tử ở nước ta. Các ý kiến tập trung thảo luận về phạm vi, các nguyên tắc cơ bản của phiên tòa trực tuyến, một số yêu cầu khi tổ chức phiên tòa trực tuyến, đồng thời góp ý trực tiếp vào nội dung dự thảo Nghị quyết...