Gỡ vướng vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng
Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn còn nhiều vướng mắc, mà nguyên nhân lại đến từ đói vốn, trong khi nguồn vốn đầu tư công đang khát giải ngân.
Điển hình trong số các dự án nói trên là dự án Bến Lức- Long Thành, được khởi công từ tháng 7/2014 và dự kiến hoàn thành năm 2018, thế nhưng sau 7 năm thi công, dự án này vẫn chưa thể về đích.
Với dự án Bến Lức - Long Thành, vấn đề bị thiếu vốn nằm trong trường hợp bị động của Việt Nam. Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng trong trường hợp này, cần có rà soát, đánh giá các dự án trọng điểm hàng năm và có sự linh hoạt trong điều chuyển nguồn vốn để đảm bảo những dự án quan trọng không bị chậm tiến độ, cũng không bị tình trạng đầu tư thúc mãi chưa giải ngân hiệu quả.
Bên cạnh đó, câu chuyện vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm, ngoài khoản vốn vay đối ứng, cần có sự đánh giá để tham gia từ phía hệ thống tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, hiện có 58/60 dự án BOT có doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính, trong đó 17 dự án có doanh thu thực tế chưa đạt 50%. Cũng trong số đó, có 49 dự án đã đến thời hạn tăng phí theo hợp đồng. Nếu không được tăng phí, sẽ phá vỡ phương án tài chính, phát sinh nợ xấu, cũng như môi trường thu hút đầu tư tư nhân, tạo áp lực về ngân sách Nhà nước trong các giai đoạn tiếp theo. Điều này khiến ngành ngân hàng đang hết sức thận trọng.
Bởi vậy, việc rà soát và quyết toán các dự án đã hoàn tất để có phương án điều chỉnh theo đúng Luật PPP sẽ giúp các ngân hàng bớt áp lực, giảm lo ngại với các dự án hạ tầng, chủ đầu tư cũng bớt ngồi trên đống lửa. Các ngân hàng nội địa có thể không tham gia những dự án đã có nguồn cam kết vốn lớn như dự án Bến Lức- Long Thành, nhưng có thể đẩy mạnh tham gia trái phiếu địa phương, trái phiếu dự án, qua đó tiếp sức cho các dự án đầu tư công nói chung và hạ tầng nói riêng.