Gói 30.000 tỷ đồng: Người dân vẫn khó tiếp cận

Lê Cường

Sau hơn nữa tháng, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp và các cá nhân có nhu cầu vay vốn mua nhà ở xã hội với mức lãi suất ưu đãi chỉ 6%/ năm đã được triển khai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn có nhiều trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là về phía người dân có mức thu nhập thấp.

Dù gói 30.000 tỷ đồng chính thức được triển khai, người dân vẫn khó tiếp cận. Nguồn: Internet
Dù gói 30.000 tỷ đồng chính thức được triển khai, người dân vẫn khó tiếp cận. Nguồn: Internet
Ngày 15/05/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ký ban hành Thông tư số 11/2013/TT-NHNN quy định để cho vay hỗ trợ nhà xã hội với nguồn vốn giải ngân là 30.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN, trong đó có 70% gói hỗ trợ là dành cho người dân có thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, 30% còn lại dành cho các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp dễ - Người dân khó

Từ ngày 01/06/2013, thông tư sẽ có hiệu lực thi hành. Đến nay sau gần hơn nữa tháng thông tư có hiệu lực thì theo ghi nhận từ các ngân hàng được chỉ định cho vay thì chỉ có một số ít doanh nghiệp “ nhanh chân” tiếp cận để vay nguồn vốn ưu đãi của nhà nước còn hầu hết người dân thuộc diện đối tượng cho vay thì đang vướng rất nhiều thủ tục pháp lý trong quá trình vay vốn.

Một số doanh nghiệp nhạy bén đã bắt đầu làm thủ tục vay vốn và được các ngân hàng chấp thuận. Theo ông Phan Kế Toại - Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Bắc Hà Nội, "Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vicoland là đơn vị đầu tiên có uy tín, đủ điều kiện, đã được ngân hàng quan tâm, thẩm tra làm thủ tục cho vay trên 117 tỷ đồng để hoàn thành 420 căn hộ tại Khu đô thị An Vân Dương - TP. Huế với lãi suất ưu đãi 6%/năm và đã được giải ngân cho doanh nghiệp vào ngày 7/6/2013".

Theo ghi nhận ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… thì hầu hết các “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản đã bắt đầu rục rịch khởi công mới nhiều dự án, đẩy mạnh tiến độ thi công để hoàn thành nhiều dự án bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội để tranh thủ “ hiệu ứng” từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Nhiều dự án thuộc diện nhà ở thương mại cũng đang xúc tiến mạnh mẽ việc chuyển đổi sang nhà ở hội nhằm có được nguồn vốn vay ưu đãi từ chính sách giải ngân 30.000 tỷ đồng của NHNN.

Về phía người dân có thu nhập thấp, thuộc đối tượng được vay vốn trong gói hỗ trợ. Trong  những ngày đầu tháng 6, nhiều người đã chủ động tìm đến các ngân hàng để tìm hiểu việc vay vốn mua nhà lã suất thấp, nhưng đại đa số họ đều cho biết, thủ tục vay vốn còn rất nhiêu khê, rắc rối với nhiều thủ tục pháp lý rất khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Hùng, ngụ ở quận Thủ Đức cho biết, ngày 6/6, anh tìm đến một địa chỉ của ngân hàng BIDV trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh để hỏi thăm về tình hình vay mua căn hộ lãi suất thấp. Tuy nhiên, sau khi anh đưa ra một  số dự án mình muốn mua, nhân viên tín dụng ở đây cho biết, các dự án này không nằm trong danh sách cho vay hỗ trợ lãi suất. Đồng thời nêu ra một số điều kiện để có thể vay như chứng minh thu nhập, tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp… Một số điều kiện trong này thực tế rất khó khăn đối với anh. Ví dụ như anh làm kinh doanh nhỏ nên rất khó chứng minh được thu nhập hằng tháng là bao nhiêu.

“Vướng đến đâu, gỡ đến đó”

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam về việc sẽ giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, đặc biệt là các cá nhân, người có thu nhập thấp khi tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.

Theo thông tư, điều kiện đối với cá nhân được vay vốn là người có thu nhập thấp dưới 9 triệu đồng/tháng, tức là thu nhập chưa đến mức nộp thuế thu nhập cá nhân. Riêng đối với người mua nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2/căn hộ và giá bán dưới 25 triệu đồng/m2, ngoài điều kiện là người có thu nhập thấp thì phải có hộ khẩu thường trú, còn có tạm trú tạm vắng thì phải nộp bảo hiểm một năm trở lên. Tuy nhiên, mức đối tượng thế nào được mua nhà ở xã hội thì vẫn chưa có một văn cụ thể nào hướng dẫn ngoài ý kiến của Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam rằng “không phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì đều được xem xét”.

Thực tế cho thấy, khi gói 30.000 tỷ đồng chính thức được triển khai gần như các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, còn điều kiện cá nhân bị vướng mắc khá nhiều. Các ngân hàng được chỉ định rất thận trọng khi tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ vì ngoài chứng nhận là đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội, thì hiện vẫn chưa có thủ tục hướng dẫn về trình tự thế chấp. Các ngân hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lí và thu hồi nợ.

Ngoài ra về phía người dân, có ý kiến băn khoăn cho rằng, trong 70% của gói tín dụng 30.000 tỷ dành cho vay cá nhân kia thì sẽ có bao nhiêu % dành cho vay mua nhà ở thương mại, bao nhiêu % dành cho vay mua nhà thu nhập thấp. Nếu quy định chỉ ở mức chứng minh thu nhập của người vay có đảm bảo khả năng trả nợ hay không thì đối tượng mua nhà thu nhập thấp sẽ khó cạnh tranh với người mua nhà ở thương mại. Vì vậy, nếu không quy định rõ ràng về việc dành bao nhiêu vốn cho người thu nhập thấp thì những đối tượng này sẽ rất khó tiếp cận nguồn vốn trên.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết thêm “ Bộ Xây dựng sẽ họp bàn với NHNN và đề xuất với Chính phủ để những người dân đã chứng minh đủ điều kiện được mua nhà ở xã hội sẽ được vay mà không cần phải chứng minh thêm các điều kiện khác. Nếu không sẽ rất khó cho các đối tượng là cá nhân tiếp cận vay vốn ưu đãi”.