Gói hỗ trợ lãi suất: Tìm đường “đúng” và “trúng” tới doanh nghiệp
Đại dịch COVID-19 tác động nặng nề, ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế, Chính phủ, Quốc hội đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ngành ngân hàng đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất… Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn kêu không đủ.
Làm sao để các gói hỗ trợ đến đúng đích? và phát huy tác dụng? là câu hỏi các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đặt ra tại buổi Đối thoại chuyên đề “Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức tối 25/9.
Doanh nghiệp “kiệt quệ”, bị COVID-19 đánh vật về thời điểm 15-16 năm trước
Phát biểu tại buổi đối thoại, TS. Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết: Đại dịch COVID-19 tác động nặng nề, ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế cũng như làm giảm mức tăng trưởng kinh tế của hầu hết các ngành, địa phương.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội 8 tháng đầu năm 2021 giảm 4,7%, đây là hiện tượng chưa từng xảy ra nhiều năm trước dịch. Đặc biệt, du lịch lữ hành là ngành giảm mạnh nhất 61,8% trong khi bình quân 5 năm trước dịch tăng 9,8%.
Chia sẻ về lĩnh vực ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cho biết: Tăng trưởng ngành du lịch giảm rất sâu, trong 9 tháng qua, các doanh nghiệp ngành du lịch chỉ kinh doanh được 3 tháng và chỉ có khách nội địa, không có khách quốc tế. Khách quốc tế đóng cửa từ tháng 3/2020 đến giờ.
Các khách sạn, nhà hàng, lữ hành vận chuyển và dịch vụ, hầu như là dừng hết, đóng cửa 100%. Nhiều hệ thống trung tâm du lịch, giải trí từ 18 triệu khách quốc tế và 83 triệu lượt khách nội địa thì đến tháng 6/2021 tất cả chỉ là con số 0, hàng vạn doanh nghiệp và lao động thất nghiệp. “Tất cả gần như kiệt quệ, rất đau lòng” - ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng chia sẻ thêm, doanh thu của Vietravel từ 7.000 - 8.000 tỷ đồng/một năm, nhưng đến hiện tại không đạt được 10% so với con số đó. Nếu quý 4, Chính phủ cho mở lại du lịch bằng “thẻ xanh, thẻ vàng”, tâm lý dân được giải toả thì doanh thu của Vietravel có thể đạt được 10% của năm 2019. “Vietravel chưa từng nghĩ bị COVID-19 đánh vật về quãng 2007-2006, chúng tôi lùi lại "trạng thái" của thời điểm 15-16 năm trước” - Chủ tịch HĐQT Vietravel trải lòng.
Đối với ngành hàng không, Chủ tịch HĐQT Vietravel, cho biết: Khi Vietravel Airlines ra đời, nhiều chuyên gia lúc đó dự báo, năm 2021 hàng không sẽ khôi phục trở lại nhưng thực tế năm 2021 tình hình còn tệ hơn. Vietravel Airlines chỉ bay được đến tháng 5 phải dừng. Hàng trăm phi công, máy bay, tất cả nằm im trên đường băng, gây ra tổn thất tài chính vô cùng lớn. “COVID-19 vượt qua tất cả những khó khăn trong lịch sử như năm 2008 khủng hoảng kinh tế thế giới, dịch bệnh Sars... COVID-19 đẩy du lịch về con số 0 tròn trĩnh” - Chủ tịch HĐQT Vietravel nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư Ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết: Hai đợt bùng phát dịch bệnh gần nhất đều vào mùa cao điểm khiến doanh thu các doanh nghiệp hàng không đều sụt giảm 90% so với cùng kỳ. Thời điểm hiện tại, các hãng hàng không đang bay cầm chừng 50 chuyến bay/ngày, phần lớn từ 80-90% máy bay “đắp chiếu” ở các sân bay.
"Không chỉ các hãng bay mà những doanh nghiệp liên quan lĩnh vực hàng không trong Hiệp hội như dịch vụ mặt đất, cung cấp suất ăn, đào tạo,… đều chịu chung số phận. Đối với doanh nghiệp sản xuất suất ăn hàng không, số lao động chỉ duy trì cầm chừng khoảng 20%, 80% đã nghỉ việc" - TS. Bùi Doãn Nề cho biết.
Tại buổi đối thoại, các đại biểu, chuyên gia đều cho rằng, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong khi các nguồn lực dự trữ đang cạn dần, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm. Trước tình thế “cấp bách” hiện nay, các chuyên gia cho rằng nhằm tránh sự đổ vỡ cho hàng loạt doanh nghiệp, những vấn đề liên quan tới “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp như tiền lương; trả lãi vay cho ngân hàng; trả tiền thuê đất/kho bãi/nhà xưởng/văn phòng cho khu vực tư nhân; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn cần phải được tháo gỡ để doanh nghiệp có thể yên tâm hoạt động trở lại.
Cụ thể, với doanh thu giảm tụt dốc khiến số nợ ngắn hạn các hãng bay lên tới trên 50.000 tỷ đồng, tình trạng thiếu hụt dòng tiền tiếp tục leo thang, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam kiến nghị: Các doanh nghiệp trong ngành cần được vay vốn để nuôi dưỡng nguồn thu dài hạn. Các hãng bay cần được hỗ trợ thanh khoản kịp thời, tạo điều kiện cho hàng không phát triển, sẽ bảo toàn được nguồn vốn và cân đối ngân sách nhà nước trong tương lai.
"Chính phủ và Quốc hội nên xem xét cho các hãng hàng không khác vay lãi suất 0% như gói vay của Vietnam Airlines, để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, giúp các hãng hàng không giải quyết vấn đề thanh khoản. Số vay căn cứ vào nhu cầu và quy mô thị phần, khả năng đóng góp ngân sách trong thời gian vừa qua và khả năng đáp ứng ngân sách thời gian tới" - ông Bùi Doãn Nề đề xuất.
“Bơm” hơn 100.000 tỷ đồng dư nợ ưu đãi lãi suất “cứu” doanh nghiệp
Phát biểu tại buổi đối thoại, đại diện các Ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết thời gian qua ngành ngân hàng đã tận lực hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cụ thể, ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01, sau đó 2 lần sửa đổi để phù hợp thực tế, qua đó tạo khuôn khổ pháp giúp các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Kết quả đến ngày 31/8/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ còn lại hơn 227.000 tỷ đồng. Luỹ kế giá trị nợ được cơ cấu từ 21/1/2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm đối với lãi suất điều hành, sẵn sàng tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp. Thậm chí, chính bản thân các ngân hàng thương mại cũng rất nỗ lực để giảm lãi suất cho khách hàng, với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp. Gần nhất, thông qua Hiệp hội Ngân hàng, 16 ngân hàng thương mại đã đồng lòng giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam trong năm 5 tháng cuối năm 2021.
“Nhờ đó, mặt bằng lãi suất cho vay đã khoảng 1,55%/năm so với thời điểm trước khi có dịch bệnh. Đồng thời, các ngân hàng đã cắt giảm khoảng gần 30.000 tỷ đồng lợi nhuận khi miễn, giảm, hạ lãi suất, phí cho khách hàng” - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh.
Nêu quan điểm về việc dùng ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động (tương tự gói hỗ trợ năm 2009), ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, nhìn nhận: Thời điểm này nên có thêm những gói hỗ trợ như gợi ý của Quốc hội để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tuấn Anh, cho biết gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng sẽ được ngành ngân hàng "bơm" ra nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Hiện các ngân hàng đã thực hiện hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên 26.000 tỷ đồng.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế, để xây dựng cơ chế chính sách cần tính toán đến 2 mục tiêu. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là ổn định vĩ mô và kiểm soát được lạm phát. Bởi lẽ, chúng ta có làm gì mà không kiểm soát được lạm phát thì mục tiêu coi như không thành công, thậm chí tác dụng ngược. Người dân khôi phục sản xuất kinh doanh nhưng để lạm phát lên tới hai con số như năm 2009 sẽ dẫn tới hệ luỵ to lớn đến nền kinh tế.
“Gói kích cầu năm 2009 đã đạt được một số mục tiêu. Tuy nhiên, nếu nói thành công toàn diện thì chưa và đó cũng là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước và cơ quan quản lý tính toán biện pháp hỗ trợ dòng tiền. Phải linh hoạt vận dụng từ chính sách tiền tệ cho đến chính sách tài khoá để làm sao đạt được ổn định kinh tế và hỗ trợ người dân khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh” - đại diện Ngân hàng Nhà nước chia sẻ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh thì “quy mô gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng vẫn quá nhỏ, không thấm vào đâu để tạo ra sức bật giúp nền kinh tế phục hồi rõ nét". Do đó, ông Nghĩa cho rằng, gợi ý của Chủ tịch Quốc hội nên được thảo luận một cách nghiêm túc. Thứ nhất, cần biện pháp mang tính chất vĩ mô từ hai phía, đó là Ngân hàng trung ương cộng với các biện pháp hỗ trợ từ ngân sách, để bớt nặng để cho cả hai bên.
Hiện nay, Chính phủ, Quốc hội đã áp dụng nhiều chính sách cứu trợ doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp vẫn kêu không đủ, mặc dù có nhiều tổ chức hạ đến ba lần lãi suất từ năm ngoái năm nay. Vì vậy, gói kích thích lãi suất này phải tạo ra một dấu ấn riêng.
Theo đề xuất của ông Nghĩa, có thể dùng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương tạo hiệu ứng giảm mặt bằng lãi suất chung chẳng hạn, 1%/năm. Cộng với gói kích thích lãi suất này, đâu đó 2-3%/năm, tạo nên một hiệu ứng giảm lãi suất tương đối rõ rệt cho các doanh nghiệp, có thể lên đến 4%.
Ông Nghĩa cũng cho rằng, Bộ Tài chính có thể tính toán phát hành trái phiếu để vay của dân chúng hoặc vay của ngân hàng trung ương. Hiện nay, dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương rất lớn, gấp tới 4 lần dự trữ ngoại tệ năm 2009.