Gói hỗ trợ lần 2: Cần thiết thực hơn với doanh nghiệp

Theo Nguyễn Hạnh/congthuong.vn

Tác động từ dịch Covid-19 lần 2 đặc biệt lớn. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất với Chính phủ việc xây dựng, thực hiện các gói chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm được dòng tiền chi ra để duy trì hoạt động tối thiểu trong vòng 6 đến 12 tháng tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tác động từ dịch Covid-19 lần 2 đặc biệt lớn

Báo cáo khảo sát tác động của sự bùng phát dịch Covid-19 lần 2 đối với doanh nghiệp do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính thực hiện gửi Thủ tướng nêu rõ, đây là cuộc khảo sát lần 3 do Ban IV thực hiện với gần 400 doanh nghiệp và 15 hiệp hội nhằm nhận diện rõ hơn các khó khăn của doanh nghiệp khi dịch bệnh bùng phát lần hai.

Kết quả cho thấy, 20% doanh nghiệp cho biết đã phải dừng hoạt động, 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi và 2% doanh nghiệp đã giải thể, chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng do đại dịch.

Gói hỗ trợ cần thiết thực hơn đến với doanh nghiệp
Gói hỗ trợ cần thiết thực hơn đến với doanh nghiệp

 

Những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải là không có khách hàng, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, phải chịu áp lực để đảm bảo tiền lương, trả bảo hiểm xã hội và các chi phí khác cho người lao động, trả tiền lãi vay ngân hàng và nợ gốc, các chi phí đầu vào như điện, nước, nguyên liệu, thuê kho, nhà xưởng...

Đặc biệt, một số hiệp hội cho hay tiền thuê đất phải trả năm 2020 tăng đột biến bởi một số điều chỉnh chính sách, cách thức tính giá thuê đất... nên những doanh nghiệp sử dụng quỹ đất lớn, phải nộp tiền thuê tăng từ vài chục phần trăm tới mấy trăm phần trăm so với năm 2019 trở về trước.

Tác động của Covid-19 trên diện rộng khiến thị trường khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp phá sản, chuỗi cung ứng bị đứt gãy... nên doanh nghiệp không có khả năng thanh toán hoặc chậm trễ thanh toán.

Theo Ban IV, trong đợt khảo sát lần 1 vào tháng 3/2020 của Ban IV về tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp, mức độ ảnh hưởng nếu dịch kéo dài trên 6 tháng đã được dự báo khá rõ nét thông qua các con số như: “nguy cơ phá sản là gần 74%” và “tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu bị giảm trên 50% chiếm hơn 60%” số doanh nghiệp trả lời.

Tại đợt khảo sát lần 3 này, thay vì hỏi về sụt giảm doanh thu, câu hỏi khảo sát tập trung vào dòng tiền vào và ra của doanh nghiệp. Lý do là doanh thu được ghi nhận trên sổ sách của doanh nghiệp khi hàng hóa được giao đến khách hàng nhưng trên thực tế phần lớn dòng tiền thực thu lại chưa phát sinh ngay khi hàng giao. Vấn đề này tác động trực tiếp đến dòng tiền vào của các doanh nghiệp, gây ra “áp lực kép” bởi doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo các khoản “chi ngay” cho nguyên, nhiên liệu đầu vào, nhân công.

Theo kết quả khảo sát, có tới 76% số doanh nghiệp trả lời hiện không cân đối được thu chi. Chỉ có 7% doanh nghiệp trả lời có dòng tiền vào đáp ứng trên 75% chi phí. Cân đối được dòng tiền vào với chi phí của doanh nghiệp là bài toán lớn nhất hiện nay.

Tình trạng khó khăn khiến 47% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, tỉ lệ doanh nghiệp cắt giảm trên 50% lao động, chiếm 33% số doanh nghiệp trả lời. Trong đó du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp đến là ngành nông sản, nhựa, công nghệ thông tin...

Tại lần khảo sát thứ 3 này, một vấn đề hết sức đáng lưu tâm là đã có sự suy giảm niềm tin của nhiều doanh nghiệp và hiệp hội khi được hỏi ý kiến về hiệu quả của các chính sách đã ban hành cũng như hướng đề nghị các chính sách mới. Các doanh nghiệp cho biết, còn khó tiếp cận các chính sách của Chính phủ bởi nhiều điều kiện chưa hợp lý hoặc chưa thực tiễn, quy trình thủ tục còn phức tạp, mất nhiều thời gian chờ đợi các cấp hướng dẫn...

Gói hỗ trợ lần 2 cần hướng tới việc củng cố niềm tin cho doanh nghiệp

Đưa ra những khuyến nghị trong việc thay đổi cách tiếp cận và lựa chọn chính sách đối với doanh nghiệp, Ban IV cho rằng, thay vì các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đã “kiệt quệ” và “đổ vỡ” thì đề nghị Chính phủ rà soát, sửa đổi hoặc báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi theo hướng có nhiều hơn những chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm được dòng tiền chi ra để giúp doanh nghiệp cân đối, sử dụng dòng vốn còn rất mỏng cho các khoản chi tối thiểu nhằm duy trì người lao động, sản xuất, kinh doanh và tái cấu trúc doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp và hiệp hội tiếp tục kiến nghị Chính phủ áp dụng mạnh hơn việc miễn, giảm, hoãn các khoản tiền phải nộp trong năm 2020-2021.

Đi vào chi tiết, doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho tất cả các doanh nghiệp trong năm 2020, thay vì chỉ áp dụng với trường hợp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Giảm tối thiểu 50% các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020, thậm chí kéo dài sang năm 2021.

Đồng thời đề xuất Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đánh giá tính cấp thiết và ý nghĩa của việc miễn đóng kinh phí công đoàn trong cả năm 2020 đến năm 2021. Đối với thuế giá trị gia tăng, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm mức thuế xuất từ 10% xuống 5% để giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch.

Ban IV cũng đề xuất, chính sách của Chính phủ trong gói hỗ trợ tới đây cần hướng tới việc củng cố niềm tin và tạo động lực cho doanh nghiệp. Quá trình thực hiện chính sách phải thực sự đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp làm ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, Chính phủ cũng cần có các quyết sách và cơ chế giúp chính sách ra đời nhanh hơn, được thực thi nhanh, minh bạch, thuận tiện. Bởi lẽ, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng cần “cấp cứu”, nếu thực thi các chính hỗ trợ không nhanh có thể lâm vào tình trạng “chết lâm sàng”. Song song với đó, việc áp dụng chế tài mạnh với các khâu thực thi đi ngược chủ trương “tạo thuận lợi” của Chính phủ cũng là điểm nhiều doanh nghiệp kiến nghị và sẽ có tác dụng tốt để gia tăng niềm tin từ doanh nghiệp.

Đặc biệt, Thủ tướng cần chỉ đạo rà soát các chính sách đã ban hành trong gói hỗ trợ lần 1 để điều chỉnh, giảm tải các quy định, điều kiện, thủ tục còn rườm rà, bất hợp lý. Cùng với chống dịch, chống suy thoái doanh nghiệp, Ban IV cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư công, triển khai các chương trình, biện pháp quyết liệt thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư FDI và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tận dụng tốt cơ hội.