Gói hỗ trợ lần 2: Đề xuất chọn lọc ngành kinh tế trọng điểm để ưu tiên

Theo Thy Hằng/enternews.vn

Gói hỗ trợ kinh tế lần 2 đang được đề xuất, các chuyên gia cho rằng hỗ trợ thời gian tới cần có mục tiêu thứ tự ưu tiên, với hỗ trợ an sinh xã hội cần tăng liều lượng và đối tượng; kéo dài các gói hỗ trợ cho việc hoãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Chọn nhóm ngành trọng điểm để ưu tiên

Theo TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, với gói hỗ trợ lần 2 cần tiếp tục thực hiện biện pháp hỗ trợ người lao động bị giảm sâu, mất, thiếu việc làm do nhóm đối tượng này có thể gia tăng trong các tháng cuối năm, đặc biệt là các đối tượng tại các địa phương thực hiện cách ly do dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần mở rộng đối tượng được hỗ trợ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP bao gồm lao động phi chính thức.

Trong khi đó, nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, sau chính sách an sinh xã hội, chính sách tài khoá cũng cần được mở rộng hơn. Cụ thể, cơ quan này đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất TNDN từ 20% xuống 15-17% đối với DNNVV, áp dụng từ năm 2021; xem xét điều chỉnh thuế suất thuế GTGT từ 10% hiện tại xuống còn 9% để khuyến khích tiêu dùng trong nước; tiếp tục gia hạn gói giãn, hoãn thuế thêm 10 tháng; tăng cho vay qua Quỹ Phát triển DNNVV và khởi động thực chất hoạt động của các quỹ bảo lãnh vay vốn DNNVV…

Việc hỗ trợ có mục tiêu đối với các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhưng gặp khó khăn về tài chính do dịch COVID-19 cũng được một số ý kiến đưa ra. 

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, CEO Vietravel lại cho rằng trước tiên phải đặt đúng ưu tiên là cứu những ngành kinh tế sản xuất trọng điểm trước. “Chúng ta phải định vị các ngành chủ yếu, trọng điểm trước, rồi từ các ngành mới định vị doanh nghiệp”, ông Kỳ nhấn mạnh.

Bởi theo CEO Vietravel, nếu chỉ xác định cứu doanh nghiệp có khả năng sống sót trước thì có đôi khi lại lệch ngành trọng điểm, không đúng ngành mà xã hội đang cần. Như vậy sẽ xảy ra chuyện doanh nghiệp chưa đáng cứu thì lại được cứu.

Ngoài ra, ông Kỳ nhấn mạnh chính sách, thiết chế cần mang tính tổng hợp chứ không nên quá sâu, quá chuyên ngành, vì nếu như vậy thì đôi lúc sẽ thành lẻ tẻ.

“Như vậy trước hết, tôi đề nghị Chính phủ cần có sự phân loại ngành, xem cái gì là mũi nhọn và đâu là ngành tiêu dùng nhiều nguồn lực, nhiều lao động để ưu tiên giải cứu”, CEO Vietravel đề xuất.

Xa hơn là tái cấu trúc nền kinh tế

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, chính sách lần này đưa ra cần phải cố gắng làm nhanh cả về việc ra chính sách và thực thi chính sách.

Tức là chính sách hỗ trợ kinh tế lần 2 nếu đưa ra lần này cần phải bao quát toàn diện các đối tượng (doanh nghiệp, người lao động, người dân). Mặt khác, tính bao trùm phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay và kích thích tăng trưởng kinh tế tất cả các ngành nghề. Bởi vì dịch bệnh xảy ra gây tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực, các ngành nghề.

“Bên cạnh đó, chính sách lần này cần phải có điểm nhấn, và cần phải tách bạch rõ ràng những diện nào cần hỗ trợ. Chẳng hạn như cần phải ưu tiên hỗ trợ các đối tượng là những cá nhân và doanh nghiệp dễ bị hay đã bị tổn thương nhiều nhất bởi dịch bệnh”, TS. Võ Trí Thành cho biết. Cụ thể, về cá nhân đó là công nhân lao động, hộ nghèo, người thất nghiệp, lao động tự do. Về đối tượng là doanh nghiệp, đó là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, là những doanh nghiệp hầu như không có nguồn lực dự trữ và khả năng tiếp cận các nguồn lực khác.

Đồng thời chính sách mới này phải tính đến việc tái cấu trúc nền kinh tế, tức là nó không chỉ giúp nền kinh tế nước ta vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay mà còn phải bắt nhịp được với các xu hướng cải cách, xu hướng phát triển công nghệ như: công nghệ 4.0, chuyển đổi số hay cách sống mới, sự dịch chuyển chuỗi giá trị; sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư.

Đặc biệt, theo vị chuyên gia, gói hỗ trợ này cần phải tính toán cho đến năm 2021, bởi dịch bệnh sẽ còn kéo dài ít nhất là khoảng 1-2 năm nữa, ngay cả trường hợp khi sản xuất được vắc xin đại trà.