Gợi mở thâm nhập sâu vào ASEAN
Doanh nghiệp cần chú ý chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hợp lý theo hướng hiện đại, nâng nhanh tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chế biến sâu, thân thiện với môi trường.
Nguy cơ Việt Nam trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của khu vực ASEAN do không tận dụng được cơ hội từ việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã liên tục được cảnh báo thời gian gần đây.
Bài toán đặt ra là cần “lật ngược thế cờ” để hàng hoá Việt Nam “chảy” mạnh hơn vào các quốc gia ASEAN, vốn được đánh giá là thị trường tương đối dễ tính và vừa sức với doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới, biện pháp trước mắt là mở rộng sang một số thị trường còn nhiều tiềm năng như các quốc gia ASEAN. Vụ Kinh tế dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra một số thông tin để mở rộng thị trường sang các quốc gia này.
Số liệu thống kê cho thấy, 8 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu vào ASEAN ước đạt 11,14 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ. Trong số 9 nước đối tác ASEAN, 8 tháng đầu năm, Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng xuất khẩu dương với 3 nước gồm Myanmar (ước tăng 22,3% so với cùng kỳ), Philippines (15,7%) và Thái Lan (9,5%).
Chưa kể, mặc dù xuất khẩu sang Thái Lan đạt tăng trưởng dương, song đây vẫn là quốc gia có mức thâm hụt thương mại lớn nhất với Việt Nam, đạt khoảng 3,45 tỷ USD. Tổng giá trị nhập siêu 8 tháng đầu năm 2016 với ASEAN ước khoảng 4 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ 2015.
Số liệu xuất khẩu 8 tháng kém khả quan do kim ngạch của phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu từ Việt Nam sang các nước ASEAN đều có sự suy giảm so với cùng kỳ. Có tốc độ suy giảm lớn là dầu thô (ước giảm 80%), máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (giảm 56,5%), cao su (giảm 55%), hạt tiêu (giảm 30,7%), phân bón các loại (giảm 31,9%), than đá (giảm 29,4%), gạo (giảm 26%).
Một số mặt hàng duy trì được tốc độ tăng trưởng nhưng ngoại trừ máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, các mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng dương đều có trị giá nhỏ và khó bù lại phần thâm hụt cán cân thương mại do việc suy giảm xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực vào thị trường ASEAN.
Chuyên gia của Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ Kế hoạch-Đầu tư) phân tích, nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN giảm sút trong thời gian gần đây là do tính tương đồng trong cơ cấu hàng xuất khẩu và những rào cản phi thương mại khiến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn khi tìm chỗ đứng tại các thị trường này. Bên cạnh đó, nếu so với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan hay Singapore, nhiều sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh được về giá và sự đa dạng chủng loại hàng hóa.
Để đẩy mạnh quan hệ thương mại Việt Nam - ASEAN, cần xác định rõ rằng với vị trí địa lý thuận lợi, ASEAN là một trong 5 thị trường lớn và quan trọng nhất của Việt Nam.
Trước hết, cần định hướng phát triển thị trường xuất khẩu theo ba nhóm để xác định các mặt hàng xuất khẩu cho phù hợp với nhu cầu của từng thị trường. Bởi tuy là ở cùng khu vực, song mỗi thị trường lại có những yêu cầu riêng về chất lượng hàng hoá.
Cụ thể, nhóm thị trường trung chuyển hàng xuất khẩu của Việt Nam (đại diện là Singapore) để làm đường đi cho các mặt hàng tạm nhập - tái xuất sang các thị trường đòi hỏi chất lượng cao khác như Hoa Kỳ, EU...; Nhóm thứ hai là thị trường cần sự “lên tiếng” của hàng Việt Nam ở cả số lượng, chủng loại, mẫu mã, tính độc đáo và tính thời vụ như (Indonesia, Philippines, Myanmar…); Cuối cùng là nhóm thị trường gần gũi về mặt địa lý và mới nổi (như Lào, Campuchia), là các thị trường dễ tính đối với chất lượng sản phẩm hàng hoá, đồng thời có tính tương đồng cao, phù hợp với khả năng cung ứng của DN Việt Nam.
Song song với đó, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động thương mại ở thị trường ASEAN để tham gia sâu và hiệu quả hơn vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển mạnh các hệ thống phân phối hàng Việt Nam ở trong nước và từng bước mở rộng ra nước ngoài để nâng cao tính chủ động và hiệu quả xuất khẩu.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, doanh nghiệp cần chú ý chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hợp lý theo hướng hiện đại, nâng nhanh tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chế biến sâu, thân thiện với môi trường.
Do đây là các thị trường dễ tính, nên doanh nghiệp cần tận dụng để đầu tư mạnh hơn vào công đoạn chế biến sâu, giảm tỷ trọng sản phẩm thô và sơ chế để cung cấp các sản phẩm hoàn thiện; xác định được những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của những thị trường “ngách” trong từng thị trường thành viên ASEAN.