Triển vọng tích cực của các nền kinh tế ASEAN

PV.

Trong báo cáo "Tiêu điểm Kinh tế: Khu vực Đông Nam Á" vừa được công bố, Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) cho rằng, triển vọng kinh tế của khu vực ASEAN sẽ được duy trì khá tích cực trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo tổ chức này, trong những năm qua, các nền kinh tế ASEAN đã gia tăng tương đối khoảng cách về phát triển kinh tế so với các thị trường mới nổi trọng yếu khác. Trong giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của khu vực này đạt 5%, vượt xa Châu Phi (3,4%), Trung Đông (3,1%) và Mỹ Latinh (2,1%).

Nhân tố làm nên mức tăng trưởng lâu dài này là sự ít phụ thuộc hơn vào các thị trường hàng hóa của ASEAN, trong khi năng lực cạnh tranh được nâng cao, đồng thời duy trì nợ công ở mức ổn định hoặc thấp.

Những kết quả về tăng trưởng này đồng nghĩa với việc các nền kinh tế ASEAN đang tiến gần hơn tới việc hiện thực hóa “năng lực” so với các khu vực có thị trường mới nổi khác. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, dự tính mức chênh lệch về sản lượng giữa các nền kinh tế trong ASEAN thấp hơn các khu vực khác trên thế giới.

Triển vọng kinh tế của khu vực được dự báo sẽ duy trì khá tích cực, cùng với sự phục hồi ổn định của nền thương mại thế giới, hỗ trợ xuất khẩu và đầu tư công đóng một vai trò quan trọng tại một số nền kinh tế.

Tuy nhiên, báo cáo của ICAEW cũng chỉ ra rằng, vì mối quan hệ mật thiết về thương mại, tài chính với Trung Quốc nên quốc gia này sẽ vẫn giữ vai trò là một tác nhân quan trọng đối với sự phát triển của ASEAN. Do vậy, nếu nền kinh tế Trung Quốc đột ngột chững lại thì sẽ ảnh hưởng lớn đến ASEAN.

Nhận định về nền kinh tế của các nước ASEAN, báo cáo dự báo Malaysia dự tính sẽ cải thiện được tốc độ tăng trưởng trong vòng 18 tháng tới. GDP dự kiến sẽ tăng trở lại từ 4,3% năm 2016 lên 4,5% năm 2017. Tình trạng xuất khẩu trì trệ dự tính sẽ giảm nhờ đồng tiền cải thiện được sức cạnh tranh và tình hình thương mại thế giới dần khả quan hơn.

Chính sách tài khóa của Malaysia sẽ bị hạn chế bởi yêu cầu giảm thâm hụt xuống mức 3,1% GDP trong năm 2016. Tuy nhiên, mục tiêu này khó đạt được do nguồn thu từ thuế doanh nghiệp và thuế GST (thuế hàng hóa & dịch vụ) đạt thấp, từ đó ảnh hưởng gây giảm nguồn thu từ dầu mỏ.

Về Indonesia, do các số liệu kinh tế của Indonesia không ổn định nên từ tháng 6, ngân hàng trung ương nước này đã hạ lãi suất cơ bản lần thứ tư trong năm nay xuống 6,5%. Trong tình hình triển vọng tăng trưởng vẫn chưa rõ ràng do những biến động về mức cầu thế giới, Báo cáo dự báo nước này sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách và tăng đầu tư công để hỗ trợ mức tăng GDP vừa phải vào năm sau, từ 5% năm 2016 lên 5,2% năm 2017.

Báo cáo cũng nhận định lĩnh vực dịch vụ dự kiến sẽ thúc đẩy nền kinh tế Singapore. Tình hình thương mại khu vực yếu và các điều chỉnh trên thị trường nhà ở kéo theo tốc độ tăng trưởng thấp hơn mức chu kỳ trong mấy quý qua. Là một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, việc đồng Đô-la Singapore tăng giá trong năm nay sẽ càng gây thêm khó khăn cho nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực sản xuất.

Tuy nhiên, ngành dịch vụ (chiếm tới 2/3 nền kinh tế) sẽ tiếp tục phát triển sôi động, vì thế tăng trưởng GDP của nước này dự báo sẽ tăng nhẹ lên 2,2% trong năm 2017 khi thương mại toàn cầu dần cải thiện.

Đối với Việt Nam, ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á cho biết: “Các hiệp định thương mại gần đây và khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đã góp phần nâng cao lòng tin vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu gia tăng sản lượng trong thời gian tới của lĩnh vực này cũng như của toàn bộ nền kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng để bảo đảm nguồn vốn tín dụng ổn định, tập trung vào những ngành nghề có hiệu quả nhất.”