Goldman Sachs: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn đang “đi” đúng hướng

Theo Thanh Nga/kinhtevadubao.vn

CNBC đưa tin, theo các nhà kinh tế học tại Goldman Sachs, nguy cơ suy thoái nghiêm trọng của các nền kinh tế Đức và Trung Quốc đã quá mức dự báo và tài sản rủi ro toàn cầu vẫn dường như rất hấp dẫn.

Có một "bức tranh tươi sáng" cho các khoản đầu tư rủi ro nếu các sự kiện ngắn hạn như Brexit và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể được đàm phán thành công. Nguồn: Internet
Có một "bức tranh tươi sáng" cho các khoản đầu tư rủi ro nếu các sự kiện ngắn hạn như Brexit và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể được đàm phán thành công. Nguồn: Internet

Ngân hàng đầu tư này đã tuyên bố trong một ghi chú gửi cho khách hàng hôm Chủ nhật rằng, có một "bức tranh tươi sáng" cho các khoản đầu tư rủi ro nếu các sự kiện ngắn hạn như Brexit và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể được đàm phán thành công.

Hôm thứ Sáu tuần trước, thị trường bị bán tháo mạnh sau khi các dữ liệu tiêu cực của Đức được đưa ra cho thấy một sự suy thoái toàn cầu sắp xảy ra. Sự chênh lệch giữa tín phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 3 tháng và trái phiếu kỳ hạn 10 năm trở nên tiêu cực, việc này xảy ra lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ. Các nhà đầu tư coi đây là một tín hiệu cho thấy một cuộc suy thoái kinh tế có thể sắp đến gần.

Động thái trái phiếu giảm giá đã khiến thị trường chứng khoán sụt giảm nhưng thông điệp cuối tuần từ Goldman lại là “giữ bình tĩnh”.

"Theo chúng tôi, đây chỉ là một phản ứng thái quá", các nhà kinh tế học của Goldman, Jan Hatzius và Sven Jari Stehn cho biết, "Chỉ số sản xuất của Đức là một ngoại lệ trong PMI (Chỉ số quản lý thu mua) của châu Âu, đặc biệt là các số liệu của khu vực dịch vụ có vẻ khá tốt ở Đức và các quốc gia khác trong khu vực đồng Euro”.

Hai nhà kinh tế này nói thêm rằng, mặc dù áp lực đối với nền sản xuất của Đức là có trên thực tế, nhưng những điều kiện tài chính dễ dàng và một thị trường lao động mạnh đã thể hiện tài sản sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Goldman cho biết, Chỉ số hoạt động hiện hành (CAI) của Trung Quốc đang cho thấy sự tăng trưởng trong năm 2019 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này và số liệu PMI trong tháng 3, tính đến cuối tuần tới, sẽ càng gia tăng niềm tin rằng: "điều tồi tệ nhất trong tăng trưởng toàn cầu đã qua đi”.

Hatzius và Stehn đặc biệt lạc quan về triển vọng của nước Mỹ. Trong khi Goldman dự báo GDP thực tế của Mỹ (khi được điều chỉnh vì lạm phát) trong quý 1 chỉ là 0,7%, thì sau đó lại dự đoán GDP sẽ tăng vọt trở lại mức 3% trong quý II.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, sự thay đổi đột ngột này là do kết thúc giai đoạn chính phủ đóng cửa, các yếu tố mùa vụ cũng như sự cải thiện trong “bức tranh” cơ bản. Ghi chú lại được công bố quá sớm, mà chưa xem xét tới tác động từ kết quả báo cáo của Mueller.

Hai nhà kinh tế học của Goldman thừa nhận rằng, quan điểm tích cực của họ là dựa trên một quyết tâm tương đối nhanh chóng đối với Brexit và các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Goldman đã đưa ra trường hợp Brexit hoàn toàn có thể kết thúc với việc Anh vẫn là thành viên của liên minh hải quan và Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ ký kết một thỏa thuận thương mại “trong vài tháng tới”.

Về chiến lược, Goldman cho biết đã giảm bớt quan điểm tích cực về “tài sản nhạy cảm về kinh tế” gồm: cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ của các thị trường mới nổi và hàng hóa.

Tuy nhiên, ngân hàng này cho hay, một phần lý do của quan điểm trên là một bước tiến mạnh mẽ gần đây trong những khu vực này và bức tranh về tài sản rủi ro vẫn "khá tươi sáng trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu ngày càng mạnh hơn".