Góp tiền thì phải có quyền

.

Các nhà lãnh đạo tài chính thế giới đang tìm cách nâng cao vai trò của các quốc gia có nền kinh tế mới nổi (gồm Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ) và coi đó là một phần trong những cải cách nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại. Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của 20 nền kinh tế lớn thế giới đã tụ họp tại Sao Paulo, Brazil.

Các nền kinh tế mới nổi muốn nhóm 20 quốc gia phát triển, bao gồm khối G7 và các nước như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc cùng với những nước khác, được đề cao và điều đó được khẳng định tại Hội nghị cấp nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước trên thế giới vào ngày 15/11 tới tại Washington.

Xây dựng một kiến trúc tài chính mới

Chính phủ các nước phương Tây cần phải vay tiền của các quỹ để thực hiện những kế hoạch giải cứu nền kinh tế vì việc tăng thuế không phải là giải pháp thích hợp trong xu thế suy thoái.

Brazil và các quốc gia có nền kinh tế mới nổi khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga cảm thấy theo trật tự hệ thống thế giới hiện nay, họ chưa có đủ sự đại diện và quyền lực trong các tổ chức như Quỹ Tiền tệ quốc tế-IMF và Ngân hàng thế giới-WB. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nhận xét việc chấp nhận nhóm các quốc gia G7 là những nước hùng mạnh nhất đến giờ không còn phù hợp. Và bây giờ là thời điểm để xây dựng một hiệp ước mới giữa các chính phủ nhằm xây dựng một kiến trúc tài chính mới cho thế giới. Cuộc khủng hoảng đang diễn ra mang tầm cỡ thế giới nên giải pháp đưa ra cũng phải mang tính toàn cầu. Vì thế các quốc gia cần tránh sự hấp dẫn của việc thực hiện các giải pháp chỉ do một nhóm quốc gia đơn phương thực hiện. Một cơ chế toàn cầu mới cần thiết được thiết lập cho các nước. Theo nhà lãnh đạo của Brazil, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang mang lại cơ hội cho một sự thay đổi thực sự và thế giới cần tập trung khả năng cho vấn đề đó.

Khối các quốc gia có nền kinh tế mới nổi BRIC (Brazil, Russia, India, China) đã cùng kêu gọi cải tổ các tổ chức quyền lực như Quỹ tiền tệ quốc tế và hệ thống trật tự tài chính thế giới nhằm mang lại cho các nước BRIC nhiều ảnh hưởng hơn. Theo họ hệ thống tài chính thế giới hiện nay, vốn được thực hiện theo hiệp ước Bretton Woods năm 1944 đã không còn hợp lý và cần phải thay đổi để theo kịp tình hình, trong đó khối BRIC được ghi nhận đúng vai trò. Hiện tại, Trung Quốc và các nước Vùng Vịnh đang có hàng ngàn tỷ đôla dự trữ và điều đó có thể giúp IMF khả năng trợ giúp cho các quốc gia nhỏ hơn chịu đựng, trụ vững trước cuộc khủng hoảng hiện nay.

Nâng tầm vai trò

Trung Quốc là một nguồn tiền tiết kiệm đáng kể bậc nhất của thế giới tuy nhiên cũng không thể miễn dịch trước cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vì thế thái độ và cách thức tham gia của Trung Quốc giải quyết tình hình cũng rất quan trọng, xét trên phạm vi toàn cầu. Với gần 2 ngàn tỷ USD dự trữ, Trung Quốc đang ở vị trí có thể giúp đỡ giải quyết khủng hoảng tài chính của các nước phương Tây cũng như cùng với Mỹ trở thành một động cơ phát triển khác của kinh tế thế giới để từng bước. Chính phủ các nước phương Tây cần phải vay tiền của các quỹ để thực hiện những kế hoạch giải cứu nền kinh tế vì việc tăng thuế không phải là giải pháp thích hợp trong xu thế suy thoái. Tuy nhiên Dominique Strauss-Kahn - người đứng đầu Qũy Tiền tệ quốc tế cho biết việc thay đổi kiến trúc của hệ thống tài chính thế giới là cần thiết nhưng cần có thời gian vì ngay Hiệp ước Bretton Woods cũng cần tới hai năm chuẩn bị mới có thể ra đời.

Khối G20 đã thống nhất được với nhau về một số giải pháp giải cứu nền kinh tế thế giới, trong đó Trung Quốc cam kết đầu tư 862 tỷ USD và nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế tiếp tục phát triển mạnh, tạo đà cho kinh tế thế giới. Tuy nhiên nếu muốn thực hiện một cách hiệu quả thì vấn đề vai trò của các nền kinh tế mới nổi phải được xem xét lại. Chỉ khi đó các nước BRIC mới toàn tâm toàn ý tham gia giải cứu kinh tế toàn cầu.

Theo Hoa Chi (HNM)