Góp vốn hợp lệ bằng tài sản có phải kê khai, tính nộp thuế
Căn cứ những vướng mắc của Công ty TNHH Texmaster Việt Nam, Cục thuế tỉnh Bình Dương vừa có Công văn hướng dẫn doanh nghiệp triển khai thực thực hiện thủ tục góp vốn hợp lệ bằng tài sản.
Theo đó, tại Công văn số 18471/CT-TT&HT của Cục Thuế tỉnh Bình Dương hướng dẫn công ty như sau:
Căn cứ điểm a, Khoản 7, Điều 5, Thông tư 219/2013/TT- BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT): Cơ sở kinh doanh không phải kê khai, nộp thuế trong trường hợp “góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp. Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp phải có: biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên doanh, liên kết; biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật), kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản”.
Việc lập hoá đơn, chứng từ đối với tài sản góp vốn, tài sản điều chuyển, theo điểm b, Khoản 2.15, Phụ lục 4, ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính yêu cầu: Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp phải có: biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên doanh, liên kết; biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật), kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì doanh nghiệp áp dụng Điều 39, Điều 40 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014, cụ thể chuẩn bị các nội dung sau: (1) Mã số dự án đầu tư; (2) Tên, địa chỉ của nhà đầu tư; (3) Tên dự án đầu tư; (4) Địa điểm thực hiện dự án đầu tư; diện tích đất sử dụng; (5) Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư; (6) Vốn đầu tư của dự án (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động), tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn; (7) Thời hạn hoạt động của dự án; (8) Tiến độ thực hiện dự án đầu tư: tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động (nếu có); tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động, hạng mục chủ yếu của dự án, trường hợp dự án thực hiện theo từng giai đoạn, phải quy định mục tiêu, thời hạn, nội dung hoạt động của từng giai đoạn; (9) Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có); (10) Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án (nếu có).
Khi có nhu cầu thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo đó, căn cứ Điều 36 Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc Hội quy định: Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản. Biên bản giao nhận phải ghi rõ tên và địa chỉ trụ sở chính của công ty; họ, tên, địa chỉ thường trú, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, số quyết định thành lập hoặc đăng ký của người góp vốn; loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty; ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc đại diện theo ủy quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty./.