Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Tài chính:

GS.,TS.,NGND. Ngô Thế Chi: Người thầy tận tâm với sự nghiệp trồng người

Hồng Sâm

(Tài chính) “Bền bỉ và cầu toàn” - Đấy là những gì tôi thường được nghe mọi người nói về thầy - GS., TS. NGND Ngô Thế Chi - Giám đốc Học viện Tài chính. Và trong những năm tháng qua, khi được trực tiếp gặp gỡ, cộng tác trong công việc cùng thầy, tôi càng hiểu thêm về thầy, người "thắp lửa" đam mê khoa học cho thế hệ trẻ hôm nay.

Nhiệt huyết với sự nghiệp khoa học
GS.,TS.,NGND. Ngô Thế Chi: Người thầy tận tâm với sự nghiệp trồng người - Ảnh 1
GS., TS. NGND Ngô Thế Chi - Giám đốc Học viện Tài chính.

Sinh năm 1954 - khi đất nước đang gặp chiến tranh, cũng như bao thanh niên khác, GS. Ngô Thế Chi đã hăng hái lên đường đi đánh giặc với bao khát vọng: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Và, khi đất nước thống nhất, anh bộ đội Cụ Hồ quê Xuân Cẩm, Hiệp Hòa, Bắc Giang ấy đã phơi phới bước vào tương lai từ giảng đường của Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội. Là một sinh viên ưu tú rồi đến giảng viên xuất sắc và nổi trội về khả năng phân tích, dự đoán kinh tế, vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi thầy Ngô Thế Chi là nghiên cứu sinh khóa 1 và là người đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ chuyên ngành Kế toán - Tài chính và phân tích hoạt động kinh tế của trường vào năm 1991. Đây chính là sự khởi nguồn quan trọng để những năm tháng sau đó thầy đã dành trọn cả cuộc đời cho khoa học trong sự bền bỉ, say sưa thật đáng khâm phục.

Chỉ tính riêng trong gần 10 năm trở lại đây, GS.,TS. NGND Ngô Thế Chi đã chủ nhiệm thành công rất nhiều đề tài cấp Bộ và cấp Nhà nước như: “Hoàn thiện giải pháp kinh tế- tài chính hình thành và phát triển thị trường lao động ở Việt Nam”; “Giải pháp tài chính huy động vốn từ thị trường bất động sản ở Việt Nam”; “Giải pháp phát triển kiểm toán độc lập ở Việt nam đến 2015”; “Giải pháp tài chính huy động vốn từ thị trường bất động sản ở Việt Nam”; “Giải pháp tài chính phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam”… Cùng với các công trình nghiên cứu ấy, thầy còn là chủ biên của rất nhiều cuốn sách, giáo trình đại học, sau đại học. Điển hình như các giáo trình: Kế toán Tài chính (NXB Tài chính 2007, 2008, 2010), Kế toán thương mại dịch vụ cho trường Quản lý kinh doanh và công nghệ 2008, Kế toán kinh doanh chứng khoán (NXB Tài chính 2007, 2009), Kế toán cho Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào 2008…

Còn trong hàng chục bài báo, bài nghiên cứu tại các hội thảo trong nước và quốc tế của thầy thì phải kể đến các bài như: Kiểm định chất lượng đào tạo và các giải pháp định hướng nhằm đạt chuẩn chất lượng đào tạo ở Học viện Tài chính giai đoạn 2010 – 2015 (Tạp chí Nghiên cứu Tài chính Kế toán tháng 1/2006); Phát triển khu, vùng công nghiệp là động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNNN ở việt Nam (Tạp chí Nghiên cứu Tài chính Kế toán tháng 8/2006), Lạm phát kinh tế - Việt Nam cần làm gì? (Hội thảo khoa học tại Đại học Kinh tế Quốc dân 2010)…

Đặc biệt, từ hiệu quả thực tế cho thấy, những năm qua, sách của thầy Ngô Thế Chi luôn là “cẩm nang” cho nhiều thế hệ sinh viên Học viện Tài chính, các nhà nghiên cứu và đông đảo cán bộ, công chức muốn tìm hiểu chuyên sâu về lĩnh vực kế toán, tài chính.

Không ngừng “thắp lửa” cho thế hệ trẻ

Mỗi khi được trò chuyện cùng thầy, tôi thấy, điều mà thầy luôn đặc biệt lưu tâm khi nói về những bài học dành cho sinh viên trên giảng đường. Với thầy, việc truyền đạt kiến thức thế nào cho đúng, cho đủ và hấp dẫn sinh viên là rất quan trọng. Song, khi nhìn cụ thể vào môn kế toán mà thầy vẫn thường lên lớp - một môn học vừa khô khan vừa khó, thầy còn nhấn mạnh: Dù khô khan đến mấy, khó đến mấy nhưng nếu như người giảng viên biết cách hướng dẫn để sinh viên hiểu môn học của mình, biết được môn học đó để làm gì, mỗi sinh viên đang đứng ở vị trí nào thì chắc chắn rằng các em đều yêu quý nó để tiếp thu một cách nhẹ nhàng và hiệu quả.

Việc thắp lửa cho thế hệ trẻ của GS.,TS. NGND Ngô Thế Chi không chỉ ở trên giảng đường mà còn là những tháng ngày thầy tận tụy hướng dẫn cả trăm sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh làm luận văn tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ hoặc như làm chủ tịch nhiều Hội đồng chấm luận án tiến sĩ, thạc sĩ cấp nhà nước. Và từ đây, niềm đam mê khoa học của thầy đã lan tỏa sang thế hệ trẻ để ngày qua, hôm nay và mai sau lớp lớp học trò yêu quý của thầy đều trưởng thành là những nhà khoa học, những thầy cô giáo, những doanh nhân và có nhiều người giữ những trọng trách trong các bộ, ngành và địa phương.