Hai "cú sốc" với nước Mỹ
Nếu đại dịch Covid-19 với kỷ lục đứng đầu thế giới về số người lây nhiễm và tử vong là cú sốc thứ nhất, thì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ phức tạp chưa từng có mà đỉnh điểm là bạo loạn là cú sốc thứ hai.
Ông Joe Biden được chính thức công nhận là Tổng thống thứ 46. Lần đầu tiên kể từ năm 2010, Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát lưỡng viện. Nhưng sự chia rẽ thực sự ngấm sâu vào nước Mỹ, từ Quốc hội, nội bộ Đảng Cộng hòa, từng bang đến từng gia đình. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đòi ngay lập tức tước quyền ông Trump, nếu không sẽ luận tội kích động bạo lực.
Nhiều người gọi 6/1 là “ngày đen tối”, vụ bạo loạn là cuộc đảo chính. Thậm chí có người cho rằng nước Mỹ đang đứng trước “hội chứng nội chiến”. Khác với cuộc nội chiến cách đây gần 150 năm (1861-1865), lần này không có chiến tuyến, mà “mọi người đấu với mọi người”.
Đảng Cộng hòa có thể phản công bằng cách gây chia rẽ, bất phục tùng ở các bang, dẫn tới Mỹ không có 1 chính quyền thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Nước Mỹ đi từ hỗn loạn đến bạo loạn. Khủng hoảng, chia rẽ sẽ kéo dài.
Người biểu tình tràn vào Nhà Quốc hội, hoạt động của lưỡng viện gián đoạn, các nghị sĩ phải sơ tán. Vệ binh Cộng hòa, Cảnh sát Nhà Quốc hội phải sử dụng đạn cao su, hơi cay, dụng cụ chống bạo loạn và cả trực thăng để trấn áp, giải tán đám đông.
Thông thường, các cuộc bầu cử tổng thống là khoảnh khắc người Mỹ có thể soi mình trong gương, nhìn lại những điều đã qua. Tuy nhiên, vào giai đoạn nước rút gay cấn của cuộc bầu cử năm nay, thế giới từ lâu đã chú ý tới những góc tối của nước Mỹ và nhìn thấy hình ảnh một quốc gia "bầm dập" đầy chia rẽ.
Nước Mỹ đang đối mặt với hàng loạt mối đe dọa khi Covid-19 đã giết chết hơn 365.000 người và số ca nhiễm vẫn tăng mạnh ở các bang. Nền kinh tế Mỹ lao dốc, kéo theo đó là các gia đình Mỹ đang rơi vào tình trạng bếp bênh.