Hai kịch bản kinh tế Việt Nam trong trung hạn
(Tài chính) Dự báo, mức tăng trưởng GDP năm 2014 là 5,71%; năm 2015 là 6,13%; bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt mức 5,75%. Lạm phát năm 2014 là 5,34%; năm 2015 là 6,33%; bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt: 9,05%.
Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố Hai kịch bản kinh tế Việt Nam trong trung hạn tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam đến 2025: Cơ hội và Thách thức.
Nền kinh tế vẫn đang bộc lộ nhiều điểm nghẽn
Theo ThS. Phó Thị Kim Chi và nhóm nghiên cứu Ban Phân tích và Dự báo – Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, trong giai đoạn 2011-2013, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có lúc ở mức thấp nhất trong vòng 15 năm trở lại đây cho thấy, kinh tế Việt Nam đang bộc lộ những điểm nghẽn, sự mất cân đối và kém hiệu quả.
Cụ thể, giai đoạn 2011-2013, tăng trưởng kinh tế ở mức khiêm tốn. Nếu như trong giai đoạn 200-2005, tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm, thì giai đoạn 2006-2010 giảm xuống 6,3%/năm và giai đoạn 2011-2013, tăng trưởng GDP chỉ khoảng 5,62%. Xu thế giảm nhanh và liên tục bắt đầu tư năm 2007, đến năm 2012 tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất trong 15 năm qua.
Xét trong ngắn hạn, nguyên nhân tăng trưởng thấp là do lực cầu nội địa yếu, trong khi phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009.
Xét trong dài hạn, nguyên nhân của tình trạng trên là do kinh tế trong nước mất cân đối và kém hiệu quả: mô hình tăng trưởng dựa nhiều và thâm dụng vốn và lao động, hiệu quả đầu tư thấp; doanh nghiệp trong nước đang trong quá trình tái cơ cấu, nhưng chưa có được một nền tảng vững chắc, xuất khẩu còn dựa nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; một số lĩnh vực phát triển nhanh, nhưng không bền vững, như: bất động sản, chứng khoán; thâm hụt ngân sách lớn, nợ xấu cao…
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu lưu ý một vấn đề trong tăng trưởng hiện nay của Việt Nam là nguy cơ tụt hậu. So sánh với các quốc gia trong khu vực, thì chỉ có Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giảm trong 3 năm liên tiếp, kể từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009, trong khi kinh tế các nước khác đã trên đà khởi sắc. Đặc biệt, năm 2012, tốc độ tăng GDP của Việt Nam chỉ ở mức 5,25%- thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Đánh giá về năng suất lao động của Việt Nam, TS. Đỗ Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia cho biết, những năm qua, năng suất lao động có xu hướng tăng về tỷ lệ tuyệt đối, nhưng gia tốc giảm dần, đến đang rơi vào gia tốc âm, như: ngành xây dựng- bất động sản…
Tình trạng đầu tư dàn trải vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để: Năm 2010, các bộ, ngành và địa phương phân bổ vốn ngân sách nhà nước cho tổng số 16.658 dự án với số vốn bình quân phân bổ cho dự án là 7 tỷ đồng; vốn bình quân phân bổ cho dự án nhóm A ở trung ước năm 2010 xấp xỉ 115 nghìn tỷ đồng.
Đến năm 2011, quy mô trung bình một dự án đầu tư là 11 tỷ đồng/dự án; Năm 2012, tăng lên là 17 tỷ đồng/dự án. Tình trạng đầu tư phong trào, rập khuôn của các ngành, địa phương diễn ra phổ biến, nhưng chậm được khắc phục, trọng đó chưa thực sự chú trọng tới hiệu quả lợi thế so sánh của địa phương;.
Hiệu quả đầu tư vẫn ở mức kém, thể hiện qua chỉ số ICOR: Hệ số ICOR trung bình giai đoạn 2001-2005 đạt 4,33; giai đoạn 2006-2010 tăng lên 8,31 và giai đoạn 2011-2013 tiếp tục tăng 9,2.
Nguyên nhân làm cho ICOR cao một phần là do Việt Nam đang trong giai đoạn tập trung dầu tư cho hạ tầng cơ sở, bao gồm cả hạ tầng cơ sở ở vùng sâu, vùng xa và đầu tư cho xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
“Tuy nhiên, so với các quốc gia khác đã trải qua giai đoạn phát triển tương đồng như Việt Nam, thì hệ số ICOR của Việt Nam hiện nay vẫn ở ngưỡng cao”, TS. Thành cảnh báo.
Năm 2014: Tăng trưởng GDP chỉ đạt mức 5,71%
Kinh tế thế giới giai đoạn 2014-2015 được dự báo có nhiều khả năng phát triển tốt hơn giai đoạn 2011-2013. Dự báo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ ở mức 2,8% trong năm 2014 và tăng lên mức 3,4% năm 2015.
Trên cơ sở nhiều yếu tố khả quan của nền kinh tế, các chuyên gia của Trung tâm Thông tin Kinh tế - Xã hội Quốc gia đã đưa ra dự báo, mức tăng trưởng GDP năm 2014 là 5,71%; năm 2015 là 6,13%. Dự báo GDP bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt mức 5,75%. Lạm phát năm 2014 là 5,34%; năm 2015 là 6,33%; Lạm phát bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt: 9,05%.
Các chuyên gia cũng đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn (2016-2025). Ở cả hai kịch bản, tốc độ tăng trưởng kinh tế chung đều có xu hướng cải thiện hơn.
Kịch bản thấp: Diễn ra trong điều kiện nền kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn và bất ổn và nền kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, bất ổn, quá trình cải cách kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng yếu. Mặc dù, có những lợi thế nhất định từ việc thúc đẩy hội nhập quốc tế, nhưng khả năng tận dụng những cơ hội này vẫn chưa được như kỳ vọng. Nguy cơ lạm phát vẫn thường trực do mô hình kinh tế chậm chuyển đổi, vốn có thể tăng hơn, nhưng hiệu quả sử dụng vốn chưa thực sự được cải thiện.
Trong điều kiện đó, nhóm nghiên cứu đưa ra dự báo mức tăng trưởng GDP năm 2016-2020 là 6,50%; giai đoạn 2021-2025 là 7,07%. Lạm phát giai đoạn 2016-2020 là 6,7%; giai đoạn 2021-2025 là 6,5%.
Các chuyên gia cũng đưa ra Kịch bản cao và coi đây là kịch bản chủ, với nhiều khả năng xảy ra hơn, được hy vọng khi nền kinh tế thế giới ổn định và Việt Nam dốc toàn lực cho công cuộc cải cách nền kinh tế va đổi mới mô hình tăng trưởng. Khi đó, những cơ hội từ hội nhập kinh tế sẽ được tận dụng tốt hơn, nguồn vốn được sử dụng hiệu quả hơn. Do vậy, tuy tăng trưởng GDP cũng sẽ khó cao như mong đợi cho những chi phí trong quá trình chuyển sang mô hình tăng trưởng mới nhưng sẽ là bước đệm quan trọng để giúp duy trì phát triển trong dài hạn.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, GDP tăng 7,1%; giai đoạn 2021-2025 tăng 7,61%. Lạm phát giai đoạn 2016-2020 là 7,21%; giai đoạn 2021-2025 là 7,78%.
Nhìn chung, trong giai đoạn 5 năm 2016-2020, dự kiến cơ cấu ngành tiếp tục được dịch chuyển nhanh hơn, do quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo đó, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản tiếp tục giảm trong tổng GDP, có khả năng đạt mức 15% trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm đạt mục tiêu chiến lược 2010-2020. Tuy nhiên, tốc độ tăng vẫn duy trì ổn định quanh mức 3%-4%.
Tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ tiếp tục tăng trong tổng GDP, trong đó dịch vụ chiếm tỷ trọng chủ yếu, có thể đạt tới 45%; duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh và dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
Công thức cho phát triển trung hạn?
Để nền kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đảm bảo được bền vững trong dài hạn cần giải quyết dứt điểm các nút thắt, như: nợ đọng trong thị trường bất động sản; nợ xấu và kiện toàn hệ thống tài chính tín dụng.
“Cải thiện cầu trong nước theo hướng thay đổi cơ cấu tiêu dùng bằng cách mở rộng cho vay tiêu dùng, tăng mạnh tiêu dùng dân cư coi đây là động lực làm tăng sản xuất”, ông Thành lưu ý.
Bên cạnh đó, các chuyên gia còn khuyến nghị cần phải minh bạch, công khai hóa thông tin về hiện trạng nền kinh tế nhằm nâng cao niềm tin của giới đầu tư.
TS. Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhấn mạnh rằng, thời gian tới Việt Nam không còn dư địa cho mở rộng đầu tư để tăng trưởng. Do đó, thời gian tới cần tăng năng suất lao động, thay đổi TFP.
“Quan trọng là chúng ta có tạo được động lực mới cho nền kinh tế hay không? Còn việc tăng GDP tương xứng với tiềm năng của Việt Nam thì phải tăng năng suất lao động, năng suất xã hội”, ông Ngoạn chỉ rõ.
Câu chuyện chuyển dịch cũng đã tới hạn, không còn nhiều dư địa. Còn là bởi thừa hưởng những lợi thế của TPP, FTA, nhưng không nhiều. Theo UNDP, các hệ số lao động đang giảm dần, đã bắt đầu vượt qua điểm cao của giai đoạn “dân số vàng”.
Vậy làm thế nào để thay đổi? Theo vị chuyên gia này, điều quan trọng phải thiết lập được nền kinh tế thực sự cạnh tranh, một nền kinh tế thị trường cạnh tranh hoàn hảo thì chưa thể có nền giá cả thực sự theo cung – cầu thị trường. Phải đảm bảo sự bình đẳng cho tất cả các chủ thể của thị trường thì khi đó mới tạo ra được thị trường thực sự.
Công thức cho phát triển trong trung hạn của Việt Nam theo ông Ngoạn là: Động lực là cải cách nền tảng, chủ yếu là hoàn thiện nền kinh tế thị trường, đặc biệt tập trung vào giá cả cạnh tranh và phân biệt rõ vai trò của Nhà nước với thị trường. Khu vực có tiềm năng lớn nhất là khu vực tư nhân.
Đồng tình với các quan điểm của các chuyên gia tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng e ngại: “trong thời gian tới, nếu không có những động lực mới thì việc tụt hậu đã hiển hiện trước mắt, chứ không còn là nguy cơ”.
Thứ trưởng băn khoăn đâu là nguyên nhân, do chúng ta chưa nắm hết được cơ hội? Hoặc chưa tạo ra được các cơ hội mới? Hay do ta chưa có những chính sách phù hợp?
Ông cũng thừa nhận, chính sách hiện nay chưa mang tính chủ động, mặc dù rất nhiều, trong khi không có nguồn lực để làm, phân tán dẫn tới hiệu quả thấp. Vì thế, Thứ trưởng đề nghị, các chuyên gia cần phân tích, làm rõ đâu là cơ hội, đâu là thách thức để từ đó đề xuất những khuyến nghị sát nhất, hiệu quả nhất với các nhà hoạch định chính sách.