Hai nghị định "song sinh" tạo lập môi trường cho PPP
(Tài chính) Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo PPP, và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư đã tạo khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh cho PPP.
Tại Hội nghị giới thiệu về hai nghị định này diễn ra ngày 25/3, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, nếu Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) ra đời đánh dấu một bước đổi mới về thể chế trong hoạt động thu hút đầu tư tư nhân vào kết cấu hạ tầng và dịch vụ công, thì Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư là sự hoàn thiện cơ chế đó. Nghị định 30 bổ sung cơ chế cạnh tranh hướng tới hiệu quả tối ưu của các dự án trong lĩnh vực này. Có thể coi đây là cặp song sinh nhằm tạo lập môi trường đầu tư PPP tại Việt Nam.
BOT, BT là một dạng PPP
Ông Tăng đã khẳng định điều này để muốn nói lên rằng, PPP thực ra cũng không phải là điều gì mới mẻ với Việt Nam.
Trước đây, chúng ta đã có các quy định về đầu tư theo PPP dưới hình thức BOT, BT, BTP... Cụ thể, văn bản đầu tiên là Nghị định 87/CP ban hành năm 1993 về quy chế đầu tư theo hình thức BOT. Trước khi Nghị định 15 ra đời, thì 2 văn bản pháp lý quan trọng cho hình thức PPP là Nghị định 108/2009/NĐ-CP về BOT, BTO, BT và Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về thí điểm dự án PPP. Tuy nhiên, hai văn bản này đã làm cho các nhà đầu tư và nhà quản lý đôi lúc lẫn lộn, có người hiểu PPP không phải là BOT, có người hiểu BOT chính là PPP...
Chính vì vậy, một trong các nhiệm vụ của cơ quan soạn thảo Nghị định 15 là phải tìm cho ra bản chất của PPP là gì? Ông Tăng cho biết, tất cả dự án công mà nhà nước phải làm để phục vụ cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội, như: bến cảng, đường, trường học, bệnh viện, xử lý rác thải..., tuy nhiên nhà nước không đủ tiềm lực kinh tế để triển khai, thì phải mời gọi nhà đầu tư tư nhân thực hiện và tạo điều kiện cho họ thu lại vốn thông qua thu phí hay hình thức khác, đó là các dự án theo hình thức PPP.
Đầu tư theo hình thức PPP không chỉ gồm các hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT... Các hình thức hợp đồng trong Nghị định 15 đã được quy định cụ thể hơn, ngoài các dạng hợp đồng cơ bản như BOT, BTO và BT, thì nghị định mới có thêm các loại hợp đồng khác như BOO, O&M, BLT, BTL… Ngoài ra, trên thực tế, nhà đầu tư có thể đề xuất các loại hợp đồng khác dựa trên các điều kiện quy định của Nghị định.
Theo quy định tại Nghị định số 15/2015/ND-CP, các lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) khá đa dạng, bao gồm: (1) Công trình kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và các dịch vụ có liên quan; (2) Hệ thống chiếu sáng, hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống thoát nước, hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nghĩa trang; (3) Nhà máy điện, đường dây tải điện; (4) Công trình kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, văn hóa thể thao và các dịch vụ liên quan, trụ sở của cơ quan nhà nước; (5) Công trình kết cấu hạ tầng thương mại, khoa học công nghệ, khí tượng thủy văn, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, ứng dụng công nghệ thông tin; (6) Các công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Với PPP, các địa phương có thêm một kênh thu hút vốn để tháo gỡ nút thắt trong các dự án trong đầu tư các dự án công. PPP được ưu tiên trong quá trình hoạch định và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong 5 năm tới.
Kiểm soát đầu ra thay cho đầu vào
Nghị định 15 cho thấy, khung pháp lý mới về PPP chú trọng kiểm soát “đầu ra” thay cho việc quản lý chặt các yếu tố “đầu vào” của các dự án. Đây là cách tiếp cận mới, theo đó làm rõ các yêu cầu về chất lượng của công trình, dịch vụ sẽ được cung cấp, không định hướng cho một loại công nghệ, giải pháp triển khai. Nhà đầu tư có giải pháp công nghệ tối ưu sẽ được lựa chọn thông qua đấu thầu để đảm bảo chất lượng cao nhất.
Nghị đinh 30 cũng thống nhất với cách tiếp cận đầu ra thay cho đầu vào của khung pháp lý mới về PPP. Nghị định 30 quy định rõ hồ sơ mời thầu phải nêu các tiêu chí đánh giá về chất lượng công trình, dịch vụ được cung cấp. Đây là điểm khác biệt cơ bản với hồ sơ mời thầu đối với nhà thầu. Với nhà đầu tư, hồ sơ mời thầu không chỉ định công nghệ để phát huy tối đa sự năng động, sáng tạo và năng lực kỹ thuật của nhà đầu tư.
Khuyến khích nhà đầu tư để xuất ý tưởng
Nghị định 15 phân biệt rõ hai phương thức nhà đầu tư tư nhân tiếp cận và tham gia vào dự án có mục đích công.
Trường hợp thứ nhất, nhà nước xác định ý tưởng, lập đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi (solicited). Nhà đầu tư được tham vấn trong quá trình chuẩn bị dự án, đấu thầu giành quyền thực hiện dự án. Đây là cách làm chủ đạo với các dự án thuộc quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch ngành.
Trường hợp thứ hai, nhà đầu tư đề xuất ý tưởng, lập đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi (unsolicited). Khi có báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, cơ quan nhà nước tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư đề xuất dự án được hưởng mức ưu đãi nhất định trong đấu thầu, trường hợp không trúng thầu sẽ được hoàn trả chi phí nghiên cứu dự án đã xác định từ trước. Các ưu đãi này được cụ thể ngay trong Nghị định 30 tại Điều 3 với 4 trường hợp:
- Trường hợp áp dụng phương pháp giá dịch vụ, nhà đầu tư không thuộc đối tượng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 5% giá dịch vụ vào giá dịch vụ của nhà đầu tư đó để so sánh, xếp hạng.
-Trường hợp áp dụng phương pháp vốn góp của Nhà nước, nhà đầu tư không thuộc đối tượng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 5% phần đề xuất vốn góp của Nhà nước vào phần vốn góp của Nhà nước mà nhà đầu tư đó đề xuất để so sánh, xếp hạng.
- Trường hợp áp dụng phương pháp lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước thì nhà đầu tư thuộc đối tượng ưu đãi được cộng thêm một khoản tiền bằng 5% phần nộp ngân sách nhà nước vào phần nộp ngân sách nhà nước mà nhà đầu tư đó đề xuất để so sánh, xếp hạng.
- Trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo tỷ trọng của phương pháp kết hợp nhưng tổng giá trị ưu đãi không vượt quá 5%.
Rút gọn thủ tục đối với dự án nhóm C
So với thông lệ quốc tế là chỉ thực hiện dự án PPP có quy mô lớn, Nghị định 15 quy định bổ sung mô hình dự án PPP quy mô nhỏ, được xác định là dự án nhóm C theo Luật Đầu tư công. Đây là điểm mới phù hợp với Việt Nam, đặc biệt là với các dự án nông nghiệp, phát triển nông thôn,…có ý nghĩa lớn cho cộng đồng.
Để tạo tính linh hoạt, Nghị định 15 quy định thủ tục rút gọn với các dự án này là: không phải thực hiện các bước như lập báo cáo nghiên cứu, không phải thành lập doanh nghiệp dự án và không cần thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thống nhất tinh thần của khung pháp lý mới về PPP, trong Nghị định 30, việc đấu thầu dự án PPP nhóm C hoặc dự án có sử dụng đất mà sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án (không gồm phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) dưới 20 tỷ đồng cũng được rút gọn về mặt thủ tục: không bắt buộc áp dụng sơ tuyển, không thực hiện bước đàm phán sơ bộ hợp đồng, không cần ký kết thỏa thuận đầu tư, đồng thời giám các định mức về chi phí và thời gian.