Hải Phòng đặt mục tiêu thành lập khu kinh tế xanh đầu tiên

Xuân Trường

Thành phố Hải Phòng là trung tâm sản xuất công nghiệp lớn, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số trong nhiều năm qua. Năm 2023, Hải Phòng thu hút 3,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, đứng thứ hai cả nước (sau TP. Hồ Chí Minh). Hiện nay, chính quyền Thành phố đang tập trung phát triển nền kinh tế bền vững, với đề xuất “Khu kinh tế ven biển phía Nam Thành phố” và đặt mục tiêu trở thành khu kinh tế xanh đầu tiên của Việt Nam.

Hải Phòng là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của cả nước.
Hải Phòng là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của cả nước.

Là một trong những đô thị lớn của Việt Nam, Hải Phòng có 14 khu công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 6.100 ha. Ngoài ra còn có Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải với tổng diện tích 22.540 ha. Các khu công nghiệp và khu kinh tế này thu hút nhiều doanh nghiệp, với tỷ lệ lấp đầy chung là 63,8% từ 688 dự án, với tổng số vốn đầu tư 36,32 tỷ USD.

Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải thành lập năm 2008, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn thông qua nhiều ưu đãi. Tính đến cuối năm 2023, tổng vốn đầu tư vào khu vực này lên tới xấp xỉ 31 tỷ USD, với hơn 60% vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm Tập đoàn LG của Hàn Quốc, “gã khổng lồ” công nghệ Đài Loan Pegatron, nhà sản xuất đồ may mặc Hồng Kông Regina Miracle, Hãng Fujifilm và nhà sản xuất gốm sứ, điện tử Kyocera của Nhật Bản.

Khu kinh tế ven biển phía Nam Thành phố là một trong những dự án phát triển trọng điểm của Hải Phòng giai đoạn 2021-2030, có tiềm năng nhân rộng những thành tựu vượt trội của Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải.

Theo quy hoạch, Khu kinh tế ven biển phía Nam sẽ có tổng diện tích khoảng 20.000 ha, bằng khoảng 90% diện tích Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải. Khu kinh tế này sẽ sử dụng Cảng Nam Đồ Sơn và Sân bay quốc tế Tiên Lãng làm cảng nội địa. Trước khi trở thành khu thương mại tự do, Khu kinh tế này sẽ tập trung ưu tiên phát triển vào các khu công nghiệp, trung tâm logistics quốc tế và các thành phố ven biển.

Hải Phòng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về kinh tế xanh và tuần hoàn. Thành phố hợp tác với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO - Thụy Sĩ) để mở rộng quy mô các khu công nghiệp sinh thái. Khu công nghiệp DEEP C (Đình Vũ) và Khu công nghiệp Nam Cầu Kiên chủ yếu là nơi tập trung các doanh nghiệp gây ô nhiễm thấp, đóng vai trò là hình mẫu cho các khu công nghiệp bền vững khác tại Việt Nam.

Mặc dù chưa có những yêu cầu xanh cụ thể đối với các công ty tại đây, tuy nhiên, Thành phố đã có danh sách các dự án đầu tư được khuyến nghị và không được khuyến nghị, trong đó, các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm sẽ không được phép hoạt động.

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, các nhà đầu tư đã tiến hành nghiên cứu khu kinh tế mới, với vốn đầu tư dự kiến khoảng ​​2,5 tỷ USD để phát triển. Chính quyền thành phố Hải Phòng cũng đã ký nhiều biên bản ghi nhớ với các cảng Los Angeles, New York và New Jersey để phát triển các khu phức hợp, bao gồm cảng, sân bay, thành phố, công nghiệp, năng lượng và hậu cần với quy mô khoảng 10 tỷ USD.

Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng ước tính, năng lực sản xuất của Khu kinh tế mới đến năm 2030 có tiềm năng đạt 80% năng lực sản xuất của Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải vào năm 2023.