Hải quan Bình Dương tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại
Thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm trên địa bàn tỉnh Bình Dương có chiều hướng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trước thực trạng này, Hải quan Bình Dương đã tăng cường các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong kinh doanh thương mại điện tử
Theo Cục Hải quan Bình Dương, thủ đoạn phổ biến của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại là lợi dụng vị trí địa lý Bình Dương là địa bàn giáp ranh với các tỉnh, thành phố có cảng biển, cảng hàng không, giáp ranh với các tỉnh có biên giới làm nơi trung chuyển các loại hàng hóa. Đồng thời, các đối tượng đã lợi dụng hình thức kinh doanh thương mại điện tử để bày bán các mặt hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Tỉnh Bình Dương là địa phương không có biên giới quốc gia nên hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm không diễn ra công khai, phức tạp. Tuy nhiên, tỉnh Bình Dương có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt thuận lợi để vận chuyển hoặc trung chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam, từ các tỉnh biên giới, Tây Nguyên về thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ để tiêu thụ.
Hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ rất đa dạng, một số doanh nghiệp đã lợi dụng việc quản lý theo cơ chế “tự khai tự chịu trách nhiệm”, chính sách tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước của địa phương nói chung và từng cơ quan ban ngành nói riêng.
Bên cạnh yếu tố về mặt địa lý, thị trường hàng hóa trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng trong thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan. Đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất mà thế giới phải đối mặt, các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để chống dịch đã gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, làm tê liệt tất cả các khâu của quá trình sản xuất - phân phối - trao đổi - tiêu dùng.
Thương mại điện tử dần thay thế cho các phương thức truyền thống bởi dịch bệnh Covid-19 tác động đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng do phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội. Không thể đi mua sắm trực tiếp nên người tiêu dùng đã chuyển hướng sang mua sắm online. Dần dần, mọi người không chỉ quen thuộc mà còn ưa thích phương thức mua sắm này do tính tiện lợi, nhanh gọn…. Các nền tảng trực tuyến mạng xã hội như: Zalo, Facebook, TikTok, Zoom, Skype, Viber và các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada… không ngừng phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này.
Ngoài các Doanh nghiệp lớn, có hệ thống website công khai, có đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, có địa điểm kho hàng cụ thể, hàng hóa đạt chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thì còn có một số đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường xuyên sử dụng các nền tảng công nghệ như: Zalo, Facebook, Tiktok… và các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada… để thực hiện hoạt động chào hàng, giới thiệu, mua bán hàng hóa, tiềm ẩn nguy cơ là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo nguồn gốc, xuất xứ.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình lợi dụng môi trường thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, hàng kém chất lượng... sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Nhằm tăng cường công tác ngăn chặn chống hàng giả, hàng nhái, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, Cục Hải quan Bình Dương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng như tăng cường quản lý, xử lý vi phạm, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái...
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 10/10/2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử và các văn bản liên quan; tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ;
Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Cùng với đó, Hải quan Bình Dương luôn chú trọng thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững, tránh thất thu thuế cho nhà nước, hạn chế tối đa những kẽ hở, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.